Sai phép tại dự án Thảo Điền Sapphire: Hợp thức hóa cho tồn tại?

Sau khi Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong tuyên bố xử lý nghiêm các sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire thì mới đây Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi UBND TP và các cấp ngành liên quan xem xét lại biện pháp xử lý đối với dự án trên.

Theo HoREA, công ty TDS – chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng lại Dự án Thảo Điền Sapphire tại số 145 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2) có diện tích 27.018,4m2 từ công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn (công ty GS)-nhà thầu thi công công trình đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (nay là đại lộ Phạm Văn Đồng) theo phương thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Khu đất này (nay là dự án Thảo Điền Sapphire) là một trong các khu đất được UBND thành phố giao lại cho công ty GS để đầu tư kinh doanh bất động sản. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường cấp cho công ty GS, hình thức sử dụng đất là sử dụng riêng trên toàn bộ diện tích đến ranh mép bờ cao sông Sài Gòn.

Cơ cấu sử dụng đất chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ 56,4%). Đất trong hành lang bảo vệ bờ sông, rạch chiếm tỷ lệ lên đến 43,6%. Công ty TDS đã xây dựng các công trình chính trong phần đất ở của dự án đã được tổ công tác liên ngành thực hiện việc xác minh hiện trạng đất.

Ngay từ đầu năm 2016, công ty TDS đã đề nghị xin tạm sử dụng một phần hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn để xây dựng công trình phụ. Văn phòng UBND TP.HCM đã có nhiều phiếu chuyển giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND quận 2 kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết đề nghị của công ty TDS.

Quyết định của UBND TPHCM về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông kênh rạch thời điểm đó đang nghiên cứu điều chỉnh bổ sung nên Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất sẽ xem xét, giải quyết kiến nghị của công ty TDS sau khi TP.HCM có quyết định mới.

Sai phép tại dự án Thảo Điền Sapphire: Hợp thức hóa cho tồn tại? 1

Chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire tháo dỡ phần diện tích sai phạm

HoREA thừa nhận nếu căn cứ theo quyết định UBND TP.HCM ban hành vào năm nay quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thì công ty TDS đã có sai phạm khi xây dựng các bể bơi (công trình thể dục, thể thao) của dự án trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn mà chưa có sự chấp thuận của UBND thành phố nhưng với chính sách quy định tại quyết định thì có thể xem xét lại theo hướng hỗ trợ cho công ty TDS.

Dù thừa nhận Công ty TDS đã có sai phạm nhưng HoREA cho rằng, với chính sách quy định tại Quyết định 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM thì UBND TP.HCM cần xem xét lại theo hướng hỗ trợ cho Công ty TDS.

HoREA cũng viện dẫn quy định tại khoản 9, điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng có cho phép công trình vi phạm xây dựng đã chấp hành xử phạt hành chính, có thể được cho phép tồn tại, không phải tháo dỡ phần diện tích sai phạm nêu trên và đóng phạt do các công trình này không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty, và phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép…

“Hiện nay, Công ty TDS đã tháo dỡ 4 trong số 14 hồ bơi và câu lạc bộ xây dựng sai phép và đang tiếp tục tháo dỡ phần xây dựng sai phép còn lại. Hiệp hội đề nghị UBND thành phố xem xét theo hướng để cho phép các công trình xây dựng sai phép được tồn tại để tăng thêm tiện ích cho khu dân cư. Công ty TDS phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép. Sau này, nếu thành phố triển khai các công trình phục vụ lợi ích công cộng thì Công ty TDS phải tự tháo dỡ khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền”, ông Châu cho biết.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 2496 xử phạt chủ đầu tư 1 tỷ đồng và buộc khắc phục hậu quả.

Nói về tình trạng các công trình sai phép, không phép nở rộ trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phải thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang “nhờn” thuốc là do các công trình sai phép thay vì bị phá dỡ, bị cưỡng chế thì lại được hợp thức hóa các sai phạm và cho tồn tại.

Ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đồng tình cho rằng, Thông tư số 02/2014/TT-BXD, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, do Bộ Xây dựng ban hành ngày 12/2/2014, với nội dung một số những công trình xây dựng không phép, sai phép, trong một số trường hợp sẽ vẫn được tồn tại hợp pháp, nếu chủ đầu tư chịu đóng tiền phạt.

“Việc xác định mức độ vi phạm là “điểm mờ” trong thông tư và điều này rất khó được quy định rõ ràng, cụ thể. Vì ranh giới giữa các mức độ vi phạm như thế nào thì hiện đang lờ mờ” – ông Chiến cho biết.

Chủ tịch TP.HCM không chấp nhận cho nộp phạt để tồn tại sai phép dự án Thảo Điền Sapphire

Linh Nhi

Tin liên quan