Chủ đầu tư thế chấp đất nền: Góc khuất cần làm rõ

Thời gian gần đây, nhiều cư dân mua đất nền dự án xây nhà ở ổn định tại dự án khu nhà ở ven sông phường Bình An, Q.2 (TP.HCM) bất ngờ bị ngân hàng kê biên, ngăn chặn do vướng vào tố tụng giữa chủ đầu tư và Ngân hàng BIDV.

Các nền đất dù đã bán cho cư dân từ lâu nhưng ngân hàng vẫn nhận thế chấp của chủ đầu tư là Công ty TNHH TM – XD – KD nhà Tân Hồng Uy (Công ty Tân Hồng Uy) và kiện công ty này thực hiện cam kết bảo lãnh khoản vay.

Trao đổi với phóng viên chiều 30/4, một vị luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất đã bán cho người dân mà chưa có sự đồng ý của người dân bằng văn bản là sai quy định.

Về phía ngân hàng, việc nhận thế chấp tài sản nhưng chưa thực hiện các bước thẩm định giá, ghi hình, lập biên bản là sai quy trình. Bởi lẽ, nếu ngân hàng tiến hành thẩm định tài sản thế chấp thì đã phát hiện đất thế chấp đã được người dân mua, xây dựng.

Chu dau tu the chap dat nen: Goc khuat can lam ro
Ngôi nhà đang xây dở dang của cư dân mua đất dự án Tân Hồng Uy bị ngân hàng kiến nghị Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu dừng thi công. Ảnh: TTO

“Trong trường hợp này, cần phải làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất, tại sao chủ đầu tư có thể mang đất (đã bán cho người dân) dự án đi thế chấp mà không vấp phải trở ngại nào? Thứ hai, tại sao ngân hàng lại chấp nhận cho chủ đầu tư thế chấp đất dự án đã bán cho người dân từ lâu?.

Khi chủ đầu tư mang đất dự án đi thế chấp ngân hàng thì người dân không những không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà còn gặp khó khăn khi xây dựng nhà ở. Thậm chí, khách hàng có thể mất trắng nếu ngân hàng phát mãi và chủ đầu tư phá sản.

Người dân hoàn toàn bị động khi vướng vào tranh chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, vị luật sư nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi trên Tuổi trẻ, ông Đinh Hồng Hải – Giám đốc Công ty Tân Hồng Uy xác nhận việc công ty đã mang giấy tờ của 15 lô đất dự án ven sông phường Bình An đi thế chấp cho BIDV.

“Tôi đã có đơn kiến nghị BIDV giảm 5% lãi suất, khi đó tôi sẽ thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Mong cư dân đợi thêm thời gian, sau khi trả hết nợ ngân hàng, lấy giấy tờ về tôi sẽ làm hồ sơ tách sổ cho người dân” – ông Hải khẳng định.

Đại diện BIDV cho rằng, chỉ nhận thế chấp tài sản là “quyền sử dụng đất ở đô thị” của dự án nhà ở Tân Hồng Uy bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của Công ty CP Otran miền Nam phát sinh tại BIDV.

Công ty Tân Hồng Uy được quyền thế chấp “quyền sử dụng đất ở đô thị” tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 174 Luật đất đai năm 2013.

Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng với Công ty Tân Hồng Uy được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo tại Phòng đăng ký đất đai TP.HCM. BIDV cho rằng, việc nhận thế chấp tài sản trên là đúng quy định pháp luật.

Tin liên quan