Đó là một chiều thứ sau khi đồng hồ vẫn đang tích tắc không ngừng. Bạn đang làm việc một cách điên cuồng để hoàn thành deadline trước 5h chiều, trong khi đó lại không ngừng trách móc bản thân tại sao lại không làm nó sớm hơn. Vậy tại sao chuyện này lại xảy ra? Tại sao bạn lại bị mất tập trung mà không làm công việc đó cho đúng thời hạn?
Có bao giờ bạn dành hàng giờ để lướt các trang mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị, để giải lao hoặc thực hiện các công việc khác mà không chú trọng vào nhiệm vụ trước mắt. Nếu những trường hợp này nghe có vẻ quen đối với bạn thì bạn không hề đơn độc.
Sự chần chừ là một cái bẫy mà nhiều người chúng ta thường bị rơi vào. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 95% “chúng ta” trì hoãn ở một mức nào đó. Mặc dù số liệu này có thể an ủi rằng bạn không hề cô đơn nhưng cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh rằng sự trì hoãn có thể giữ chân bạn lại ở một mức độ nào đó.
Sau đây hãy cùng xem xét lý do vì sao và tìm hiểu các chiến lược để vượt qua sự trì hoãn của chính mình.
Chần chừ có giống với lười biếng không?
Sự chần chừ thường bị nhầm lẫn với sự lười biếng, nhưng thực ra chúng rất khác nhau. Sự trì hoãn là một quá trình tích cực – bạn chọn làm một việc khác thay vì hoàn thành nhiệm vụ mà bạn biết rằng mình nên làm. Ngược lại, sự lười biếng là việc con người thờ ơ, không hoạt động và cũng không sẵn sàng hành động.
Sự trì hoãn thường sẽ liên quan tới việc bạn bỏ qua một nhiệm vụ khó khăn hoặc không hứng thú nhưng lại quan trọng hơn để làm một nhiệm vụ khác nhẹ nhàng hơn, thú vị hơn. Nhưng chính sự chuyển đổi thực hiện nhiệm vụ này lại gây ra một hậu quả khá là nghiêm trọng.Ví dụ, ngay cả khi bạn trì hoãn trong một thời gian ngắn hay một công việc nhỏ nhưng cũng đủ để bản thân cảm thấy áy náy hoặc cũng có thể dẫn đến giảm năng suất làm việc, khiến chúng ta không đạt được mục tiêu của mình.
Nếu trì hoãn trong một thời gian dài, chúng ta có thể trở nên mất tinh thần và vỡ mộng với công việc của bản thân. Cũng có thể dẫn đến trầm cảm và thậm chí là mất việc nếu việc trì hoãn dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
Cách vượt qua sự chần chừ
Như với hầu hết các thói quen, bạn cũng có thể hoàn toàn vượt qua sự chần chừ nếu đủ quyết tâm. Hãy bắt đầu với những bước sau đây:
Bước 1: Nhận biết rằng bản thân mình đang chần chừ
Bạn có thể bỏ dở một nhiệm vụ vì phải sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho khối lượng công việc của mình. Do đó, thỉnh thoảng bạn sẽ trì hoãn một nhiệm vụ quan trọng trong một thời gian ngắn vì một lý do thực sự chính đáng thì khi đó không hẳn là bản thân bạn đang mắc phải chứng trì hoãn. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu trì hoãn mọi thứ vô thời hạn hoặc chuyển sang tập trung vào một công việc khác vì bạn muốn tránh làm điều gì đó, thì rất có thể bạn đã và đang trì hoãn công việc.
Một số dấu hiệu khác để nhận biết bản thân đang trì hoãn có thể kể đến như:
– Dành cả một ngày để thực hiện những công việc có mức độ ưu tiên thấp.
– Để một mục trong danh sách “việc cần làm” tồn tại trong một thời gian dài, mặc dù nó quan trọng.
– Đọc email nhiều lần mà không đưa ra quyết định phải làm gì với chúng.
– Bắt đầu một nhiệm vụ có sự ưu tiên cao và sau đó tự giải lao.
– Dành nhiều thời gian để thực hiện những nhiệm vụ không quan trọng mà người khác yêu cầu bạn làm, thay vì tiếp tục với những nhiệm vụ quan trọng đã có trong danh sách của mình.
– Chờ để có “tâm trạng thích hợp” hoặc đợi “thời điểm thích hợp” để giải quyết một công việc.
Bước 2: Tìm ra lý do vì sao bản thân lại chần chừ
Bạn cần tìm hiểu lý do vì sao mình lại trì hoãn trước khi có thể bắt tay vào giải quyết một vấn đề. Ví dụ bạn đang trốn tránh một nhiệm vụ cụ thể nào đó vì bạn thấy nó nhàm chán hoặc không hứng thú? Vậy hãy thực hiện các bước để giải quyết vấn đề đó một cách nhanh chóng để bạn có thể tập trung vào các khía cạnh khác của công việc mà bạn cảm thấy hứng thú hơn.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tự tổ chức công việc cho bản thân kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì hoạn. Những người ít bị chần chừ là nhờ họ có thể tự lên danh sách việc cần làm một cách khoa học và hợp lý, biết sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên và thời gian thực hiện, từ đó hoàn thành chúng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nhưng đôi khi mặc dù bạn đã lên danh sách việc cần làm nhưng vẫn cảm thấy quá tải bởi một nhiệm vụ nào đó thì rất có thể là do bạn đang nghi ngờ về khả năng của mình. Trước khi bắt đầu thực hiện thì bạn đã lo lắng về việc thất bại, do đó bạn tạm gác nó sang một bên để tìm kiếm sự thoải mái từ những nhiệm vụ an toàn hơn.
Một số người sợ thành công cũng như thất bại. Họ cho rằng thành công sẽ dẫn đến việc mình phải nhận thêm nhiều nhiệm vụ hơn. Từ đó, họ sẽ trì hoãn dù cho bản thân hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ này đúng thời hạn.
Một nguyên nhân chính khác của sự trì hoãn là khả năng đưa ra quyết định kém. Nếu bạn không thể quyết định phải làm gì thì bạn có thể sẽ ngưng hành động để hạn chế việc sai trái khi chính thức bắt tay vào thực hiện.
Bước 3: Áp dụng chiến lược chống trì hoãn
Sự trì hoãn là một thói quen, một khuôn mẫu hành vi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Điều này có nghĩa là bạn không thể phá vỡ nó trong một sớm một chiều được. Thói quen chỉ dừng lại lại thói quen khi bạn tránh thực hiện chúng, vì vậy hãy thử càng nhiều phương pháp càng tốt để tạo cho mình cơ hội loại bỏ sự trì hoãn càng sớm càng tốt.
– Hãy “tha thứ” cho bản thân đã từng trì hoãn trong quá khứ: Sự tự tha thứ sẽ giúp bạn cảm thấy tích cực hơn về bản thân và giúp giảm khả năng trì hoãn trong tương lai.
– Giữ “cam kết” với nhiệm vụ: Tập trung vào làm, không né tránh. Hãy viết ra những công việc bạn cần hoàn thành và chỉ định thời gian để thực hiện chúng. Điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc giải quyết công việc của mình.
– Tự hứa với bản thân một phần thưởng: Nếu bạn hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn đúng thời hạn, hãy tự thưởng cho mình một món ăn hoặc một món đồ mà bản thân yêu thích. Hãy tạo cơ hội để bản thân cảm nhận được cảm giác thành tựu khi hoàn thành một nhiệm vụ đúng hạn.
– Nhờ ai đó kiểm tra bạn: Hãy tự tạo áp lực cho bản thân bằng cách nhờ người khác giám sát mình. Nếu bạn không có ai để nhờ thì cũng có thể tự sử dụng các phần mềm như procraster để giúp bạn tự giám sát chính mình.
– Thấy là làm: Hãy bắt tay giải quyết nhiệm vụ ngay khi chúng phát sinh, đừng để chúng tích tụ hoặc dời sang ngày khác.
– Giảm thiểu các thứ gây nhiễu: Hãy tắt các trang mạng xã hội khi thực hiện nhiệm vụ để không gây nhiễu đến tâm trạng và sự tập trung của bản thân.
– Hoàn thành thứ mình không thích trước: Hãy hoàn thành những công việc mà bạn cảm thấy không thích thú nhất để dành khoảng thời gian còn lại trong ngày cho những nhiệm vụ thú vị hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hạn chế sự trì hoãn của mình bằng cách nghĩ về hậu quả của nó. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không hoàn thành công việc? Nó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu cá nhân, nhóm hoặc tổ chức của bạn như thế nào? Do đó, thay vì nghĩ đến sự thoải mái khi trì hoãn, hãy nghĩ tới những thứ đen tối mà sự trì hoãn mang đến. Biết đâu đây cũng là cách giúp bạn thức tỉnh một cách nhanh chóng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị