Đất nền Đồng Nai và Long An “nóng” nhất vùng vệ tinh Tp.HCM

Theo báo cáo của đơn vị này, trong quý đầu năm 2021, thị trường đất nền Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh chào đón khoảng 7 dự án mở bán (trong đó, 3 dự án mới và 4 giai đoạn tiếp theo của dự án đã mở bán trước đó) cung cấp khoảng 1,296 nền, bằng 96% quý trước (1,344 nền). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1,146 nền, xấp xỉ 88% tổng nguồn cung mở bán được thị trường đón nhận, bằng 137% so với quý 4/2020 (837 nền).

Trong đó, Long An vươn lên dẫn đầu thị trường về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường trong quý.

“Thị trường vùng ven tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực về nguồn cung khi quỹ đất sạch tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm. Các dự án pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn thiện được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn”, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng bộ phận R&D DKRA Vietnam cho hay.

Giá đất cục bộ tăng ở một số huyện vùng ven có thông tin quy hoạch hoặc sớm nâng cấp lên quận, phổ biến tăng 3 – 5% so với thời điểm trước Tết, tuy nhiên thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình và không xảy ra tình trạng “sốt đất giá ảo” thường thấy ở những năm trước.

Theo đại diện DKRA Vietnam, đất nền tiếp tục là kênh đầu tư sinh lời bền vững, có biên độ tăng giá tốt đối với các nhà đầu tư trong dài hạn.

Đất nền Đồng Nai và Long An nóng nhất vùng vệ tinh Tp.HCM - Ảnh 1.

Theo báo cáo của DKRA, Long An vươn lên dẫn đầu thị trường về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường trong quý 1/2021

Trong khi thị trường vùng lân cận có dấu hiệu sôi động, thì thị trường đất nền dự án tại Tp. HCM tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong quý 1/2021, giao dịch trên thị trường hiện tại chủ yếu tập trung ở nguồn hàng tồn kho các dự án mở bán những năm trước hoặc dự án đất dân hộ lẻ, quy mô nhỏ, do cá nhân tự đứng ra phân lô tách thửa để bán. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức trung bình không có nhiều biến động so với giai đoạn cuối năm 2020. Với thị trường thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường ở mức trung bình, mặt bằng giá không tăng đáng kể.

Dự báo thị trường quý 2/2021, đại diện DKRA Vietnam cho rằng, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa hàng đầu. Nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với quý trước và tập trung chủ yếu ở thị trường các các tỉnh giáp ranh. Sau những sôi động ồn ào ở Quý 1, thị trường thứ cấp Quý 2 có thể sẽ không có nhiều biến động bao gồm cả về mặt bằng giá.

Đơn vị này cho rằng, trong 10 năm qua, thị trường BĐS Việt Nam dù có nhiều biến động nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ ở mọi khía cạnh với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh các chủ đầu tư nước ngoài quen thuộc, những thương hiệu chủ đầu tư “nội địa” bắt đầu lớn mạnh không ngừng, trưởng thành chuyên nghiệp và thể hiện sự vượt trội. Họ đã tạo ra nhiều thay đổi cũng như những xu hướng mới, dẫn dắt sự phát triển của thị trường.

Với lợi thế sẵn có, các chủ đầu tư trong nước không bị giới hạn ở một vài thành phố lớn mà đã tiên phong khai phá tiềm năng của những vùng đất mới, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, kinh tế địa phương, hình thành nên nhiều thị trường mới sôi động.

Sự lớn mạnh của các chủ đầu tư trong nước còn thể hiện ở năng lực tài chính mạnh mẽ và sự nghiêm túc trong việc thực hiện các quy trình, hồ sơ pháp lý theo quy định luật pháp. Họ cũng đầu tư mạnh cho ứng dụng công nghệ trong các khâu quản lý đầu tư, quảng cáo, tiếp thị, bán hàng, quản lý – vận hành dự án,… và thay đổi cách thức tổ chức bán hàng, đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng hấp dẫn.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm mới hoặc xu hướng sống mới, một ít chủ đầu tư lớn còn xây dựng nên một hệ sinh thái liên kết, bổ trợ giá trị cho nhau. Được đầu tư và phát triển bài bản, các dự án do chủ đầu tư trong nước đạt tỷ lệ lấp đầy dân cư về sinh sống nhanh nhất, làm cho giá trị bất động sản tăng nhanh.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, sự lớn mạnh của chủ đầu tư trong nước cũng mang đến nhiều bất cập. Dễ nhận thấy nhất là thị trường thường rơi vào tình trạng bất ổn (sôi động/quá nóng) ở những khu vực có dự án của chủ đầu tư lớn trong nước xuất hiện. Mức giá sản phẩm đưa ra phần lớn cao hơn mặt bằng chung của khu vực, góp phần thúc đẩy những mặt bằng giá mới. Đồng thời, đa số chủ đầu tư trong nước chỉ tập trung vào phân khúc trung cấp, cao cấp mà bỏ ngỏ phân khúc căn hộ/nhà ở vừa túi tiền. Bên cạnh đó, vẫn có những chủ đầu tư lách luật trong việc tổ chức bán hàng hoặc đưa ra điều khoản không cân bằng mang đến rủi ro, thiệt thòi cho người mua trong hợp đồng mua bán.

Theo đại diện DKRA Vietnam, bối cảnh thị trường BĐS hiện nay còn nhiều phức tạp, sự xuất hiện của các chủ đầu tư “đầu đàn” trong nước là điều cần thiết để góp phần chuyển biến thị trường ngày càng chuyên nghiệp, diện mạo đô thị thêm phát triển hiện đại. Quyền lợi của người mua cũng được đảm bảo tốt hơn với những sản phẩm có giá trị hơn.

Tin liên quan