Chủ đầu tư thế chấp cả phố đại gia: Nhiều bất thường

Ngày 30/9/2019, trao đổi với Đất Việt về việc Công ty CP Đầu tư Đại Hải – chủ đầu tư dự án khu dân cư Sông Đà (P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP. HCM) đem hàng trăm sổ đỏ của khách hàng đi thế chấp tại ngân hàng cả chục năm nay, nhiều luật sư cho rằng, đây là hành động vi phạm pháp luật phổ biến trong thực hiện các dự án đất nền đang diễn ra trong những năm gần đây.

“Theo quy định, với dự án bất động sản đất nền sau khi làm xong cơ sở hạ tầng dự án như điện, đường, hệ thống nước thải… thì khách hàng mua đất nền tại dự án được làm thủ tục cấp sổ đỏ. Vì thế, việc hàng chục năm nay người dân sống tại khu dân cư Sông Đà chưa có sổ đỏ cho thấy có sự bất thường” – luật sư Nguyễn Văn Thành cho biết.

Theo ông Thành, việc thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng phải tuân theo những quy định bắt buộc. “Người đứng tên sổ đỏ mới được thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng. Nếu muốn người khác đứng ra thế chấp thì người đứng tên sổ đỏ phải có giấy ủy quyền cho người đó. Mặc dù vậy, người đứng tên vẫn phải đứng ra làm thủ tục với ngân hàng” – ông Thanh cho biết.

Từ quy định đó áp dụng với sự việc tại khu dân cư Sông Đà thì việc Công ty CP Đầu tư Đại Hải tự ý đem hơn 200 sổ đỏ của khách đi thế chấp ở ngân hàng cả chục năm nay là điều khó hiểu.

Chu dau tu the chap ca pho dai gia: Nhieu bat thuong
Hàng trăm sổ đỏ tại khu dân cư Sông Đà bị chủ đầu tư đem đi thế chấp tại ngân hàng cả chục năm nay.

Nếu ngân hàng làm đúng theo quy định thì việc Công ty CP Đầu tư Đại Hải thế chấp sổ đỏ tại dự án phải có được sự đồng tình của người đứng tên sổ đỏ, nhưng người đứng tên không biết gì về việc này cho thấy có nghi vấn cấu kết giữa chủ đầu tư dự án và ngân hàng.

Ông Thành cho biết thêm: “Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì việc thế chấp quyền sử dụng đất tại khu dân cư Sông Hồng giữa Công ty CP Đầu tư Đại Hải và ngân hàng sẽ không có hiệu lực.

Ngân hàng phải trả lại quyền lợi cho người đứng tên trong sổ đỏ, khoản tiền thế chấp thì Công ty CP Đầu tư Đại Hải phải chịu trách nhiệm. Sự việc này cũng sẽ gây ra nguy cơ nợ xấu cao cho ngân hàng nhận thế chấp”.

Theo ông Thành, sự việc xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Đại Hải không chỉ diễn ra đơn lẻ mà là hiện tượng phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây. Khi chủ đầu tư thực hiện dự án có khả năng tài chính kém, buộc phải tìm mọi cách để huy động nguồn vốn để hoạt động và đầu tư dự án.

“Người dân bị Công ty CP Đầu tư Đại Hải đem sổ đỏ đi thế chấp ở ngân hàng hoàn toàn có thể khởi kiện chủ đầu tư dự án khi không thực hiện những cam kết trong hợp đồng đã ký với khách hàng, không làm theo quy định của pháp luật” – luật sư Nguyễn Văn Thành cho biết.

Khả năng quản lý yếu kém!

Theo thông tin từ người dân khu dân cư Sông Đà, thông tin hàng trăm sổ đỏ của người dân bị Công ty CP Đầu tư Đại Hải thế chấp tại ngân hàng được phản ánh với lực lượng quản lý nhiều lần từ năm 2016.

Việc không có sổ đỏ kéo theo nhiều hệ quả pháp lý, khiến cho người dân sống trên địa bàn đó không được nhập hộ khẩu, không được vay vốn ngân hàng…

Khi làm việc với chính quyền, phía Công ty CP Đầu tư Đại Hải cũng thừa nhận dự án có 419 đất nền, trong đó có 200 đất nền đã được cấp sổ đỏ, còn lại được đem thế chấp tại ngân hàng.

Công ty CP Đầu tư Đại Hải nhiều lần hứa sẽ trả lại sổ đỏ cho người dân ở khu dân cư Sông Đà nhưng rồi lại thất hứa.

Ông Nguyễn Minh Đức – giám đốc một công ty môi giới trên địa bàn TP. HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến Công ty CP Đầu tư Đại Hải chây ỳ việc trả lại sổ đỏ cho người dân khu dân cư Sông Đà là do chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, chưa xử lý nghiêm khi thấy doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật.

“Đây là hành vi chiếm dụng tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đối với người dân. Gây nên tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý quyết liệt để lấy lại quyền lợi cho người dân” – ông Đức nói.

Minh Vân

Tin liên quan