Là một BTV của VTV24, dẫn dắt các chương trình kinh tế, tài chính như Money Weekly, Phạm Ngọc Hà My bước ra từ top 15 Hoa hậu Việt Nam năm 2018. Sau đó, cô trở thành Hoa khôi Báo chí năm 2019.
Sở hữu ngoại hình tươi tắn, lối diễn tự nhiên, thu hút, Hà My đã nỗ lực rất nhiều và chứng tỏ bản thân không chỉ là một “bình hoa di động”. Ấy thế mà, khi làm việc tại VTV, cô đã từng nhận được một lời nhận xét “Tại sao mấy đứa đi thi Hoa hậu về cứ muốn vào VTV làm thế?” từ đồng nghiệp. Không phải nói, nữ MC trẻ cảm thấy tổn thương vì những cố gắng của mình không được công nhận.
Trong một workshop xây dựng thương hiệu cá nhân gần đây, Hà My không ngại chia sẻ về kỉ niệm này. Đối mặt với lời nhận xét này, cô chọn im lặng và tiến về phía trước, làm tốt công việc bằng tất cả khả năng của mình.
Cụ thể chia sẻ của Hà My:
“Tại sao mấy đứa đi thi Hoa hậu về cứ muốn vào VTV làm thế?”. Các bạn nhìn thì cũng đúng, ai đi thi về có mác Hoa hậu cũng vào đấy làm. Nhưng mình nghĩ với sự nỗ lực của bản thân mình cho đến thời điểm nói chuyện với chị ấy, mình cũng đã thể hiện là mình đến đây không chỉ muốn lên hình, không chỉ muốn fame (sự nổi tiếng) mà mình cũng đã nỗ lực rồi. Mình cũng đến “from nine to five” (làm việc giờ hành chính từ 9h sáng đến 5h chiều), có phải là chỉ đến dẫn xong rồi đi về đâu. Thế mà mình lại nhận được những câu đấy!
Thời điểm đó, lời nói đó làm mình rất tổn thương, kiểu ‘Đấy, cái bình hoa di động đấy’. Sau cuộc thi Hoa hậu nhiều lúc mình nghĩ, mình tuyệt vọng chỉ ‘Ứớc gì hồi đấy mình không đi thi Hoa hậu’. Nhưng mình nhận ra định kiến của tất cả mọi người sẽ không bao giờ biến mất. Ở trong một môi trường competitive (cạnh tranh) như thế, họ sẽ luôn tìm ra được yếu điểm của mình để dìm mình xuống.
Và cái việc duy nhất mình làm lúc đấy là cải thiện năng lực sản xuất của mình. Bởi vì vị trí của mình là BTV thì phải sản xuất tin bài, sản xuất sản phẩm của mình. Sản phẩm của mình nhiều người mến mộ, được nhiều lượt view, nhiều người theo dõi và có tính chuyên môn cao thì có thể đập tan được những định kiến của người ta về bản thân mình rồi. Sau đó mình áp dụng đúng như những gì mình nói trong bước xây dựng thương hiệu cá nhân, tận dụng MXH.
Mình làm được sản phẩm nào tốt, mình up lên đấy, tất cả mọi người đồng nghiệp, từ các phòng ban này kia đều nhìn ra được ‘À, sản phẩm của con bé này là tốt. Mặc dù mới ít năm kinh nghiệm thôi nhưng chất lượng và lượng view bằng các anh chị lâu năm rồi, thậm chí còn hơn’. Thế là mình không cần phải giải thích hay đôi co với những lời nói đấy bất kỳ một lần nào nữa. Sau đó và đến thời điểm hiện tại, họ đã chuyển một cái nhìn khác về bản thân mình rồi”.
Với chiều cao nổi trội 1,75m, Phạm Ngọc Hà My, sinh năm 1996, để lại ấn tượng đặc biệt trong những cuộc thi sắc đẹp cô từng tham gia. Đặc biệt, Hà My chính là “nữ sinh tặng hoa Tổng thống Trump” trong dịp ông Donald Trump đến Việt Nam dự APEC 2017.
Trước đó, Hà My từng học tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và là thành viên của câu lạc bộ Lễ tân Ngoại giao của Học viện Ngoại giao. Cô cũng gây chú ý khi biết tới 4 ngoại ngữ khác nhau, có khả năng giao tiếp tốt tiếng Anh, tiếng Pháp và nghe hiểu được tiếng Hàn, Trung.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị