Các biện pháp cưỡng chế quỹ bảo trì chung cư đã được quy định rõ hơn, bao gồm cả khi chủ đầu tư không đủ tiền trong tài khoản.
Nghị định 30/2021/NĐ-CP là bài thuốc đặc trị “bệnh” om quỹ bảo trì chung cư. Ảnh: S.T |
– Phí bảo trì chung cư 2% thời gian qua đang trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra tranh chấp tại các chung cư. Hiện, đã có chế tài nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Thời gian qua, quỹ bảo trì chung cư đã gây nên những căng thẳng tranh chấp chung cư. Nguyên nhân từ việc các chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chưa có chế tài rõ ràng để buộc họ phải trao trả số tiền này.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Nghị định số 30/2021 ra đời đã sửa đổi bổ sung Điều 36 Nghị định số 99/2015 với hai quy định.
Thứ nhất, quy định chủ đầu tư phải mở một tài khoản để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là tài khoản thanh toán (tài khoản đóng) và chủ đầu tư không được phép sử dụng tài khoản này để khắc phục việc chủ đầu tư tự ý sử dụng kinh phí này trong thời gian chưa bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Thứ hai, bỏ quy định người mua, thuê mua nộp trực tiếp kinh phí bảo trì cho chủ đầu tư, thay vào đó là nộp vào tài khoản thanh toán (tài khoản đóng) do chủ đầu tư lập và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đồng thời quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở đối với việc nộp kinh phí bảo trì.
– Vậy thưa ông, với quy định trên, liệu cư dân đã có thể hoàn toàn yên tâm việc bảo hành chung cư trong thời gian quỹ bảo trì chưa được chuyển về cho Ban quản trị?
Việc sửa đổi quy định này nhằm gắn trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo trì nhà chung cư, tránh trường hợp như quy định hiện hành, người mua, thuê mua không nộp và chủ đầu tư cũng không nộp dẫn đến phải thực hiện cưỡng chế gây khó khăn cho việc thu kinh phí bảo trì.
Không những vậy, Nghị định số 30/2021 cũng bổ sung quy định nếu trong thời gian chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư mà chủ đầu tư phải thực hiện bảo trì phần sở hữu chung thì chủ đầu tư tự bỏ kinh phí trước để bảo trì, sau đó sẽ được khấu trừ số tiền đã thực hiện bảo trì khi bàn giao kinh phí bảo trì sang cho Ban quản trị nhà chung cư, nhưng phải đầy đủ giấy tờ chứng minh việc bảo trì này.
– Thời gian qua, rất nhiều trường hợp chủ đầu tư “chây ỳ” trả tiền quỹ bảo trì. Nghị định 30 có chế tài nào để xử lý, thưa ông?
Về xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì bàn giao cho Ban quản trị, Nghị định 30/2021 đã sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định số 99/2015 theo hướng.
Thứ nhất, nếu tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì còn kinh phí nhưng chủ đầu tư không bàn giao thì UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế, yêu cầu tổ chức tín dụng chuyển giao kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập.
Thứ hai, nếu tài khoản tiền gửi nêu trên không còn đủ tiền hoặc không còn tiền thì UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư.
Thứ ba, trường hợp chủ đầu tư không còn tiền hoặc không còn đủ tiền trong tài khoản kinh doanh để bàn giao thì UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư giá trị tương đương.
– Xin cảm ơn ông!
Theo DĐ BĐS