Cơn sốt đất hạ nhiệt
Sau cơn sốt đất điên đảo, thị trường bất động sản TPHCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày này, chạy xe dọc Tỉnh lộ 10, qua địa bàn các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), người đi đường không còn bắt gặp hàng trăm cây xanh, trụ điện ven đường dán chi chít bảng quảng cáo bán đất nền, đủ loại giá như trước đây.
Cơn sốt đất tại nhiều địa phương đã dần hạ nhiệt. |
Theo chân “cò đất” tên Hùng, PV đến khu dân cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) để xem các nền đất đã có sổ hồng. Trước Tết Nguyên đán, những nền đất này được bán ra với giá từ 32-35 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất ít giao dịch thì nay, dù giảm khoảng 600.000 đồng/m2 nhưng vẫn không có ai hỏi thăm.
Theo Hùng, một số khu vực khác ở Bình Chánh nếu như lâu nay các nhà đầu tư không “ngó ngàng” đến thì nay “sôi động” trở lại nhưng thực chất không có giao dịch. Cụ thể, tại xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) giá đất đang giao dịch quanh mức 65 triệu đồng/m2, khu Trung Sơn ở ngưỡng 140 triệu đồng/m2, xã Phong Phú giá đất cũng đang ở mức 40 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A là 30 triệu đồng/m2… nhưng không rất ít ai mua.
Tại dự án S. (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM), nhân viên môi giới ở đây cho hay, mấy ngày nay giao dịch giảm rõ rệt. Nhiều khách ký gửi bán nền dưới giá mặt bằng chung của khu vực nhưng chào mãi cũng không ai mua. Còn Dự án Th.N (đường Phạm Hữu Lầu, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cách đây 2 tháng giá bán từ 40-45 triệu đồng/m2 nhưng nay chỉ còn khoảng 38 triệu đồng/m2 mà cũng không có khách mua.
Trong khi đó, tại một điểm nóng về tăng giá đất là TP. Thủ Đức, tình trạng cũng tương tự. Ở các khu đất phân lô bán nền tại khu vực phường Phú Hữu giá đất đã giảm mạnh. Cụ thể, nếu trước đây giá đất một số khu phân lô trong hẻm là từ 45-50triệu đồng/m2, nay chỉ còn khoảng 40-42 triệu đồng/m2.
Khảo sát của PV cho thấy, cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt. Giá đất tại 5 huyện ven Sài Gòn gồm: Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ đều có xu hướng đi ngang trong 4 tuần qua sau khi tăng 3-20% trong quý 1.
Đua nhau rao bán cắt lỗ
Không chỉ đất nền, căn hộ cũng đua nhau bán cắt lỗ. Chị Trần Nguyên ở quận 5, TPHCM đang rao bán cắt lỗ căn hộ cao cấp E.G. Sài Gòn. Theo giới thiệu, căn hộ có view trung tâm diện tích 80m2 gồm 3 phòng ngủ, bàn giao hoàn thiện trang thiết bị cao cấp, giá bán 4,4 tỷ đồng, cắt lỗ 400 triệu so với thời điểm cách đây vài tháng. Chị cho hay, do con đang du học ở nước ngoài, dịch bệnh COVID-19 nên không đi làm thêm được, chị đành bán cắt lỗ để có tiền gửi sang nước ngoài cho con.
Ở các tỉnh, các dự án đất nền cũng đua nhau rao bán cắt lỗ. Các khu vực được các nhà đầu tư rao bán đất nền cắt lỗ tập trung ở huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, Tân Uyên của tỉnh Bình Dương và huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, thị xã Phước Long, thành phố Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước.
“Cách đây hơn 1 tháng tôi mua lô đất 70m2 ở huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) với giá 720 triệu đồng với hy vọng sẽ “lướt sóng” kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi xuống tiền và tiếp tục chào bán trong 1 tháng nhưng vẫn không thấy người mua, tôi đành phải chấp nhận bán cắt lỗ với giá 650 triệu để thu hồi vốn. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi lỗ mất 70 triệu khi cố ăn theo cơn sốt đất”, chị Nga (ngụ TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ.
Nhiều căn hộ bị rao bán cắt lỗ. |
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhờ các động thái can thiệp của nhà nước, thị trường đã bình ổn trở lại. Để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng… Các tỉnh thành cũng có có xu hướng giám sát các biến động giá giao dịch đất đai khi bị đặt vấn đề quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu đất tăng nóng.
“Khi nhà nước quản lý chặt và đưa ra các cảnh báo, nhà đầu tư cũng bắt đầu bình tĩnh khiến thị trường giảm nhiệt hơn”, ông Đính nói.
Ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông gọi đây là bài học về quản lý thị trường bất động sản khi do công tác này chưa được triển khai thấu đáo, dẫn đến tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra quản lý đất tại 26 tỉnh, thành phố.
Siết tín dụng bất động sản
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến giữa tháng 3/2021, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng 2,13%, nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay, là 2,04%, so với năm ngoái là tích cực.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, một số công cụ kiểm soát rủi ro tín dụng vào bất động sản, chứng khoán đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Chẳng hạn, giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…
Bà Hồng nói, tốc độ tăng tín dụng vào bất động sản đã chậm lại. Dư nợ tín dụng đầu tư chứng khoán hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng đầu tư của các ngân hàng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng nhỏ và thực tế được kiểm soát như với khoản cấp tín dụng. Để phòng ngừa, các nhà băng được yêu cầu tập trung quản trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để dòng vốn đúng mục đích, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất.