Alphanam giải cứu dự án “vàng” giữa trung tâm Đà Nẵng?

(DĐDN) – Nằm “đắp chiếu” suốt một thời gian dài vì chủ đầu tư thiếu vốn, tổ hợp Golden Square đang nuôi hy vọng hồi sinh với sự vào cuộc của Alphanam. Nhưng tương lai của những dự án này có hoành tráng như kỳ vọng vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

“Kiệt tác”….. trên giấy

Sáng ngày 19/1/2008, trong không khí tưng bừng cờ hoa và lân sư rồng, Công ty Địa ốc Đông Á đã chính thức khởi công xây dựng Khu phức hợp Golden Square tại TP. Đà Nẵng. Theo thông tin từ chủ đầu tư công bố khi đó, dự án có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 495 tỷ đồng với tổng diện tích 10.664m2.

Đây cũng là một trong những khu đất hiếm hoi của TP Đà Nẵng có diện tích lớn và có đến 4 mặt tiền là các đường Phạm Hồng Thái, Yên Bái, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Chí Thanh.

Dự án này sẽ gồm 3 tòa tháp cao 21-36 tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2011.

Lúc đó, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Đông Á cho biết, quy mô ban đầu của dự án là xây dựng khu phố thương mại với chiều cao 5 tầng và một trung tâm thương mại – văn phòng cho thuê cao 21 tầng.

Tuy nhiên, với vị trí đắc địa của khu đất kết hợp với tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội tại TP Đà Nẵng, Địa ốc Đông Á đã quyết định tăng vốn đầu tư xây dựng thành khu phức hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế mang tên Golden Square với kiến trúc gồm 3 toà tháp.

Tiếp đó, để “đánh bóng” dự án với nhà đầu tư, trong năm 2010,  Địa ốc Đông Á đã lần lượt mang căn hộ Golden Square giới thiệu với khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội với với giá khởi điểm từ 1.500-1.700 USD/m2/căn (khoảng từ 84.000 USD/căn trở lên).

Không dừng lại ở đó, vào năm 2011, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo TP Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Đông Á và nhiều doanh nghiệp khác, Công ty CP Địa ốc Đông Á và Tập đoàn khách sạn Marriott International Inc (Mỹ) ký kết hợp đồng quản lý khách sạn Renaissance Đà Nẵng (thuộc khu phức hợp Golden Square).

Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh hoành tráng mà chủ đầu tư cũng như những nhà phân phối dự án “vẽ” ra, đến thời điểm hiện tại, Golden Square chỉ mới hoàn thành tường vây, móng, 2 tầng ngầm và sàn lầu 2 khối đế tòa nhà.

Sau thời gian dài, công trình vẫn bất động, không có một bóng xe, thiết bị, công nhân nào trên công trường. Dự án đã tạm dừng thi công từ tháng 12/2014.

Và từ đó đến nay, dù Đà Nẵng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư nếu không thực hiện đúng cam kết tiến độ đề ra UBND TP Đà Nẵng sẽ xem xét thu hồi dự án nhưng dự án vẫn chết lâm sàng.

Có nên kỳ vọng?

Alphanam giải cứu dự án “vàng” giữa trung tâm Đà Nẵng? 1
Phối cảnh dự án Golden Square

Xung quanh phương án xử lý những dự án bỏ hoang trên địa bàn TP. Đà Nẵng, trong cuộc họp về thu – chi ngân sách năm 2016 tổ chức tháng 2/2016, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại các khu đất vàng trên địa bàn thành phố.

“Cho phép chuyển nhượng vừa giải quyết được nợ nần cho nhà đầu tư cũ, dự án lại có tiền để thực hiện nghĩa vụ với Thành phố. Khi nhà đầu tư triển khai dự án, Thành phố đỡ cảnh nhếch nhác vì tình trạng dự án khoanh tôn từ năm này qua năm, gây bức xúc cho nhân dân… Hơn nữa, khi chuyển nhượng dự án, Thành phố tiếp tục thu được tiền chuyển nhượng”.

Dự án Golden Square cuối cùng đã được Công ty CP Địa ốc Đông Á chuyển nhựng lại cho Tập đoàn Alphanam. Chi tiết của vụ chuyển nhượng này không được tiết lộ và Tập đoàn Alphanam cũng chưa công bố thông tin sẽ triển khai dự án như thế nào.

Tại Đà Nẵng, Alphanam hiện đang đầu tư tổ hợp khách sạn Four Points by Sheraton và căn hộ Luxury Apartment. Dự án đang xây dựng đến tầng 21.

Ông Trần Ngọc Thành – TGĐ Đất Xanh miền Trung thì gợi ý trong thời gian này, để có thể thu hút khách hàng, các chủ đầu tư cần phải “nói thật, làm thật” và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án.

Theo đó, thay vì bán những dự án trên giấy, hô hào trong quá trình triển khai, động thổ rồi đắp chiếu dự án, chủ đầu tư cần đẩy mạnh quá trình thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết. Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (sổ đỏ và sổ hồng) để làm người mua an tâm hơn về tình trạng pháp lý tài sản họ sẽ mua.

Hay thay vì làm diện tích căn hộ lớn và chồng thật nhiều tầng cao như trước kia để tối đa hóa lợi nhuận, các chủ đầu tư cũng nên giảm chiều cao tòa nhà, thiết kế các căn hộ diện tích hợp lý, tiết giảm chi phí để có mức giá phù hợp, đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng công trình. “Nếu làm được điều này, tôi nghĩ chủ đầu tư sẽ thành công”, ông Thành nhấn mạnh.

Tóm lại, với việc “thay máu” như vừa nêu, Golden Square nói riêng và nhiều khu đất được mệnh danh là “đất kim cương” nói chung đang ì ạch trong triển khai trên địa bàn TP Đà Nẵng được nhiều người kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ cũng như cung cách quản lý, hạn chế tình trạng bỏ hoang, gây bức xúc cho dư luận.

Xem thêm: >> Alphanam bất ngờ quay lại bất động sản, tung quân bài chiến lược tại Đà Nẵng

 

Nguyễn Phước

Tin liên quan