Điều bất thường ở dự án Wyndham Thanh Thủy?

Ký quỹ khi chưa hoàn thành pháp lý

Ngày 30/6/2020, báo Đất Việt đã làm việc với đại diện truyền thông của Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji về những thông tin quảng cáo tại dự án Wyndham Thanh Thủy (xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Tại trụ sở của công ty này, nhân viên đã thực hiện ký quỹ với nhiều khách mua sản phẩm tại Wyndham Thanh Thủy.

Theo một khách đến trụ sở Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji để thực hiện việc ký quỹ sau khi nộp hơn 100 triệu đồng vào dự án Wyndham Thanh Thủy, ông được nhân viên môi giới giới thiệu dự án này có suối nước nóng nên mới quyết định mua.

“Tôi ký quỹ trực tiếp với Công ty Onsen Fuji. Căn hộ có giá gần 1 tỷ đồng và số tiền phải nộp ký quỹ là 30%. Hiện tôi mới nộp được hơn 100 triệu đồng, sang tháng phía Công ty Onsen Fuji sẽ liên lạc để yêu cầu tôi đóng nốt số tiền còn lại” – vị này cho biết.

Dieu bat thuong o du an Wyndham Thanh Thuy?
Nhân viên Công ty CP dịch vu du lịch Onsen Fuji ký quỹ với khách hàng dự án Wyndham Thanh Thủy tại trụ sở công ty.

Cũng theo vị khách này, dù chưa ký KĐMB sản phẩm tại dự án Wyndham Thanh Thủy nhưng phía Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji đã đưa bảng tiến độ thanh toán chi tiết cho khách hàng, kèm theo phụ lục thể hiện những hạng mục, trang thiết bị sẽ có trong căn hộ của người mua.

Tuy nhiên, trước đó vào ngày 7/5/2020, UBND huyện Thanh Thủy đã có văn bản về việc xây dựng tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy.

Nội dung văn bản chỉ rõ: Qua kiểm tra thực tế tại khu đất nêu trên, UBND huyện Thanh Thủy thấy Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji đang tổ chức triển khai thi công công trình tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy khi chưa được cấp phép xây dựng theo quy định.

Đến ngày 28/5/2020 UBND huyện Thanh Thủy tiếp tục có văn bản về việc xây dựng các dự án của Công ty CP dịch vụ du lịch Osen Fuji tại huyện Thanh Thủy.

UBND huyện Thanh Thủy đề nghị: Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji thực hiện nghiêm văn bản ngày 7/5/2020 của UBND huyện Thanh Thủy về việc dừng thi công xây dựng tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng đối với dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy.

Việc thi công xây dựng công trình và thực hiện các giao dịch muc bán căn hộ du lịch thuộc dự án chỉ được thực hiện khi đủ các thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji vẫn tiến hành thi công rầm rộ, dù các cơ quan chức năng đã chỉ đạo.

Dieu bat thuong o du an Wyndham Thanh Thuy?

Dieu bat thuong o du an Wyndham Thanh Thuy?
Giấy biên nhận ký quỹ và nhận tiền của Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji tại dự án Wyndham Thanh Thủy (xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Phủ nhận chuyện đang diễn ra

Việc ký quỹ với khách hàng được nhân viên Công ty CP dịch vụ du lịch Onsen Fuji thực hiện ngay tại trụ sở của công ty tại tầng 14 số 1 Phạm Huy Thông (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội) nhưng khi trao đổi với Đất Việt, ông Tuấn Anh – đại diện truyền thông của đơn vị lại phủ nhận điều này.

Theo ông Tuấn Anh, hiện Công ty dịch vụ du lịch Onsen Fuji không thực hiện rao bán sản phẩm, ký quỹ hay HĐMB với bất kỳ khách hàng nào tại dự án Wyndham Thanh Thủy.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến thông quảng cáo dự án được sử dụng suối nước nóng trong khi cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ mới chỉ cho phép 2 doanh nghiệp khác được thăm dò chứ chưa được khai thác, khả năng tài chính của chủ đầu tư, hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, tiến độ thi công… liên quan đến dự án Wyndham Thanh Thủy đều được ông Tuấn Anh cho biết, đơn vị sẽ trả lời bằng văn bản.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc ký quỹ, đặt cọc giữ chỗ khi dự án chưa hành thành hay đảm bảo các điều kiện theo định của pháp luật đều khiến người dân dễ dàng sa vào các dự án “bất khả thi”.

Đây cũng là cách đơn giản nhất để các chủ đầu tư kinh doanh nhà đất huy động vốn nhưng đầy rủi ro bởi chế tài đối với các trường hợp vi phạm trong việc huy động vốn vẫn còn lỏng lẻo nên khi xảy ra tranh chấp thì người mua thường chịu thiệt.

Luật sư Mai Thảo – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cảnh báo, hàng loạt vụ án lừa đảo liên quan đến nhà đất hình thành trong tương lai. Hầu hết các chủ đầu tư dự án bất động sản không có đủ vốn để triển khai cho nên phải huy động vốn của khách hàng dưới các hình thức ký văn bản như: Hợp đồng đặt cọc, thỏa thuận góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư…

Tuy nhiên, trên thực tế, bao giờ người đặt cọc cũng phải chịu nắm “đằng lưỡi” vì muốn đòi được “khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc”, họ phải kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc ra tòa án với quy trình tố tụng kéo dài. Đó là chưa kể nhiều vụ thắng cuộc cũng khó đảm bảo thi hành án.

Thỏa thuận này giữa Chủ đầu tư và khách hàng mang lại nhiều rủi ro cho khách hàng khi Chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết như trường hợp Dự án bị Chủ đầu tư thế chấp ngân hàng trước khi bán. Đây là nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa Ngân hàng, người mua nhà, chủ đầu tư khi xảy ra tranh chấp hoặc Dự án không đúng tiến độ.

Theo quy định hiện hành nếu dự án đã thế chấp tại ngân hàng, doanh nghiệp phá sản thì xử lý tài sản còn lại của doanh nghiệp sẽ ưu tiên giải quyết nộp ngân sách nhà nước, nợ thuế, nợ ngân hàng. Còn đối với khách hàng và chủ thể liên quan phải thông qua khởi kiện tại Tòa án. Khi đó khách hàng mới được đưa vào danh sách bảo vệ quyền lợi.

“Cơ quan quản lý cần có những biện pháp để kiểm soát tình trạng chủ đầu tư, đơn vị phân phối lách luật huy động vốn của khách hàng, bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai. Về phía khách hàng cũng cần đòi hỏi có chứng thư bảo lãnh từ phía ngân hàng để bảo vệ quyền lợi, hạn chế rủi ro có thể xảy ra” – Luật sư Mai Thảo đề nghị.

Tiến Hưng 

Tin liên quan