Từng làm osin năm 13 tuổi, ngủ gầm cầu thang và trở thành thạc sĩ tại Úc, CEO HopeBox Hương Đặng: “Tuổi trẻ cứ liều nhưng hãy liều trong giới hạn”

Có niềm tin rằng mình thành công, chắc chắn bạn sẽ thành công. Bởi với một niềm tin như vậy, chắc chắn bạn sẽ trân quý những điều nhỏ nhặt nhất để nâng niu ngay từ những nỗ lực ban đầu. Cứ dần dần như thế, chính bạn sẽ làm ra điều kì diệu mà bản thân cũng không tưởng tượng được.

Đó cũng chính là nội dung chính trong buổi talkshow “Thành công từ những điều nhỏ bé – Success in small pieces” do FemaLEAD – Vietnam Young Women Leadership tổ chức ngày 28/5. Câu chuyện của chị Hương Đặng, CEO HopeBox – từ osin trở thành người “giải cứu” phụ nữ bị bạo hành – đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người tham gia. 

Tôi luôn trấn an mình để làm sao bình an trong tâm bão, tất cả điều đó đều cần khả năng luyện tập vì không phải bỗng dưng tôi trở thành người rất tích cực. Bản thân tôi đã trải qua một quá trình toàn những điều khó khăn và phải công nhận nhiều lúc mình rất áp lực. Đối với tôi, mọi người thường hỏi tại sao có thể từ một osin sau đó lại được đi du học, đi đây đi đó. Nhiều người không tin vào câu chuyện của tôi.

Lúc mới ra Hà Nội, tôi vẫn còn rất nhỏ, 13 tuổi, cao 1m30, nặng 27kg. Tôi chẳng có tuổi thơ vì mình chưa kịp lớn mà đã phải trở thành người lớn. Lúc lên Hà Nội làm giúp việc thì cuộc sống ở quê và ở Hà Nội khác xa nhau lắm. Khó khăn đầu tiên: tôi rất nhớ mẹ vì chưa bao giờ đi xa khỏi lũy tre làng. Khó khăn thứ hai: phải hòa nhập với cuộc sống thành phố, làm sao để ứng xử đúng cách với chủ nhà. 

Tuy nhiên, sau khi ra ngoài xin đi học bổ túc, bị đuổi khỏi nhà, sống ở gầm cầu thang, dậy nấu xôi từ 2h sáng… khó khăn lúc ấy của tôi ngoài tài chính còn có khó khăn về tinh thần. Lúc ấy, mình nhìn tương lai là “gray future” cùng những áp lực khác. Ngày ấy, ở quê, 16, 17 tuổi là các bạn gái khác nghĩ đến chuyện lấy chồng, đẻ con, làm ruộng. 

Những năm tháng sống ở quê nhìn thấy những người phụ nữ bị chồng đánh, tôi sợ và kiên quyết không về quê nhưng gia đình rất phản đối quyết định của tôi. Tôi kiên quyết ở lại Hà Nội, sống trong nỗi sợ hãi và không biết việc học bổ túc này sẽ đưa mình đến đâu. Trong khi ấy tôi vẫn có niềm tin và luôn nói với mọi người là mình sẽ đi học đại học và tưởng tượng các viễn cảnh khi mình đi học ngành sư phạm rồi trở thành cô giáo.”

Từng làm osin năm 13 tuổi, ngủ gầm cầu thang và trở thành thạc sĩ tại Úc, CEO HopeBox Hương Đặng: Tuổi trẻ cứ liều nhưng hãy liều trong giới hạn - Ảnh 1.

Sau gần 4 năm, cứ đứa trẻ này lớn thì chị lại “đổi nhà” với một đứa trẻ mới. Bởi quá chán với cuộc sống như vậy nên chị quyết định giả hồ sơ để được đi học bổ túc. Vì chủ nhà không đồng ý với quyết định đó nên đã đuổi chị khỏi ngoài. Chị thuê được cái gầm cầu thang cỡ hai mét vuông để đủ nằm, chị nhận làm mọi việc để đảm bảo được việc học từ lau chùi toilet, bán xôi, bán bánh dạo ngoài đường, bưng bê phục vụ, bán hàng ở hội chợ… cho đến thợ sơn trong sở thú.

Tháng 4/2006, chị trở thành học viên của một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ em đường phố KOTO. Sau đó, chị được nhận vào làm nhân viên phục vụ, thu ngân tại một khách sạn 5 sao tại Hà Nội. Sự “đổi đời” đã đến nhưng bản thân chị vẫn gặp những khó khăn từ chính bên trong mình.

“Khi tôi tốt nghiệp KOTO và được nhận làm ở khách sạn 5 sao, có một sự so sánh rất lớn trong tôi: từ một đứa trẻ giúp việc đến một nhân viên làm việc ở khách sạn 5 sao. Tôi rất tự ti về xuất phát điểm của mình, cả ngoại hình, vốn tiếng Anh… 

Khi ấy, tôi đã ngồi lại để nghĩ xem cái gì mang lại cho mình niềm tin. May mắn thay, tôi luôn có những mentor luôn giúp đỡ mình. Họ nói với tôi là “Em không có gì để cạnh tranh với họ cả, kể cả ngoại hình, vậy cái em có thể cạnh tranh đó là ‘work hard’.” 

Tôi có một khả năng đấy là vào một môi trường nào, tôi đều tin rằng sự chăm chỉ một ngày nào đó sẽ nói lên khả năng của mình và tất nhiên, cái đó phải trải qua thời gian, mình phải cống hiến hết mình thì mới có kết quả.

Cứ trải qua một thời điểm, sự tự tin của mình sẽ lớn dần lên. Và khó khăn không dừng ở một chỗ, tùy vào từng công việc, thời điểm, sẽ có những khó khăn khác nhau. Mình cần phải hiểu được và nhìn trước được công việc có những khó khăn gì, giải quyết thế nào… Tôi thường có buổi xem xét công việc hằng ngày/tuần xem mình làm được gì, phạm sai lầm gì, mình có thành công ở điểm nào không… để thay đổi lại.”

Từng làm osin năm 13 tuổi, ngủ gầm cầu thang và trở thành thạc sĩ tại Úc, CEO HopeBox Hương Đặng: Tuổi trẻ cứ liều nhưng hãy liều trong giới hạn - Ảnh 2.

Năm 2012, chị nhận được chương trình học bổng Quản trị kinh doanh quốc tế của trường Box Hill Institute, thành phố Melbourne, Australia. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, chị tiếp tục giành được học bổng để học lên thạc sĩ kinh doanh tại Đại học Công nghệ Swinburne. Cuối năm 2017, chị được lựa chọn là một trong 10 người trẻ Việt Nam tham gia Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt – Úc.

Đưa lời khuyên tới những người trẻ chưa dám “liều” với tương lai của mình, chị Hương bày tỏ: “Không ai giỏi tất cả, không ai dốt tất cả. Trước khi nói tôi không thể làm được cái này, mình sẽ ngồi xem còn giải pháp gì không. Tôi sẽ kể một câu chuyện thật của bản thân mình. 

Khi tôi tốt nghiệp ở Úc, muốn ở lại Úc rất khó vì không dễ tìm việc. Bởi vậy, vốn là người rất tiết kiệm thời gian, 6 tháng trước khi tốt nghiệp tôi đã nghĩ đến việc mình startup hay xin việc ở đâu đó. 

Có một công việc liên quan đến chuyên viên phân tích kinh doanh, tuy nhiên bản thân tôi không hiểu bản chất công việc này như thế nào. Nhưng nghe được rằng nếu du học sinh được nhận công việc này thì sẽ có khả năng cao được ở lại, vậy nên tôi đã tìm hiểu rất cật lực. Đến buổi phỏng vấn, khi CEO hỏi có kinh nghiệm gì về IT không, tôi trả lời rõ ràng nhưng “trượt” ý hết. 

Nhưng cuối cùng, tôi được nhận vì sự tự tin của chính mình. Để mà nói, tháng đầu tiên đi làm như địa ngục vậy và tôi không biết làm sao để qua thời gian thử việc. Sau đó, tôi đã ngồi nghĩ lại và xem có bạn bè làm trong ngành này không để hỏi họ, xem cái gì mình sợ nhất… Tôi đã nghĩ nếu lúc đó bỏ thì mình quá hèn. 

Sau 3 tháng đầu tiên, với cố gắng của mình, tôi cũng đã thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Công việc này tôi không hề thích nhưng nếu có được nó, tôi sẽ có công việc thứ 2, thứ 3, thậm chí là có thể người ta sẽ headhunt mình. Tôi rút ra kinh nghiệm từ bài học của mình là: Có 2 cách giải quyết khó khăn, đó là bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài và tìm về bên trong mình. 

Một ngành mình không thích, mình lại không biết về nó thì mình càng phải cố gắng gấp nhiều lần. Mẹ tôi thường hay có những câu nói rất thủng thẳng nhưng vô cùng đi vào lòng người: Các bạn học được Toán cố gắng 10 lần thì con phải cố gắng gấp 100 lần.

Tuổi trẻ cứ liều nhưng hãy liều trong giới hạn.”

Từng làm osin năm 13 tuổi, ngủ gầm cầu thang và trở thành thạc sĩ tại Úc, CEO HopeBox Hương Đặng: Tuổi trẻ cứ liều nhưng hãy liều trong giới hạn - Ảnh 3.

Năm 2017, chị nghỉ việc cũng như từ bỏ cơ hội định cư tại Australia. Chị trở về Việt Nam để làm việc cho chính doanh nghiệp xã hội đã giúp chị thay đổi cuộc đời và xây dựng dự án dành cho những phụ nữ bị bạo hành. Tháng 3/2018, HopeBox chính thức được thành lập cùng với tâm huyết của chị Hương được giúp đỡ những người phụ nữ có hoàn cảnh éo le, hướng dẫn họ làm cơm trưa, làm bánh, hộp quà tặng bán cho khách hàng và sống một cuộc đời khác.

“Ngày trước, khi tôi đi giúp việc, bà chủ nhà hay kiểm tra mình rửa cốc sạch chưa bằng cách dốc ngược cốc để xem có giọt nước nào còn bám trên thành không. Sau này, khi tôi đi làm ở khách sạn, rửa một cái đĩa sạch như thế nào hay dọn đĩa trên bàn khách đã ăn xong làm sao cho gọn gàng đều có kĩ thuật. Chúng ta luôn phải chuẩn bị kĩ cho lộ trình mình đi để biết được muốn đến điểm A cần bước qua bao nhiêu hòn đá.

Hãy sẵn sàng khi mọi cơ hội đến. May mắn chính là khi sự sẵn sàng và cơ hội của mình gặp nhau. Hãy chuẩn bị lộ trình cho bản thân, bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất.”


PV

Tin liên quan