Dân gặp nguy dưới dự án của DOJI: Sao lại thế này?

Vô tư xây dựng, mặc vi phạm?

Liên quan đến dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp do Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI làm chủ đầu tư tại số 5 Lê Duẩn (TP. Hà Nội), ngày 21/3/2019, chủ đầu tư vẫn cho công nhân xây dựng các công trình phụ trợ dưới chân tòa nhà.

Theo người dân, việc làm này vi phạm khoảng không trong quy chuẩn xây dựng mặc dù trước đó các cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị phải dừng thi công, hoàn thiện lại thiết kế để không làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các hộ dân liền kề.

Theo đó, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đang lắp đặt khung sắt, thép để dựng công trình kỹ thuật tòa nhà ở phần lối đi bên hông, đây cũng là khoảng không ngăn cách giữa dự án và các hộ dân sống xung quanh.

Nhìn vào hình ảnh thực tế mà Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đang là tại số 5 Lê Duẩn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế không khỏi giật mình, đặt ra câu hỏi:

“Ngay cạnh trung tâm thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước sao lại có thiết kế không giống ai, vi phạm các tiêu chuẩn xây dựng, PCCC như thế này?”.

Dan gap nguy duoi du an cua DOJI: Sao lai the nay?
Công nhân tích cực xây dựng công trình phụ trợ tại dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI vào ngày 21/3/2019.

KTS Phạm Viết Nhạn – Trưởng phòng Thiết kế của một công ty chuyên tư vấn các công trình xây dựng lớn ở Hà Nội khẳng định:

“Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy việc xây dựng công trình phụ trợ tại dự án của Tập đoàn DOJI đang vi phạm tiêu chuẩn về PCCC, đẩy những người làm việc trong tòa nhà và những hộ dân xung quanh vào thế nguy hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra”.

Ông Nhạn phân tích, theo tiêu chuẩn về PCCC tại các dự án nhà cao tầng phải có thiết kế phù hợp để các phương tiện chữa cháy dễ dàng tiếp cận khi có hỏa hoạn xảy ra.

Cụ thể, các dự án cao 10 tầng trở lên phải có khoảng đường bao quanh rộng từ 6 – 10m, dài tối thiểu 12m để xe chữa cháy có thể tiếp cận.

Trên đường bao quanh này không cho phép bố trí tường ngăn, đương dây tải điện hay trồng cây cao thành tầng. Còn đối với dự án có diện tích sàn xây dựng từ 10.000m2 trở lên phải có lối vào cho xe chữa cháy từ mọi phía.

“Nếu đối chiếu theo quy chuẩn PCCC như thế này thì rõ ràng dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng của Tập đoàn DOJI đang vi phạm, bất kể công trình phụ trợ đó là gì đi chăng nữa thì cũng đang lấy đi phần đất lưu không, đường đi của xe cứu hỏa khi tiếp cận tòa nhà.

Không những thế, các linh kiện kỹ thuật của tòa nhà còn đặt ở bên ngoài, ngay trên đầu dân hết sức nguy hiểm” – ông Nhạn nói.

Theo ông Nhạn, ở khu vực đông dân cư, gần trung tâm Thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước mà không lường trước được mọi việc để ngăn chặn thì sau này hậu quả sẽ khó lường hơn.

Dan gap nguy duoi du an cua DOJI: Sao lai the nay?
Mặt ngoài dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI.

Người dân có thể khởi kiện

Trao đổi thêm với Đất Việt, luật sư Nguyễn Vũ Nam – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, với những công trình xây dựng đang vi phạm các quy chuẩn xây dựng, có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân sống xung quanh thì kể cả khi chưa có hệ quả xảy ra thì người dân hoàn toàn vẫn có quyền khởi kiện, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định pháp luật.

“Trước việc cơ quan chức năng đã đưa ra ý kiến việc xây dựng các công trình phụ trợ làm ảnh hưởng tới đời sống của các hộ dân xung quanh, không đảm bảo PCCC, đồng thời yêu cầu Tập đoàn DOJI thiết kế lại, hoàn thiện hồ sơ để các bên phê duyệt nhưng đơn vị này vẫn cho công nhân tiếp tục xây dựng, điều đó cho thấy có dấu hiệu cố tình vi phạm” – luật sư Nam cho hay.

Để giải quyết vấn đề, tránh những hệ quả đáng tiếc về sau ông Nam cho rằng, cơ quan chức năng (cụ thể là Phòng CS PCCC – Công an TP. Hà Nội và UBND P. Điện Biên; Sở Xây dựng Hà Nội) cần thực tế kiểm tra đột xuất khi có thông tin báo chí và người dân phản ánh, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì đình chỉ thi công theo quy định của pháp luật.

Đến khi có kết luận rõ ràng sẽ đưa ra hình thức xử lý cụ thể, có thể buộc chủ đầu tư phải dỡ bỏ công trình vi phạm.

Tiến Hưng

Tin liên quan