Nhà đầu tư BĐS khôn ngoan luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn

Đối với các NĐT, sau mỗi lần khủng hoảng, NĐT đều sẽ rút ra cho mình những bài học nhất định. NĐT sẽ có tâm lý nghe ngóng, phán đoán thị trường, đồng thời chọn lọc một cách thận trọng hơn, không còn đầu tư ồ ạt theo đám đông như trước. Trong lúc nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tâm lý của các NĐT là tìm thời cơ, chọn thời điểm bỏ vốn, xác định lúc nào sẽ nhỏ giọt và lúc nào sẽ đẩy mạnh rót vốn.

Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, BĐS vẫn là một kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn, không bị bấp bênh như các kênh đầu tư khác. Theo đó, dòng tiền vẫn đổ vào kênh đầu tư này, ngay cả ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ NĐT nhỏ đến NĐT lớn sẽ có những tính toán phù hợp để lựa chọn rổ hàng cho mình. NĐT khôn ngoan sẽ luôn nhìn thấy cơ hội trong những khó khăn.

Dưới góc nhìn lạc quan, những người trong cuộc cho rằng, nếu dịch bệnh sớm được khống chế tốt, du lịch sẽ quay trở lại rất nhanh, thị trường Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn, khách du lịch nước ngoài gia tăng, mức sống của người dân cao hơn, nhu cầu du lịch nội địa cũng rất lớn. Đây là lực cầu rất mạnh để BĐS du lịch như chiếc lò xo bị nén lâu này có thể bật dậy một cách nhanh chóng.

Trường hợp xấu hơn, dịch bệnh kéo dài thì phân khúc nhà ở và BĐS công nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng nổi bật. BĐS nông nghiệp cũng đang là một thị trường tiềm năng, tuy nhiên lại trông cậy nhiều vào tiến độ sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Nhà đầu tư BĐS khôn ngoan luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 được đánh giá là cơ hội để các nhà đầu tư sành sỏi có thể gom được hàng giá hời trong mùa dịch. Năm 2020, thị trường bất động sản cũng như nhiều ngành nghề khác chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đây lại chính là cơ hội để sàng lọc những nhà đầu tư nhỏ lẻ mang tính lướt sóng; đồng thời, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược rõ ràng mang tính dài hạn.

Nếu giai đoạn trước đây, rất nhiều người tham gia đầu tư BĐS theo phong trào và xu hướng “lướt sóng” thì nay sự thận trọng đang là yếu tố được đề cao số 1 trong đầu tư trên thị trường vốn nhạy cảm này.

Một số đơn vị môi giới BĐS chung nhận định, hiện khoảng 1/3 số lượng nhà đầu tư không còn bị hút vào việc đầu cơ lướt sóng. Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy hàng nhanh hơn trong mùa dịch; thậm chí là chấp nhận lỗ để thu hồi vốn.

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện này, NĐT lướt sóng thường có dòng vốn không lớn và đa phần đều sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Do đó, họ không thể mạo hiểm nếu tiếp tục cuộc chơi trong dài hạn. Bởi vậy, giải pháp thanh khoản nhanh để thu hồi vốn về được đánh giá là thông minh và an toàn ở thời điểm hiện tại.

Theo đó, các NĐT lướt sóng có xu hướng “nhường chỗ” lại cho những nhà đầu tư dài hạn với tiềm lực tài chính mạnh trên sân chơi BĐS – một thị trường được đánh giá vẫn giàu sức hấp dẫn bởi khả năng sinh lời tốt.

Bởi vậy, dù trong bối cảnh khó khăn của bệnh dịch thì BĐS vẫn được xác định là cơ hội đối với nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư có đủ tiềm lực kinh tế, họ chọn lúc thị trường đi xuống để rót tiền. Còn các nhà đầu tư lướt sóng thì chọn cách “xuống” tiền ở thời điểm thị trường sôi động.

Theo khảo sát của một số công ty tư vấn BĐS, tính đến quý 3/2020, có khoảng 60% NĐT chọn BĐS là kênh đầu tư sinh lời; trong đó có trên 80% nhà đầu tư tin rằng thị trường BĐS sẽ hồi phục vào năm 2021 – 2022.

Thực tế cũng đã chứng minh, từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp khó khăn nhưng giá BĐS không hề giảm. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có sức đề kháng tốt trước biến động của thị trường và được các nhà đầu tư quan tâm.

Chia sẻ trên báo chí, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất vay mua nhà giảm, trong khi đó nhiều chủ đầu tư lại đưa các chính sách, gói ưu đãi sản phẩm hợp lý cũng mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho cả người đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu sở hữu nhà ở.

Dưới góc độ tài chính, các chuyên gia tư vấn phân tích, thị trường khó khăn chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3-5 năm chứ không kỳ vọng “nhảy sóng” tức thì.

Khi thị trường khó khăn lại giúp các nhà đầu tư dài hạn có thể thâu tóm được những sản phẩm BĐS có giá trị mà không phải cạnh tranh quá nhiều. Khả năng về vốn tốt giúp các nhà đầu tư dài hạn không cần sử dụng tới đòn bẩy tài chính và đây chính là thuận lợi lớn nhất của nhóm này.

Dù BĐS đang được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan của NĐT trong giai đoạn khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng, NĐT không nên nuôi kỳ vọng sinh lời cao trong ngắn hạn mà cần xác định mục tiêu đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn. Hiện BĐS không còn là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận như trước mà giống các ngành khác chỉ duy trì mức lợi nhuận vừa phải. Do đó, các BĐS cũng cần thận trọng hơn khi đổ tiền vào thị trường này.

Chỉ ra 2 kịch bản của thị trường BĐS năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều NĐT có tâm lý bất an, họ có xu hướng trữ tiền mặt, co cụm để phòng thủ vì lo ngại. Ở góc độ khác, thị trường BĐS vẫn phát triển tốt, chỉ là đang chịu tác động từ những yếu tố khách quan bên ngoài như pháp lý, thủ tục, dịch bệnh. Nếu giải quyết tốt vấn đề bên ngoài, thị trường sẽ lại tăng trưởng trở lại.

Kịch bản thứ nhất: Theo ông Đính, quý 1 và quý 2/2021, tâm lý tiền mặt là vua vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường. Đây sẽ là giai đoạn đầy thách thức vì thị trường BĐS nhiều khả năng chưa thể gỡ được thế khó ngay lập tức do giao dịch chậm, lực cầu yếu. 

Phải chờ đến giữa hoặc hết quý 1/2021, dịch được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam không còn ca bệnh nào thì thị trường sẽ biến chuyển tích cực hơn. Giá BĐS sẽ không giảm mà chỉ đi ngang. Khi dịch được kiểm soát, giá BĐS vẫn tăng. Loại hình BĐS nghỉ dưỡng, các BĐS cho thuê bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng sẽ khôi phục sớm nhất sau khi dịch được kiểm soát.

Kịch bản thứ hai: Nếu đại dịch kéo dài đến tận tháng 6 mới được kiểm soát, thì mọi khó khăn cho thị trường BĐS sẽ chồng chất. Cụ thể, đối với thị trường nhà ở, giá bán nhà chung cư trên thị trường sơ cấp dự kiến giảm trung bình 5% so với năm trước, tiêu thụ căn hộ cũng lao dốc. Đối với thị trường BĐS thương mại cho thuê, việc dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất hoạt động thấp, khả năng lấp đầy giảm, giá thuê đi xuống. BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “ngủ đông” như thời điểm đầu năm 2020.

Tin liên quan