Chuyến đi Gò Công 1 ngày với gần 200.000 đồng, vừa rẻ vừa “phê”

Ảnh: NVCC.

Anh Phạm Mỹ Thua, sinh năm 1977, khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang lúc 7h bằng xe máy. Khoảng cách từ thành phố đến Gò Công là 61km, anh mất 1 tiếng 30 phút để đến nơi. Chạy xe trên đường làng phủ một màu xanh mát rượi của những cánh đồng lúa, vườn sơ ri hay vườn thanh long ruột đỏ của người dân Gò Công khiến anh mê mẩn thích thú. Anh bảo, không biết bao lâu rồi mới có cảm giác này, và ví mình như chim sổ lồng khi được chu du một mình trên xe máy. 

Mục đích của chuyến ngao du lần này chủ yếu là để khám phá thêm những điểm hay mới lạ tại Gò Công. Huyện này thuộc tỉnh Tiền Giang, có dân số gần 100.000 người, chủ yếu là người Kinh và người Hoa, cùng sinh sống trên diện tích 102km2. Điều đặc biệt nơi đây chính là nơi chôn nhau cắt rốn của Nam Phương hoàng hậu.

Chuyến đi Gò Công 1 ngày với gần 200.000 đồng, vừa rẻ vừa phê - Ảnh 1.

Anh Thua dừng chân chụp hình một vườn thanh long ruột đỏ ở Gò Công. Ảnh: NVCC.

Bản thân là một hướng dẫn viên du lịch, vì dịch Covid-19 mà công việc đóng băng, anh rất buồn chán và thường nhắc về những lần dẫn khách đi miền Tây. Đối với anh hướng dẫn viên tiếng Anh có 10 năm kinh nghiệm, miền Tây Nam Bộ hay đồng bằng sông Cửu Long là nơi anh chưa bao giờ thấy hết hứng thú khi giới thiệu với du khách nước ngoài về văn hóa, cuộc sống của người dân nơi đây. 

Điểm dừng đầu tiên của anh là một làng làm nghề đóng đủ thờ. Làng nghề đóng tủ thờ tọa lạc tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công được xem là một trong những làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang.

Trong những năm đầu thế kỷ 17, theo dòng người từ phương Bắc vào phương Nam mở cõi, lập nghiệp. Tủ thờ Gò Công đã được những bàn tay tinh xảo, điệu nghệ của thầy thợ đất Bắc mang vào phương Nam tạo dựng nên tủ thờ mang âm hưởng, đường nét hoa văn của cội nguồn đất Tổ. 

Theo thời gian, tủ thờ Gò Công đã được thay đổi mẫu mã, chi tiết hoa văn để phù hợp với đời sống của cư dân địa phương qua từng thời kỳ. Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ. Hiện nay, làng nghề đóng tủ thờ Gò Công làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài trồng trọt để bán nông sản, người dân còn mưu sinh từ nuôi trồng thủy hải sản ngoài khơi biển Tân Thành. Bãi biển này kéo dài khoảng 7km, có triền cát đen trải dài vô cùng độc lạ và ấn tượng. Nếu đến đây vào sáng sớm, du khách có thể đi trên chiếc cầu tàu dài 300m dẫn ra biển để ngắm bình minh. Không giống như các bãi biển khác, biển ở đây pha bùn và sống đánh mạnh vào bờ nên còn hạn chế du khách đến đây tắm. 

Khi con nước rút, người dân kéo nhau ra đây cào nghêu hay cậy hào nhỏ bám trên vách đá để bán. Hào rất tươi, nhiều du khách đến đây có thể mua ăn sống hoặc nhờ người dân địa phương chế biến với giá rất rẻ. Sau khi đánh bắt cá, người dân sẽ mang cá về cảng Vàm Láng, một trong những cảng cá lớn ở miền Tây. 

Anh tiếp tục hành trình đến với đền thờ Trương Định, một vị anh hùng dân tộc, một võ quan triều Nguyễn. Ông là thủ lĩnh của phong trào chống Pháp năm 1859-1864. Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định – Định Tường (tên cũ của thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Đây là một di tích lịch sử có kiến trúc mộ táng của người Việt ở Nam Bộ, với hai phần: phần mộ được xây bằng đá ong và hồ ô dước trên diện tích 67m2, và đền thờ được xây dựng theo kiến trúc đông phương vừa cổ kính vừa tân thời với các án thờ chạm trổ sơn son thiếc vàng.

Năm 1864, sau khi Trương Định tuẫn tiết, bà Trần Thị Sanh, vợ thứ Trương Định, đã nhận thi hài của ông mang về an táng rất trọng thể. Mộ được làm bằng hồ ô dước. Năm 1874, bà Trần Thị Sanh đứng đơn xin lập mộ cho chồng. Mộ xây bằng đá hoa cương cùng với 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị đục bỏ. Ngôi mộ trở nên hoang phế trong thời gian Pháp thuộc bởi sự cấm đoán và dòm ngó của mật thám.

Năm 1964, Gò Công tái lập tỉnh, để thu phục nhân tâm, chính quyền cũ đã xuất công quỹ tu bổ ngôi mộ khang trang như ngày nay. Năm 1972, xây dựng thêm Đền thờ dựa theo bản vẽ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Thiệt do ông Cung Tất Mai làm Trưởng ban. Đền thờ xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng. Đền thờ hoàn thành năm 1973, lễ khánh thành Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định diễn ra rất trọng thể và trang nghiêm. Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gò Công đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích. 

Theo anh Thua, du khách có thể bỏ qua điểm này nếu chỉ muốn nghỉ dưỡng thì có thể kết hợp ở nhà dân. Sau khi khách mua hải sản ở biển hoặc ở cảng, đem về nhà dân để chế biến hoặc nhờ chủ nhà chế biến, trong lúc nằm võng nghỉ ngơi. Trong trưa hè nóng bức, đánh một giấc ngon lành trong khu vườn cây trái mát rượi thì không gì bằng.

Cũng theo anh, từ Gò Công, tỉnh Tiền Giang, thuộc miền Tây Nam Bộ, du khách có thể mất khoảng 25 phút ngồi đò đến xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP HCM, ở khu vực Đông Nam Bộ. Tại đây, họ có thể di chuyển đến khu du lịch Dần Xây và Vàm Sát, ruộng muối, rừng ngập mặn… sau khi tham quan xong, có thể đi xe khách về thành phố trong ngày, kết thúc chuyến đi của mình lúc 16-17h. Du khách có thể quyết định đi tour 1 ngày hay 2 ngày kết hợp Cần Giờ nếu thích khám phá những nơi dân dã với chi phí tự túc chỉ hơn 150.000 đồng. 

Anh Trần Công Tài, sinh năm 1986, xuất phát từ Sài Gòn đi Tân Thành theo quốc lộ 50. Sau hơn 1 tiếng, anh đã có mặt ở biển Gò Công, cách Sài Gòn hơn 70km. Anh men theo con đường lát đá dài 2km, từ đây nhìn ra biển hoặc xem người dân bắt hải sản thật thích, đặc biệt là khi nước rút, du khách có thể đi ra xa để chụp ảnh những chòi canh đóng đáy, nhưng nhớ cẩn thận đường trơn trượt và khi nước lên sóng đánh vô bờ, Tài nói. 

Hỏi chuyện người dân địa phương ở đây cho anh một cảm giác gần gũi. Điều hầu hết du khách đến đây, kể cả anh đều thích là hải sản đủ loại, giá một phần ăn cho một người có thể từ 100.000-150.000 đồng.

Du khách có thể canh tàu về cảng từ 16h trở đi mỗi ngày để chụp ảnh cùng lúc hoàng hôn đang buông, đảm bảo sẽ có được những tấm ảnh ăn ý, Tài chia sẻ. Trên đường ra biển dài khoảng 15km, một bên là bờ biển một bên là những vuông tôm của người dân. Từ biển Gò Công, du khách có thể nhìn thấy cánh rừng ngập mặn ở huyện Cần Giờ, TP HCM và những ngôi nhà san sát nhau của người dân ở thành phố Vũng Tàu.


Thanh Thu

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan