Bạn có hay đi trên con đường quen thuộc từ nhà đến chỗ làm mà không cần tốn thời gian suy nghĩ hay sự tập trung vào chuyện lái xe? Tương tự, bạn cũng chẳng mấy suy nghĩ vào việc đánh răng, giặt quần áo, mở email. Cứ như ai đó làm hộ những công việc đó chứ không phải bạn.
Tại sao lại như vậy? Sẽ ra sao trạng thái “lái hộ” này của não bộ vẫn giữ nguyên khi bạn thực hiện những việc quan trọng, cần sự tập trung và cân nhắc nhiều hơn?
Chế độ “lái tự động” là gì?
Não bộ có hai cơ chế suy nghĩ. Ngoài cơ chế đòi hỏi sự sáng suốt, tốn năng lượng, thứ bạn sử dụng khi cần giải một bài toán hay tranh luận với ai đó, còn có cơ chế “lái tự động”.
Trong khi cơ chế thứ nhất tốn nhiều năng lượng và sự tập trung, cơ chế “lái tự động” giúp ta thực hiện các nhiệm vụ mà không cần mấy suy nghĩ hay sự tập trung. Trong ví dụ lái xe trên một lộ trình quen thuộc, bạn chẳng để ý gì về con đường mà vẫn tới nơi dễ dàng, bởi não bạn đã quá quen với nhiệm vụ đó. Điều này tương tự như khi bạn thực hiện những công việc quen thuộc khác.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, một người trưởng thành đưa ra chừng 35000 quyết định lớn nhỏ, ta không thể cẩn thận cân nhắc từng quyết định một. Chế độ “lái tự động” được hình thành để ta không cạn kiệt năng lượng.
Tuy nhiên, chế độ tiết kiệm năng lượng này cũng rất đáng lo ngại. Bộ não có xu hướng lười biếng, và chế độ “lái tự động” thường xuyên lấn át trạng thái suy nghĩ tỉnh táo vốn luôn đòi hỏi nhiều năng lượng. Điều này đáng nguy khi con người để mặc cho chế độ “lái tự động” tung hoành trong những trường hợp cần đến sự chú tâm, sáng suốt, tỉnh táo.
Mark Williamson, một nhà xã hội học và tâm lý học, trong một khảo sát trên 3000 người, nhận thấy 96% trong số người được khảo sát sống trong chế độ “lái tự động” này thường xuyên. Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi hai nhà tâm lý học Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert thuộc đại học Harvard, tiết lộ rằng một người trung bình trải qua 47% thời gian thức của họ trong chế độ “lái tự động”. Nôm na, ngoài lúc đi ngủ, ta dành nửa thời lượng một ngày trong trạng thái mơ ngủ, não bộ lười biếng chẳng thèm hoạt động và ta không hề có mặt trọn vẹn và tập trung ở hiện tại.
Trong cuốn sách “Wake up – Escaping a life on autopilot” (Tựa Việt: Xoay tư duy chuyển cuộc đời), tác giả Chris Baréz-Brown cho hay chế độ lái tự động “không chỉ xảy ra khi chúng ta cầm tay lái; nó xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống, tại chỗ làm, ở nhà, với bất cứ ai”.
Con người thường trong chế độ “lái tự động” khi họ ở nhà, lúc cần tương tác với người thân trong gia đình nhất. Chế độ lười biếng này của não bộ còn làm ta bỏ qua việc cân nhắc kỹ lưỡng trong các quyết định quan trọng. Nó cũng khiến ta không chú tâm trọn vẹn vào nhiều thứ. Ta cũng để bản thân rơi vào những thói quen cố hữu, các lựa chọn lặp đi lặp lại, theo lối mòn. “Khi ở trong chế độ “lái tự động”, chúng ta thường đưa ra những lựa chọn vô thưởng vô phạt, vì thế ta cảm thấy mắc kẹt, giống như mình đang sống cuộc đời của ai khác”, Mark Williamson nhìn nhận.
Có một khảo sát thể hiện rất sinh động sự mất mát khi con người để chế độ “lái tự động” áp đảo: Người ta treo tiền trên các nhánh cây của một cây, rất nhiều người đi qua đó nhưng không ai phát hiện ra, vì họ đâu có chú tâm vào đường đi lẫn cái cây họ đã lướt qua ấy!
Hãy thử nghĩ xem, bao nhiêu phần trăm những quyết định hàng ngày của bạn là trong trạng thái “lái tự động”? Bạn đã bỏ lỡ những gì trong cuộc sống vì chế độ lười biếng này của não bộ?
Cách “đánh thức” bản thân
Trong “Xoay tư duy, Chuyển cuộc đời”, Chris Baréz-Brown cho hay cơ chế “lái tự động” luôn có xu hướng tự kích hoạt để tiết kiệm năng lượng, đó vốn là một phần trong cấu tạo của ta. Điều cần làm là “thường xuyên đánh thức chính mình một cách có chủ ý”, để thoát khỏi chế độ lười biếng này của não bộ.
“Đánh thức” bản thân như thế nào? “Tôi tin rằng cách duy nhất để tỉnh thức là đưa vào cuộc sống của chúng ta nhiều trải nghiệm mới mẻ và khác biệt một cách có chủ ý, thúc đẩy sự phát triển cảm giác tỉnh thức mạnh mẽ khi chúng ta gắn kết với những trải nghiệm đó”, Chris cho hay.
Trong cuốn sách, Chris đề xuất nhiều hoạt động đột phá, mà nếu áp dụng thường xuyên, ta sẽ được thay đổi, vượt ra khỏi những suy nghĩ, hành động lối mòn. Chẳng hạn, Chris đề ra thử thách: Trong tuần này, mỗi ngày bạn hãy nói “vâng” với một điều gì đó mà bình thường bạn sẽ nói “không”. “Bằng cách thay đổi – nói “vâng” thay vì nói “không” – chúng ta sẽ tự mở ra những con đường mới thênh thang và nhờ đó chúng ta sẽ trở nên ý thức hơn, nhận biết nhiều hơn và tỉnh thức hơn khi ta hoà mình vào đó”, tác giả “Xoay tư duy, Chuyển cuộc đời” nói.
Chris Baréz-Brown cũng cho rằng mỗi người thường xuyên loại bỏ sự hiện diện của các thiết bị công nghệ, bởi “các thiết bị kỹ thuật số giống như những loại thuốc an thần thời hiện đại. Chúng truyền dẫn một trạng thái giống như hôn mê gần như ngay lập tức bởi chúng là điểm tựa để cho tiềm thức nắm quyền kiểm soát”.
Thay vào đó, Chris đề nghị bạn đọc tăng cường kết nối với thiên nhiên cũng như với những người xung quanh. Tác giả đưa ra những thử thách khá thú vị: Đi dạo trong rừng, dành mười phút đầu ngày ở ngoài trời, hay thử viết thư cho một người bạn quan tâm.
Bên cạnh đó, một cách tắt chế độ “lái tự động” vô cùng hữu hiệu chính là kết nối sâu với chính bản thân mình. Chris đề xuất bạn hãy học cách hít thở, lắng nghe cơ thể, viết nhật ký… “Việc quay vào bên trong bản thân mang đến cho bạn mồi lửa giúp bạn thắp lên ngọn lửa mỗi ngày. Nó đảm bảo bạn tập trung thời gian và sự chú ý của mình vào những điều thực sự quan trọng”, Chris nói.
Có tổng cộng hơn 50 thử thách được tác giả giới thiệu trong “Xoay tư duy, Chuyển cuộc đời”. Tuy Chris Baréz-Brown không nhấn mạnh trình bày hiệu quả lâm sàng của những hoạt động trên, rất nhiều cuộc thử nghiệm cuốn sách đã được tiến hành với những nhóm lớn các tình nguyện viên và đem lại tác động tích cực.
Thời gian là hữu hạn, thật lãng phí nếu ta để chế độ “lái tự động” lấy đi thời gian quý giá và những trải nghiệm ý nghĩa. “Chúng ta có vô vàn cơ hội tận hưởng niềm vui. Chúng ta có vô số cơ hội để cảm thấy thật sự tỉnh thức từng ngày, và tôi tin rằng khi bạn trân trọng điều đó và khi bạn kết nối được với niềm tin đó đủ sâu thì bạn sẽ không bao giờ để một ngày trôi qua mà không tận hưởng nó”, Chris kết luận.