Hoàng Liễu Sương – Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood

Hoàng Liễu Sương (Anna May Wong) là diễn viên Hollywood nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa. Bà cũng là diễn viên chính đầu tiên gốc Á Đông được xuất hiện trong một bộ phim truyền hình Mỹ trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người hồi ấy.

Với gia tài phim đồ sộ hơn 50 vai chính trong sự nghiệp diễn xuất, ít ai biết được đằng sau ánh hào quang là những năm tháng dài đằng đẵng dù sống chết cố gắng đến mấy cũng không ai ghi nhận. Vì thời đó, hoặc cả cho đến bây giờ, Hollywood vẫn luôn là sân chơi khốc liệt với những luật lệ ngầm chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất.

 Hoàng Liễu Sương - Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood - Ảnh 1.

Nữ minh tinh gốc Á Hoàng Liễu Sương

Duyên nợ với điện ảnh đến rất sớm

Nữ diễn viên gạo cội có tên khai sinh là Liu Liu Tsong sinh năm 1905 tại khu phố người Hoa (China Town), thành phố Los Angeles, Mỹ, với tiểu sử gia đình có gốc là dân di cư từ những năm 1850. Bà là con thứ 2 trong gia đình có 7 anh em, lớn lên bằng tiền kiếm được từ một tiệm giặt là nhỏ của cha mẹ mang tên Sam Sam Kee. Không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, nạn phân biệt chủng tộc đã có từ rất lâu trên đất Mỹ khiến tuổi thơ của bà là chuỗi ngày sợ hãi bị các bạn ở lớp bắt nạt và cô lập. Sau đó, bố mẹ phải chuyển bà tới học tại một ngôi trường dành riêng cho người Trung.

 Hoàng Liễu Sương - Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood - Ảnh 2.

Cô bé Liễu Sương ngày ấy thể hiện tình yêu với phim ảnh từ rất sớm. Với cô, xem phim chính là khoảng thời gian hiếm hoi được tạm thoát khỏi những bực bội uất ức trong lòng. Cô dành dụm tiền ăn trưa mua vé xem phim và hơn một lần trốn học chỉ để đến các phim trường xem đoàn diễn ghi hình. “Tôi len qua đám đông, rồi cố đến gần máy quay nhất có thể.” Liễu Sương kể lại những năm tháng khi niềm đam mê điện ảnh vẫn còn là thứ mơ hồ và xa xỉ.

Rồi cũng chính những lần quanh quẩn ở các đoàn phim lại là cơ may sau này giúp cô bén duyên với điện ảnh. Năm 14 tuổi, Liễu Sương lọt vào mắt xanh một đạo diễn có tên Jame Wang, không lâu sau đó bà trình làng với bộ phim The Red Lantern trong một vai diễn rất nhỏ.

 Hoàng Liễu Sương - Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood - Ảnh 3.

Nếm vị ngọt đầu tiên trong sự nghiệp nhiều trái đắng

Sau vai diễn đầu đời, nữ diễn viên lại tiếp tục chật vật với một loạt những vai phụ khác. Đến năm 17 tuổi, cô gái trẻ quyết định rời xa vòng tay gia đình đi theo tiếng gọi của đam mê. Bà đi khắp nơi để thử vai, không ngại làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, mong kiếm cho mình những cơ hội mới. Cuối cùng, cô gái chả có gì ngoài hoài bão ấy cũng tạo được cú hích đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của mình khi được chọn vào vai chính trong tác phẩm “The Toll of the Sea”.

Trong phim, Liễu Sương vào vai một người phụ nữ Trung Quốc tên là Hoa sen. Hoa Sen có mối tình sâu đậm với một chàng trai Mỹ da trắng (do Kenneth Harlan thủ vai), cũng là người được cô cứu sống khi đuối nước và bị dạt vào bờ. Cặp đôi có với nhau một đứa con, anh ta hứa sẽ đưa cô về Mỹ để sống chung nhưng cuối cùng lại bỏ cô lại một mình, mang con đi rồi lấy một người phụ nữ khác. Quá đau đớn, Hoa Sen tự kết liễu cuộc đời bằng cách gieo thân mình trong dòng nước biển mênh mông.

 Hoàng Liễu Sương - Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood - Ảnh 4.

Bộ phim sau đó gặt hái được rất nhiều thành công, gây tiếng vang mạnh mẽ trong làng điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, việc vào vai chính của một bộ phim đắt khách cứ ngỡ sẽ giúp sự nghiệp Liễu Sương có những bước chuyển mới, nhưng không, bà lại trở về với vạch xuất phát, như chưa có gì xảy ra. Vì ở Hollywood, cả trong những bộ phim nói về văn hóa Á Đông, người ta vẫn chọn diễn viên da trắng cho những vai diễn người da vàng, như một lẽ rất thường tình…

Hơn thế nữa, các vai diễn hiếm hoi của bà sau đó đều là những bức hình biếm họa của người Á Đông trong mắt dân Mỹ trắng, ví như người đẹp kì lạ đến từ châu Á chưa được thuần hóa trong “The Thief of Bagdad” năm 1924 hay nhân vật phản diện “Dragon Lady” ác độc trong “Daughter of the Dragon” năm 1934 (Rồng chính là hình ảnh tượng trưng cho người Á Đông mỗi khi dân phương Tây nghĩ về họ). Quá mệt mỏi trên con đường chật vật tìm cho mình một chỗ đứng riêng, Hoa Liễu Sương bất ngờ rẽ hướng, quyết định bước ra khỏi Hollywood khắc nghiệt, và rời bỏ nước Mỹ xa hoa.

 Hoàng Liễu Sương - Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood - Ảnh 5.

Hoàng Liễu Sương với tạo hình người phụ nữ chưa được thuần hóa trong “The Thief of Bagdad”

Xây dựng sự nghiệp ở châu Âu

Chuyển đến sống ở châu Âu vào những năm 1930, Hoàng Liễu Sương làm quen với cuộc sống ở đây khá nhanh, vì dù gì bà cũng được sinh trưởng ở Mỹ, cũng nói ngôn ngữ mà hằng ngày họ nói. Bà cùng lúc nhận các vai diễn sân khấu lẫn điện ảnh, xuất hiện đều đặn trên màn ảnh nhỏ ở Anh, Pháp và Đức. Tạo được nhiều mối quan hệ với giới nhà giàu ở London, thời đó bà còn nổi tiếng với danh hiệu “một trong những cô nàng có gu nhất đất Mayfair”, bởi lúc nào cũng xuất hiện với gương mặt được make-up vô cùng chỉn chu và cách ăn mặc sành điệu hợp thời.

Sự nghiệp diễn xuất cũng từ những cố gắng không ngừng nghỉ mà tạo được nhiều tiếng vang. Vai diễn cô gái làm nghề rửa chén trong một hộp đêm có tên Shoso, vướng chuyện tình tay ba với ông chủ của Liễu Sương trong tác phẩm “Piccadilly”, đã một thời gian dài làm mưa làm gió khắp châu Âu. Bà cũng có các bài viết cho tờ báo New York Herald Tribune, ghi lại những lần tới Trung Quốc-chuyến đi về với nguồn cội của mình và trong đó, bà thể hiện thật nhất những cung bậc cảm xúc của một cô gái sinh ra và lớn lên giữa hai nền văn hóa quá khác biệt, khi về Trung Quốc thì bị chê “quá Mỹ” nhưng ở Mỹ cũng không hoàn toàn được chấp nhận.

 Hoàng Liễu Sương - Hành trình từ nữ diễn viên bị phân biệt đối xử đến minh tinh gốc Á đầu tiên được vinh danh trên bầu trời Hollywood - Ảnh 6.

Trở về Mỹ với hi vọng nhưng được đáp trả bằng phũ phàng

Sau khoảng thời gian dài sống nơi đất khách quê người, cũng đã tạo cho mình được nhiều dấu ấn, Hoàng Liễu Sương quyết định về đoàn tụ với gia đình ở Mỹ, và không quên mang trong mình niềm hi vọng rằng Hollywood năm nào đã rộng mở hơn với bà. Vai diễn đầu tiên mà bà thử sức sau quyết định quay trở về là nữ chính trong bộ phim The Good Earth, một bộ phim Trung Quốc chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Pearl S. Buck, được sản xuất bởi Hollywood.

Và một lần nữa, Hollywood tại quê nhà nơi bà sinh ra lại phũ phàng từ chối Hoàng Liễu Sương dù lúc đó đã là một ngôi sao sáng bên trời Âu, bằng việc giao vai chính cho một diễn viên có tên Luise Rainer vì cô ấy có… làn da trắng của người Mỹ. Hãng phim này thay vào đó đề nghị bà vào vai phụ một phi tần có tính cách kì lạ nhưng nữ diễn viên thẳng thừng từ chối.

Từ sau lời từ chối định mệnh năm đó, Hoàng Liễu Sương quyết định rút lui khỏi Hollywood, dành hết thời gian của mình để bắt đầu tham gia vào Quỹ cứu trợ Hoa Kỳ, thực hiện các công tác truyền thông nhằm kêu gọi bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng những người Mỹ gốc Á tại đây.

Đến cuối cùng, sau nhiều đấu tranh không biết mệt mỏi, không chỉ cho chính cô gái trẻ năm ấy bị từ chối vì sinh ra mang dòng máu Á Đông mà còn cho cả một cộng đồng những người chịu nhiều thiệt thòi trên mảnh đất mang tên “Tự do”, năm 1951, Hoàng Liễu Sương trở thành người dẫn truyền hình gốc Á đầu tiên ở Mỹ trong chương trình truyền hình “The Gallery of Madame Liu-Tsong”.

Qua đời vào ngày 3/2/1961 vì một cơn đau tim ở tuổi 56, bà ra đi trong niềm tiếc nuối cuả nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên, ngôi sao mang tên bà trên Đại lộ Danh vọng Hollywood năm 1960 là minh chứng cho một minh tinh màn bạc xinh đẹp, tài năng, cho một người phụ nữ Á Đông nhỏ bé nhưng mang trái tim thép. Cuộc đời và sự nghiệp của ngôi sao điện ảnh sau đó đã được lưu lại trong 3 tác phẩm văn học lớn và phim hồi ký.

(Theo All That Interesting, Harper’s Bazzar)


Mammama

Tin liên quan