Khách sạn nghìn tỷ Sheraton Danang bất ngờ đổi chủ

Ngay sau khi tạo tiếng vang lớn với việc được chọn là nơi tổ chức lễ đón chính thức các lãnh đạo APEC thì Sheraton Danang lại có những thay đổi lớn về nhân sự cấp cao.

Thay đổi lớn về nhân sự

CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương – chủ đầu tư dự án khách sạn Sheraton Danang Resort đã thay đổi nhiều nhân sự lãnh đạo cấp cao sau khi quỹ thuộc VinaCapital bán 98% cổ phần công ty này cho CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An có trụ sở chính tại TP HCM.

Cụ thể, ông Christophe Jean Francois Lajus, người Pháp được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay thế ông Nguyễn Quốc Trị. Ông Nguyễn Quốc Trị chính là Giám đốc đầu tư của VinaCapital. Được biết, ông Christophe Jean Francois Lajus sinh năm 1959, mang quốc tịch Pháp nhưng địa chỉ thường trú tại Thái Lan.

HĐQT công ty cũng miễn nhiệm với ông Chong Jin Fatt khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Đông Phương và bầu ông Đào Nguyên Đặng thay thế. Ông Chong Jin Fatt chính là Giám đốc tại Vietnam Property Limited, chủ cũ của Đông Phương. Ngoài ra, bà Vũ Thị Quỳnh Trang cũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc.

Ai là người thâu tóm?

Một nhân vật không thể không nhắc đến thương vụ mang tên Sheraton Đà Nẵng là bà Nguyễn Thị Nga – người từng được Forbes đánh giá là nữ doanh nhân quyền lực châu Á; bà Nga là Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank. Được coi là doanh nhân nữ đầy quyền lực trên thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản, bà Nga là một trong những doanh nhân trong nước tiên phong thâu tóm dự án của các nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án Sân golf 18 lỗ Danang Golf Club do VinaCapital làm chủ đầu tư là một ví dụ. Thương vụ thâu tóm này được BRG được thực hiện vào đầu năm 2016 với giá không được tiết lộ. Sau khi mua xong, Tập đoàn BRG do BRG chính thức công bố đổi tên sân golf Danang Golf Club thành BRG Danang Golf Resort.

Sân golf 18 hố này thuộc quần thể Danang Beach Resort do VinaCapital làm chủ đầu tư và đã được chuyển nhượng lại cho BRG. Ngay sau khi thâu tóm, BRG đã công bố kế hoạch hợp tác với công ty thiết kế sân golf Nicklaus Design trong việc phát triển thêm sân gôn 18 hố thứ hai tại BRG Danang Golf Resort, nâng vị thế của sân golf này trở thành một sân golf đẳng cấp thế giới tại khu vực trọng điểm du lịch của miền Trung.  

Khi đó, một nguồn tin cho biết, ngoài sân golf này, BRG cũng đã mua lại dự án khách sạn Sheraton cũng nằm trong quần thể khu nghỉ dưỡng này.

Khách sạn nghìn tỷ Sheraton Danang bất ngờ đổi chủ 1

Tập đoàn BRG và Tập đoàn Marriott International công bố hợp tác về dự án khách sạn Sheraton Đà Nẵng

Và những gì diễn ra trên thực tế đã xác nhận điều này khi vào ngày 5/5/2017, BRG và Tập đoàn Marriott International đã công bố hợp tác về dự án khách sạn Sheraton Đà Nẵng.

Theo thông tin được công bố tại lễ ký kết, Sheraton Đà Nẵng gồm 258 phòng và 45 biệt thự cao cấp thấp tầng có khuôn viên từ 600 – 950 m2/ căn và các công trình phụ trợ như bể bơi, nhà hàng, quầy bar, câu lạc bộ, mang đến cho du khách chất lượng phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Và như đã nói ở trên, đây  là một trong những công trình trọng điểm phục vụ sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 khi được chọn là nơi tổ chức lễ đón chính thức các lãnh đạo APEC

Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch tập đoàn BRG, cho biết: “Là địa điểm được chọn để tiếp đón các đoàn đại biểu Tuần lễ cấp cao APEC có thể nói là một sự khởi đầu may mắn và đầy vinh dự đối với khách sạn Sheraton Đà Nẵng cũng như cho mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn BRG chúng tôi và Tập đoàn Marriott International”.

Bình thường hay bất thường?

Nhận định về những xu hướng đang diễn ra trên thị trường khách sạn tại Việt Nam, trong một báo cáo mới đây, CBRE Việt Nam cho rằng hoạt động đầu tư tại các thành phố lớn và các địa điểm nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo CBRE, các nhà đầu tư nội địa tiếp tục cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với việc đầu tư phân khúc khách sạn. Một vài nhóm đang tìm kiếm cơ hội mua đất dự án và mua toàn bộ một bất động sản đang hoạt động, trong khi cũng có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội liên doanh với đối tác nước ngoài.

Nhận định về xu hướng này, hầu hết giới phân tích đều cho rằng nguyên nhân của những thương vụ “đổi chủ” khách sạn là do tiềm năng phát triển của thị trường vẫn rất rộng mở.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch, một chuyên gia cho biết dự kiến năm 2017 Việt Nam sẽ tăng thêm 15% lượng khách du lịch quốc tế lên 11,5 triệu và ngành du lịch sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng, mới đây Chính phủ đã miễn thị thực cho du khách tại nhiều quốc gia. Nhờ đó lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng nhanh. Mục tiêu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 đã được sửa đổi lên đến 20 triệu khách du lịch với 30 tỷ USD doanh thu và tạo ra 3,5 triệu việc làm trong ngành du lịch, tăng mạnh so với mục tiêu ban đầu 10 triệu khách.

“Sự tăng trưởng ấn tượng về số khách du lịch đến Việt Nam sẽ thúc đẩy các chiến lược quan trọng và tăng đầu tư vào phát triển sản phẩm du lịch để tận dụng cơ hội này thông qua việc đầu tư mới hay thực hiện các thương vụ M&A cũng là lẽ thường tình. Bởi “miếng ngon” ai mà không muốn có phần”, một chuyên gia nhận xét.

THU GIANG

Tin liên quan