Tiến Phước Group – “Đế chế” bất động sản một thời ngập trong thua lỗ

Dự án Empire City tại Khu đô thị Thủ Thiêm – một dự án đình đám mà Tiến Phước Group “bắt tay” với Keppel Land, Trần Thái Group và Gaw Capital thực hiện

Liên tục thua lỗ

Đã có thời gian, Tiến Phước Group nổi lên như một “đế chế” bất động sản (BĐS) của TP.HCM do sở hữu hàng loạt dự án lớn như: Khách sạn Le Meridien tại 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1), Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài 9,8ha (Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha (huyện Bình Chánh), Palm Heights 30ha (Quận 2), Senturia An Phú 18,2ha (Quận 2).

Ngoài ra, Tiến Phước Group cùng “bắt tay” với Keppel Land, Trần Thái Group và Gaw Capital để thực hiện dự án Empire City tại Khu đô thị Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 26.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tiến Phước Group và hệ thống các công ty thành viên trong “hệ sinh thái” Tiến Phước ngập trong thua lỗ kéo dài.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu của Tiến Phước Group chỉ đạt 155,8 tỷ đồng, đây là mức doanh thu thấp nhất trong giai đoạn 2017-2019; công ty lỗ thuần 126,2 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2020, Tiến Phước Group đã phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 55,4 tỷ đồng.

Sự thua lỗ ở công ty mẹ đã kéo theo kết quả kinh doanh của các thành viên khác trong Tiến Phước Group cũng chịu cảnh bê bết theo. Bi đát nhất trong hệ sinh thái Tiến Phước là Công ty CP Tiến Phước & 990 – chủ đầu tư dự án Le Meridien Saigon với khoản lỗ năm 2019 lên đến hơn 255 tỷ đồng, đẩy lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên gần 1.200 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu về vỏn vẹn 197,9 tỷ đồng, so với vốn góp chủ sở hữu 1.438 tỷ đồng.

Kế đến là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ – chủ sở hữu bệnh viện Quốc tế Mỹ ở Quận 2 (TP.HCM) và hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare cũng liên tục báo lỗ lớn trong 2 năm 2018, 2019, với khoản lỗ thuần lần lượt là 204,3 tỷ đồng và 117,8 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế lên gần 400 tỷ đồng.

Một thành viên khác là Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương không phát sinh doanh thu và lỗ thuần 20,7 tỷ đồng năm 2019. Tổng tài sản tới cuối năm ngoái là 2.028 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.466 tỷ đồng. Hay như Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông báo lỗ sau thuế 65,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Nợ trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng

Mặc dù thua lỗ liên tục trong nhiều năm, nhưng Tiến Phước Group luôn nói không với nợ ngân hàng. Tuy nhiên, khoản nợ từ trái phiếu của Tập đoàn BĐS này lại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, Tiến Phước Group cùng hai thành viên là Tiến Phước Land và Mê Kông đã phát hành khoảng 2.600 tỷ đồng trái phiếu. Trong giai đoạn 2016-2019, riêng nợ phải trả của công ty mẹ Tiến Phước đã tăng gấp đôi, từ 2.055 tỷ đồng lên gần 4.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là vào cuối năm ngoái, chỉ trong khoảng thời gian từ 31/7 – 11/11/2019, Tiến Phước Land đã 4 lần phát hành trái phiếu, thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 18 tháng và lãi suất cố định 8%/năm. Mặc dù có mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung, nhưng trái phiếu do Tiến Phước Land phát hành được hấp thụ rất tốt bởi các nhà đầu tư cá nhân.

Điều khiến giới đầu tư chú ý là đến thời điểm cuối năm 2019, vốn điều lệ của Tiến Phước Land chỉ 20 tỷ đồng, tức là cao hơn gấp 50 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do đó, đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã lên tới 87 lần, đây là một tỷ lệ rủi ro cao đối với một doanh nghiệp BĐS.

Có thể nói, năm 2020 là một năm khó khăn không chỉ đối với Tiến Phước Group nhưng với nền tảng là một “đế chế” BĐS một thời của TP. HCM cùng với chiến lược chuyển hướng đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo với dự án Điện mặt trời Châu Pha tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có giúp doanh nhân kì cựu Nguyễn Thành Lập “hồi sinh” Tiến Phước Group, hay chỉ dừng lại ở việc gia tăng nợ vay để bù đắp dòng tiền thiếu hụt?

ĐÌNH ĐẠI

Tin liên quan