Zhang Ruimin từng nói: “Đổi mới quản lý là một hệ thống cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, muốn thực hành tốt, phải có hệ thống lý thuyết tốt dẫn dắt, 20 quy tắc quản lý vàng của Drucker là bài học bắt buộc cho mọi quản lý cấp trung và cấp cao.”
Peter Ferdinand Drucker là chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, là tác giả nhiều cuốn sách quản lý nổi tiếng, trong đó có cuốn “Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21”.
Dưới đây là 20 quy tắc vàng trong quản lý của Peter Drucker.
Quy tắc 1
Vì doanh nghiệp là một phần tử của xã hội, nên doanh nghiệp bắt buộc phải đặt mình vào trong xã hội. Nói về mục đích của doanh nghiệp, chỉ có một định nghĩa chính xác và hiệu quả đó là: tạo ra khách hàng. Và nó cũng chỉ có hai chức năng cơ bản: bán hàng và sáng tạo. Hai chức năng này là hai chức năng mang tinh thần doanh nghiệp rất rõ nét.
Quy tắc 2
Làm ăn kinh doanh đồng nghĩa với việc tham gia vào đổi mới, sáng tạo, và đổi mới là một điểm không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh. Các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ mang lại cho các nguồn lực một khả năng mới để tạo ra tài sản, sự giàu có. Trên thực tế, chính hoạt động đổi mới là thứ tạo ra tài nguyên (hay nguồn lực). Trước khi con người khám phá ra một thứ gì đó trong tự nhiên và mang lại giá trị kinh tế cho nó, cái gọi là “tài nguyên” căn bản không tồn tại.
Quy tắc 3
Đối với một nhà quản lý, muốn thu thập được những thông tin có ích từ bên ngoài, suy cho cùng cũng chỉ có một cách: tự mình đi vi hành. Dù báo cáo viết có hay tới đâu, dù lý thuyết kinh tế hay tài chính hỗ trợ các báo cáo này hợp lý đến mức nào, thì đích thân và trực tiếp đi quan sát luôn tốt và thực tế hơn bất cứ phương pháp nào. Vì vậy, bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy đứng lên và đi ra ngoài.
Quy tắc 4
Tạo mọi điều kiện phát huy sở trường của các cá nhân, đó là mục đích tồn tại duy nhất của một nhóm hay tổ chức. Cần phải biết rằng, đã là con người, ai cũng sẽ có khuyết điểm và sở trường, và hai thứ này lại gần như không thể thay đổi, nhưng chúng ta lại hoàn toàn có thể sử dụng chúng theo cách của mình. Nhiệm vụ của nhà quản lý là tận dụng ưu điểm của các thành viên để cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ có những nhóm để “người bình thường làm những việc phi thường”, đó mới là một nhóm hiệu quả.
Quy tắc 5
Thay đổi về quan niệm không giúp thay đổi bản chất sự việc, mà chỉ là thay đổi ý nghĩa của chúng.
Quy tắc 6
Quản lý là một loại thực tiễn, là sự “thực hành”, bản chất của nó không nằm ở lý thuyết mà nằm ở hành động; sự kiểm chứng của nó không nằm ở logic mà nằm ở thành quả, và quyền uy duy nhất của nó là thành tích.
Quy tắc 7
Trong số những nhà quản lý, người thực sự cho ra được hiệu quả hay năng suất công việc cao là rất ít. Thông thường mà nói, nhà quản lý thường là những người tài trí, năng lực tưởng tượng phong phú, đồng thời có một lượng kiến thức khá đủ đầy. Nhưng, tính hiệu quả của một người lại không liên quan nhiều lắm tới trí lực, sức tưởng tượng hay kiến thức của anh ta. Người tài giỏi thường là người không đem lại hiệu quả nhất, bởi lẽ họ không nhận thức được rằng bản thân tài năng không đồng nghĩa với thành quả. Họ cũng không biết rằng, tài năng của một người, chỉ có thể tạo ra lợi ích thông qua những công việc có tổ chức, có hệ thống.
Quy tắc 8
Trong phần lớn các doanh nghiệp, nhà quản lý đều là nguồn lực quý giá nhất, và đồng thời cũng là tài nguyên mất giá nhanh nhất và cần phải được bổ sung liên tục. Xây dựng một đội ngũ quản lý tốt mất rất nhiều thời gian, nhưng vì quản lý không đúng cách hoặc vì nguyên nhân khách quan nào đó mà nó có thể sụp đổ trong thời gian rất ngắn.
Quy tắc 9
Đổi mới sáng tạo không phải là cảm hứng lóe lên trong một phút giây nào đó, mà đó là công việc trường kì vô cùng vất vả. Và nó đồng thời cũng nên trở thành nội dung công việc hàng ngày của tất cả các bộ phận và các nhà quản lý.
Quy tắc 10
Nếu như một nhà xưởng luôn trong trạng thái luân phiên vội vã, không ngừng nghỉ, trong mắt những người tới tham quan, nhân viên luôn bận rộn tới mức không thể ngước nhìn lên để chào hỏi, vậy có nghĩa là quản lý có vấn đề. Một công xưởng được quản lý tốt, nó sẽ luôn duy trì được nhịp độ chậm rãi, bình thản, hay nói cách khác là khá nhạt nhẽo, cũng sẽ chẳng phát sinh ra bất cứ drama kịch tính nào. Đó là bởi những khủng hoảng hay nguy cơ có thể xảy ra đều sớm đã được dự đoán, hơn nữa, những giải pháp đó sớm đã được biến thành những công việc hàng ngày. Tương tự, một tổ chức mà quản lý đã đi vào quỹ đạo cũng thường là một tổ chức đem lại cảm giác nhàm chán, nhạt nhẽo, bởi lẽ trong nhóm này, những thứ “hút mắt” họ phần lớn đều là những quyết sách trong tương lai chứ không phải đề đầu cưỡi cổ ra để xử lý những vấn đề trong quá khứ.
Quy tắc 11
Tất nhiên, tỷ lệ lợi nhuận không phải là mục đích kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, mà nó chỉ là một trong những yếu tố hạn chế. Lợi nhuận không phải là lời giải thích, lý do hay bằng chứng hợp lý cho hành vi và các quyết sách của doanh nghiệp, mà chỉ là một bài kiểm tra về tính hiệu quả của công ty.
Quy tắc 12
Internet xóa bỏ khoảng cách, và đó chính là sức ảnh hưởng của nó.
Quy tắc 13
Các công ty ngày nay không quan tâm nhiều đến sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên, trên thực tế, những người lao động tri thức phải tự trở thành CEO của chính họ.
Quy tắc 14
Chúng ta không thể kiểm soát được cải cách hay sự thay đổi của thời thế, chúng ta chỉ có thể đi trước nó. Cho tới nay, mọi người đều đã chấp nhận được thực tế rằng “thay đổi là điều không thể tránh khỏi”. Nhưng khi nói đến thay đổi, vẫn không thể tránh được việc nói tới “phá sản và thuế”, nếu có thể trì hoãn, người ta nhất định sẽ trì hoãn, chẳng ai lại vui vẻ mở rộng vòng tay ôm lấy nó cả.
Quy tắc 15
Chức năng của quản lý là tạo ra thành quả vượt ra ngoài phạm vi tổ chức thông qua việc điều chỉnh các nguồn lực trong nhóm đó.
Quy tắc 16
Thứ mà khách hàng mua, không phải là bản thân sản phẩm mà là giá trị, công dụng, tiện ích của nó, hay nói cách khác, thứ mà người tiêu dùng quan tâm là một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó có thể đem lại được điều gì cho họ… Theo định nghĩa mà nói, thứ mà khách hàng mua là sự thỏa mãn về nhu cầu, hay sự hài lòng.
Quy tắc 17
Nỗ lực tạo ra tương lai là một việc vô cùng rủi ro và mạo hiểm. Nhưng, rủi ro của nó lại nhỏ hơn nhiều so với việc ngồi đó bị động chấp nhận tương lai.
Quy tắc 18
Một người coi trọng sự đóng góp, một người dám chịu trách nhiệm về kết quả, ngay cả khi anh ta có chức vụ thấp bé, anh ta vẫn nên được coi là một “quản lý cấp cao” bởi lẽ anh ta có thể chịu trách nhiệm về hiệu suất hoạt động của cả một tổ chức.
Quy tắc 19
Muốn tạo ra được cái mới, hãy bắt đầu từ việc rũ bỏ những cái cũ. Bất cứ một tổ chức nào cũng đều không thiếu các ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, thứ họ thiếu lại là hành động, sự thực thi sự sáng tạo, đổi mới đó. Phần lớn mọi nhân viên đều đang bận rộn với nhiệm vụ của ngày hôm qua.