Thêm tầng lánh nạn chung cư: Chủ đầu tư lợi hơn?

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư của Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến người dân quy định, các tòa nhà có chiều cao 100-150 m, tương đương 30-50 tầng thì phải có một hoặc hai tầng lánh nạn.

Các tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng và không được phép bố trí căn hộ, văn phòng, dịch vụ hay các hoạt động thương mại ở khu vực này.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây thêm tầng lánh nạn chung cư sẽ làm tăng giá nhà khiến cho người dân càng khó có cơ hội sở hữu căn hộ.

Đồng thời, tầng lánh nạn không được kinh doanh khiến chủ đầu tư mất hẳn nguồn doanh thu từ diện tích này. Từ đó dẫn đến việc làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác. Cuối cùng, người mua nhà phải chịu thiệt.

Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt ngày 20/11/2020, KTS Hà Ngọc Vịnh – thành viên Hội KTS Việt Nam cho rằng, việc xây dựng tầng lánh nạn tại các chung cư cao tầng hiện nay là cần thiết.

Them tang lanh nan chung cu: Chu dau tu loi hon?
Chung cư cần thiết có thêm tầng lánh nạn (Ảnh minh họa).

Từ thiết kế của đa số các dự án chung cư hiện nay ở Việt Nam, ông Vịnh thấy rằng: “Chúng ta chưa có nơi tạm trú cho người dân sống trong căn hộ chung cư trong tình trạng khẩn cấp. Mỗi khi có vụ cháy xảy ra, người dân không còn cách nào khác là tìm cách thoát thân chạy ra ngoài. Nhưng đó là với những cư dân sống ở tầng thấp, còn đối với những cư dân sống ở tầng cao thì khả năng thoát ra ngoài khi có đám cháy lớn là không thể”.

Theo ông Vịnh, tầng lánh nạn chung cư không chỉ có vai trò là nơi tạm trú cho người dân trong trường hợp khẩn cấp mà còn là nơi giãn cách, như một “bức tường” ngăn cản khi có sự cố xảy ra.

“Ví như khi có đám cháy xảy ra, nếu ngọn lửa tới khu vực tầng lánh nạn sẽ ngăn cản không cho lửa, khói lan tới các tầng phía trên” – ông Vịnh nêu ví dụ.

Ông Vịnh thừa nhận, việc xây thêm tầng lánh nạn sẽ làm tăng chi phí đầu tư dự án của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cư dân thì cần phải có thêm khu vực này.

“Thực tế hiện nay cho thấy các chủ đầu tư dự án bất động sản bán giá nhà chỉ với 10 triệu đồng/m2 cũng đã có lãi. Còn việc duy trì hoạt động của tầng lánh nạn sẽ được tính vào giá dịch vụ chung cư theo diện tích sàn căn hộ.

Nên việc lấy lý do xây thêm tầng lánh nạn khiến giá nhà đẩy lên cao khó có thể chấp nhận. Điều quan trọng là chủ đầu tư có muốn bớt đi một phần lợi ích của doanh nghiệp để tăng sự an toàn cho khách hàng của mình hay không.

Xu hướng mua nhà chung cư của người dân cũng dần thay đổi. Trước đây, người mua nhà chỉ chú trọng tới thiết kế bên trong căn hộ nhưng bây giờ thì họ chú trọng cả thiết kế bên ngoài dự án, khuôn viên, không gian vui chơi cộng đồng. Chắc chắn, trong tương lai dự án nào có tầng lánh nạn cũng sẽ được nhiều người mua nhà ưu tiên lựa chọn. Như thế, chủ đầu tư sẽ được nhiều hơn là mất” – ông Vịnh đặt ra vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Vịnh cho rằng, cần có quy định cụ thể về tầng lánh nạn chung cư. “Thực tế hiện nay xuất hiện nhiều chủ đầu tư lợi dụng sự buông lỏng quản lý, vì lợi nhuận mà cải tạo tầng kỹ thuật, phòng sinh hoạt cộng đồng hay tầng mái để cơi nới, xây dựng thêm căn hộ để bán hòng chuộc lợi.

Nếu chung cư có thêm tầng lánh nạn thì nguy cơ này cũng có thể xảy ra. Để phòng lánh nạn chung chư thực sự là phòng lánh nạn thì cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về thiết kế, tăng cường khả năng giám sát để chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc này” – ông Vịnh bày tỏ.

Ngọc Khánh

Tin liên quan