Hà Nội “hồi tố” quyết định giao đất gây bất lợi cho doanh nghiệp

Việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất cho Cienco 5 Land quản lý, thực hiện dự án là đúng quy định của pháp luật về quản lý và thực hiện dự án BT. Hình ảnh khu vực dự án Khu đô thị Thanh Hà: Nguyễn Giang/DĐDN

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco 5 mới đây của UBND Thành phố Hà Nội từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, khiến địa vị pháp lý thay đổi, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Cienco 5 Land. Đáng nói, hàng vạn người dân sinh sống tại đây đang vô cùng hoang mang bởi “mệnh lệnh” hành chính này của chính quyền Thành phố.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Trung Kiên – Tổng giám đốc Cienco 5 Land chia sẻ, năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Cienco 5 Land.

Theo Hợp đồng này, Cienco 5 Land tự thu xếp nguồn vốn tổ chức xây dựng và hoàn thành tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 41,5km. Để hoàn vốn của dự án đường trục phía Nam, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho bên B thực hiện dự án khác, gồm 3 dự án bất động sản là dự án khu đô thị Thanh Hà A – Cienco 5, dự án khu đô thị Thanh Hà B-Cienco 5 và dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5.

Ông Kiên cho biết, căn cứ Hợp đồng BT, ngày 30/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành các Quyết định thu hồi đất và giao cho Cienco 5 Land để thực hiện dự án hoàn vốn của dự án đầu tư (bao gồm Quyết định số 3128/QĐ-UBND thu hồi 182ha đất để thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng; Quyết định 3129/QĐ- UBND thu hồi 279ha đất trên địa bàn huyện Thanh Oai để thực hiện dự án khu đô thị Thanh Hà A và dự án khu đô thị Thanh Hà B; Quyết định 3130/QĐ-UBND thu hồi 108ha để thực hiện dự án khu đô thị Thanh Hà A và dự án khu đô thị Thanh Hà B).

Theo đó, Điều 5.11 trong Hợp đồng BT số 02/HĐBT ngày 18/4/2008 giữa Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tây với Tổng Công ty công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 có nêu rõ: “Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần phát triển Địa ốc Cienco 5 có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng BT; chịu trách nhiệm trước Nhà đầu tư (Tổng Công ty công trình giao thông 5) và liên đới cùng Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và pháp luật về việc thực hiện dự án”, ông Kiên cho biết.

hihi

Cienco 5 Land cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B-Cienco 5.

Trao đổi về vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, căn cứ theo Luật Đầu tư và Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ và Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT đã quy định rõ, để đầu tư dự án BT, Nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp dự án hoặc đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh đối với Nhà đầu tư đã có pháp nhân để thực hiện dự án. Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ tại Điều 32 về việc quản lý, kinh doanh dự án BT và các dự án hoàn vốn.

Theo đó, doanh nghiệp dự án được nhà đầu tư thành lập là pháp nhân trực tiếp quản lý, kinh doanh công trình và các dự án khác. Như vậy, việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất cho Cienco 5 Land quản lý, thực hiện dự án đường trục phía tây và các dự án hoàn vốn là đúng quy định của pháp luật về quản lý và thực hiện dự án BT”, Luật sư Hiệp nhận định.

Đặc biệt, theo quy định tại khoản 1, Điều 87 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 quy định về việc giao đất để thực hiện dự án BOT, BTO và BT nêu rõ: Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng – chuyển giao; nhà đầu tư không phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng công trình theo dự án được xét duyệt và có trách nhiệm bảo toàn diện tích được giao quản lý, sử dụng theo đúng mục đích đã ghi trong dự án.

Cần chú ý rằngthuật ngữ “nhà đầu tư” được sử dụng để chỉ tất cả những người bỏ vốn đầu tư kinh doanh và thu lợi nhuận, bao gốm cả pháp nhân và cá nhân. Do vậy, quy định tại Điều 87, Nghị định này thì Nhà nước giao đất cho “ nhà đầu tư” để thực hiện dự án BT không phân biệt đó là tư cách nhà đầu tư hay tư cách pháp nhân quản lý dự án (pháp nhân do nhà đầu tư lập nên) mà quy định này do luật chuyên ngành điều chỉnh” – Giám đốc Công ty Luật HPVN phân tích.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định của pháp luật về hợp đồng BOT, BT và BTO thì “nhà đầu tư” phải được hiểu là một bên trong hợp đồng BT, BTO, BOT bao gồm cả doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập, bỏ vốn thực hiện dự án đầu tư. Theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP thì nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua “doanh nghiệp dự án”.

Do đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là một bên của hợp đồng BT. Khi quản lý, thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện toàn bộ vai trò của mình thông qua pháp nhân doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án, điều này càng đúng đối với nhà đầu tư cá nhân hoặc nhóm cá nhân. Bởi vậy, Nhà nước giao đất cho “nhà đầu tư” là phải giao đất cho pháp nhân (doanh nghiệp) được thành lập để quản lý, thực hiện dự án theo quy định.

Có thể nói, việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất cho Cienco 5 Land thực hiện dự án là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Do đó, Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất mới đây của UBND Thành phố Hà Nội còn rất nhiều khía cạnh cần thiết phải xem xét lại”, Luật sư Hiệp nói.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

NGUYỄN GIANG

Tin liên quan