Nhắc đến saffron – loại gia vị được thu từ nhụy của hoa nghệ tây (Crocus) – người ta nghĩ ngay đến đất nước vùng trung đông Iran, nơi được mệnh danh là kinh đô của saffron. Thế nhưng, ít ai biết rằng vùng Abruzzo (Italy) cũng là một trong những nguồn cung cấp saffron hàng đầu trên thế giới.
Nhiếp ảnh gia người Úc Susan Wright đã có dịp ghé thăm vùng đất này và lưu lại được những bức ảnh tuyệt đẹp cho người ta thấy cận cảnh quy trình hoạch saffron – thứ gia vị đắt nhất thế giới được mệnh danh là “vàng đỏ” có giá hàng tỷ đồng 1kg.
Trải nghiệm thu hoạch nghệ tây không thể nào quên
“Đó là chuyến phiêu lưu đầu tiên của tôi xuyên qua những ngọn núi lô nhô ở miền trung Italy để đến với vùng đất hoang sơ, cách xa các điểm du lịch nổi tiếng, nơi vẫn còn bảo tồn khá nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ và có những ngôi làng yên tĩnh nằm rải rác trên các sườn đồi xinh đẹp.
Ngôi làng nhỏ Navelli nơi nghệ tây đã được trồng và thu hoạch trong vài trăm năm.
Lớn lên ở vùng nông thôn của Úc nên tôi càng mê những vùng đất nông nghiệp ở Italy, đặc biệt là sự gắn bó sâu sắc của người nông dân với những truyền thống kéo dài hàng thế kỷ được truyền vào đất đai và văn hóa của họ bằng một tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt.
Giovannina Sarra (thường được gọi là Nữ hoàng Saffron) và gia đình bà đã đồng ý cho tôi cùng một vài người nữa ở nhờ tại nhà của họ. Vào sáng sớm, ở cao nguyên Navelli, chúng tôi đi ra giữa những cánh đồng mờ sương, nhuốm màu tím của hoa nghệ tây và cùng tham gia vào vụ thu hoạch thứ hoa quý này.
Saffron là nhụy hoa nghệ tây, là một loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao.
Saffron là nhụy hoa nghệ tây, là một loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao. Nó còn được gọi là oro rosso, hay “vàng đỏ”. Người dân địa phương kể rằng nó lần đầu tiên được trồng ở vùng Abruzzo từ thế kỷ thứ 13, nhập khẩu giống từ Tây Ban Nha. Được coi là một loại gia vị/thuốc với nhiều công dụng kỳ diệu, nó được bán ở các khu vực và thành phố giàu có của Milan và Venice, và ở nước ngoài ở Pháp, Đức và Áo.
Saffron phải được thu hoạch trong vài giờ trước khi mặt trời mọc, khi những cánh hoa nghệ tây vẫn chưa nở bung ra.
Saffron phải được thu hoạch trong vài giờ trước khi mặt trời mọc, khi những cánh hoa nghệ tây vẫn chưa nở bung ra. Lý do là để những bông hoa dễ hái hơn và giúp bảo vệ những nhụy đỏ quý giá bên trong. Nụ được lựa chọn cẩn thận và đặt vào giỏ.
Cùng ngày, nhụy hoa – 3 sợi nhỏ màu đỏ bên trong bông hoa – được cẩn thận tách ra khỏi những cánh hoa ẩm ướt. Đó là một quá trình tinh tế phải mất hàng giờ với một bàn tay lành nghề và sự kiên nhẫn.
Vào buổi tối, những nhụy hoa giống như sợi chỉ sáng màu sẽ được sấy khô trên một ngọn lửa được đốt từ củi gỗ. Đây là một quá trình làm tăng thêm sự phong phú về cả màu sắc và hương vị cho saffron.
Khoảng 4.000 bông hoa mới tạo ra một ounce (28,3gram) bột nghệ tây – có nghĩa là phải mất khá nhiều công sức và thời gian mới có được chút xíu bột nghệ tây đó”.
Dược liệu dưỡng nhan của Nữ hoàng Ai Cập và các công dụng thần kỳ của saffron
Từ hơn 3.000 năm trước, saffron được biết đến là một loại gia vị kì diệu cho các món ăn. Một số có thể dùng để nhuộm vải vóc, chữa bệnh, nước hoa hay thậm chí là làm đẹp, trẻ hóa nhan sắc.
Một số ghi chép để lại, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cũng thường xuyên sử dụng saffron để gìn giữ sắc đẹp và tăng sự quyến rũ của mình. Bà thường bỏ một ít nhụy hoa nghệ tây này vào nước tắm của mình để làn da mình luôn trẻ đẹp và đặc biệt, đây cũng là phương thức giúp bà trở nên quyến rũ hơn trong chuyện chăn gối.
Ngay cả vua Alexander Đại Đế, ngài cũng thường xuyên sử dụng saffron để hồi phục sức khỏe và lành hóa vết thương sau mỗi trận chiến.
Riêng đối với khoa học ngày nay, các công dụng của saffron đã được kiểm chứng. Các nhà dược học ví saffron như một loại dược liệu đa dụng tích cực cho sức khoẻ, giúp ngăn ngừa và phòng chống được một số căn bệnh nguy hiểm, trong đó có cả ung thư.
Những công dụng tuyệt diệu ấy cũng là nguyên nhân khiến saffron trở nên “đắt xắt ra miếng” trên thị trường hiện tại: 500.000 – 700.000 đồng/gram tùy loại. Thậm chí, do giá bán quá cao nên saffron được người ta gọi là “vàng đỏ”.
(Nguồn: NYT)