Thưa NSƯT Tiến Hợi, lâu nay ông được coi là nghệ sĩ thể hiện xuất sắc nhất hình tượng Bác Hồ . Ông còn nhớ lần đầu tiên đến với các vai diễn để đời này không?
Đó là năm tôi 28 tuổi. Tại Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2, lần đầu tiên tôi được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở “Đêm trắng” của tác giả Lưu Quang Hà và NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn.
Thực ra trước đó Đoàn đã có ý định mời một số người đã từng đóng vai Bác Hồ để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau đó do đặc thù Đoàn chủ yếu đi diễn ở các nơi vùng núi nếu thuê thì cũng rất khó khăn, vất vả.
Giải pháp được đạo diễn đưa ra là chọn ra hai người trong Đoàn để thử hóa trang, một trong hai người đó là tôi. Khi chụp ảnh gửi về đoàn, không ngờ mọi người đánh giá cao hoá thân của tôi vì từ khuôn mặt, ánh mắt, dáng dấp đều giống y hệt Bác. Thế là tôi đã được chọn.
Nhiều người vẫn nói, để vào vai Bác Hồ, tạo hình có thể hoá trang nhưng giọng nói giống Bác gần như rất khó. Với ông điều này thế nào?
Thực tế đúng là như thế. Vào vai Bác thì phần hóa trang, hoàn chỉnh hình ảnh mất rất nhiều thời gian. Còn giọng nói của Bác lại là cả quá trình tìm tư liệu, nghe, nghe và luyện tập miệt mài.
May mắn tôi có một lợi thế, quê gốc ở TP. Vinh, Nghệ An, cách quê Bác gần 20km nên khi ngữ điệu, e giọng của Bác khá chuẩn. Vì thế không chỉ thể hiện vai Bác Hồ trước công chúng mà có năm tôi đã “mượn” giọng Bác, “mượn” những lời Bác chúc Tết cả nước vào mùa xuân 1968-1969 để chúc Tết mọi người. Nghe xong mọi người bày tỏ cảm giác rất vui như nghe thấy lời Bác chúc Tết năm xưa.
Để có được hình ảnh “thật” nhất về Bác, ngoài giọng nói, ông có khó khăn trong việc giữ cân, giữ dáng không?
Có chứ. Đôi khi tôi cũng phải “ép cân” đấy. Khác với những năm tuổi trẻ, 28-30, càng có tuổi cân nặng không được như xưa nhưng tôi vẫn phải cố gắng giữ dáng dong dỏng. Vì Bác ở mỗi thời kỳ cũng có vóc dáng khác nhau. Thời kỳ Bác ở chiến khu, người gầy, xương xương nhưng về già Bác lại “có da có thịt”.
Tôi từng rất lăn tăn về việc này vì có những vở diễn hay chương trình kỷ niệm cùng 1 lúc đóng 3 giai đoạn thì xử lý kiểu gì? Đang đạt độ gầy rồi đến cảnh Bác béo lên sẽ thế nào? Vậy nên tôi quyết định chọn mốc chung chung nhất khoảng năm 1955 -1960 mức cân nặng trung gian cho dễ nhập vai.
Ông có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ về những lần “ép cân” để thể hiện hình tượng Bác?
Kỷ niệm thì nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ một lần tôi nhận kịch bản trước 1 tháng đóng hình tượng Bác ở chiến khu. Thực sự thời điểm đó Bác rất gầy. Tôi đã phải thức khuya, uống cafe liên tục kết hợp với ăn kiêng, tập thể dục khiến người bơ phờ. Kết quả là sau 1 tháng cũng có “ngót” đi đôi chút.
Đến lúc nhập vai cộng với hiệu ứng hóa trang, tạo khối, đánh má hóp thì mới đạt hình ảnh chân thật.
Nói đâu xa, ngay cả vào những dịp lễ, Tết tôi cũng phải chú ý chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng đề phòng những vai diễn “bất chợt”.
Vậy phần hoá trang, tạo hình gương mặt sau hơn 30 năm với hàng nghìn lần thể hiện trên nhiều sân khấu khác nhau, có khi nào ông phải tự “mày mò”, tự hóa trang không?
Nhắc đến điều này thì tôi phải thẳng thắn thừa nhận, về diễn xuất thì vợ luôn tin tưởng tôi, còn phần hóa trang tôi luôn luôn tin tưởng vợ.
Thú thật, năm 1987 khi dựng vở “Đêm trắng”, Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 có cử một nữ diễn viên đi học hóa trang tại nhà cố nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên. Thật bất ngờ khi cô diễn viên ấy lại có trùng ngày sinh với Bác (19/5) và cũng ở Nam Đàn, Nghệ An.
Cô ấy đã giúp tôi hóa thân thành Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở “Đêm trắng” năm đó. Và từ đó đến tận giờ, theo tôi đi hàng trăm chương trình sự kiện, các vở diễn sân khấu, truyền hình cũng chính là cô ấy, cũng là vợ tôi bây giờ.
Mới đó đến nay đã hơn 30 năm với hơn 40 tác phẩm từ sân khấu, điện ảnh đến truyền hình với hình tượng Bác Hồ, chưa kể mỗi tác phẩm diễn vài trăm buổi, ông nghĩ mình ảnh hưởng từ Bác điều gì không?
Để vào vai Bác Hồ thời gian đầu tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều thước phim tư liệu về Bác, đồng thời lắng nghe kỹ giọng nói của Người. Cho đến giờ, khi đã hơn 30 năm tôi vẫn không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu về Bác, cộng với việc cả nghìn lần thể hiện vai diễn, nếu nói không ảnh hưởng thì không đúng.
Nhiều năm “gắn bó” với hình tượng vĩ đại Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tôi học được gì? Đó là tính tư tưởng, đạo đức, phong cách tiết kiệm, lối sống giản dị, chan hòa vì mọi người. Hoặc đôi khi sự ảnh hưởng chỉ đơn giản là áp dụng cách sinh hoạt, tư duy sống của Bác một cách hợp lý trong gia đình.
Không phải nghệ sĩ nào cũng có thể hoá thân thành công hình tượng Bác Hồ, ông đã có vai diễn để đời như thế liệu có ý định tìm người để truyền lại bí quyết hóa thân hình tượng vĩ đại này không?
Là một nghệ sĩ, tôi rất mong muốn được truyền lại kinh nghiệm đã đúc kết suốt nhiều năm để ai đó có thể tiếp tục thể hiện hình tượng Bác Hồ. Nhưng quả thực rất khó để tìm được người phù hợp. Mình đi tìm người ta hay người ta tìm mình?
Nếu là một người có tâm huyết, quyết tâm, mong muốn hoá thân vai diễn thì chắc chắn người đó sẽ tìm đến tôi. Khi đó, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại mà truyền dạy lại tất cả kinh nghiệm của mình mong sao thế hệ tiếp có thể thể hiện thành công hình tượng vị cha già dân tộc.
Cảm ơn chia sẻ của NSƯT Tiến Hợi!