Giao thông tuần qua: Cử tri lo cao tốc Bắc-Nam đội vốn, ĐBSCL sắp đón 38 dự án giao thông

Mở một số đường bay thương mại quốc tế trong tháng 9

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ vào ngày 11/9 về phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 9 ngày qua, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng; số người chữa khỏi tăng lên hằng ngày, như vậy tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia đã được kiểm soát tốt.

Trạng thái bình thường mới được thiết lập, Thủ tướng nêu rõ và đề nghị đề cao cảnh giác, đặc biệt là ngành y tế, các bệnh viện. 

Về vấn đề trong tháng 9 mở một số đường bay thương mại, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan; phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư;

Bên cạnh đó, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn; các địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại giao thương, không ngăn sông cấm chợ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế.

Trong đó bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa cho các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp, các hướng dẫn khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho ngươi được nhập cảnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng tần suất các chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam. (Xem thêm)

Đồng bằng sông Cửu Long: Chuẩn bị đầu tư mới 38 dự án giao thông, tổng vốn hơn 116.700 tỷ

Bộ GTVT cho biết trong những năm qua, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng giao thông của vùng thấp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông ngòi, địa chất phức tạp nên trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội.

Để tháo gỡ được những điểm nghẽn, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội ưu tiên nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng.

Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, Bộ GTVT đề nghị các địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông do trung ương đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực.

Riêng đối với tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực hoàn thiện các thủ tục theo quy định để có thể khởi công cuối năm 2020, cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2022.

Ngoài ra, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 38 dự án đối với 4 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) với tổng mức đầu tư khoảng 116.784 tỷ đồng, nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 là 97.339 tỷ đồng, trong đó riêng đối với lĩnh vực hàng hải, đường thủy được nghiên cứu 9 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 12.832 tỷ đồng.

Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện. (Xem thêm)

Cử tri lo ngại dự án cao tốc Bắc – Nam vào tay nhà thầu không có năng lực

Trong bản kiến nghị gửi Bộ GTVT, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến lo ngại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam rơi vào tay nhà thầu không có năng lực, uy tín, dẫn đến đội vốn và kéo dài thời gian thi công.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT khẳng định luôn xác định năng lực, kinh nghiệm, uy tín của các nhà thầu xây lắp, tư vấn… bởi điều này có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, chất lượng các công trình giao thông.

“Thời gian qua, Bộ GTVT đã ban hành các chỉ thị và văn bản chỉ đạo, quán triệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về đấu thầu, quản lý dự án đầu tư xây dựng… để lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính lành mạnh thi công các dự án công trình giao thông”, Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo Bộ GTVT, với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc trên tuyến Bắc – Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công, gồm đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT đã lựa chọn xong nhà thầu và đang triển khai thi công đáp ứng tiến độ, chất lượng theo quy định của hợp đồng.

Với 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, hiện Bộ đang được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong nước và dự kiến khởi công các dự án vào cuối tháng 9/2020. 

Bộ GTVT khẳng đinh việc lựa chọn được các nhà thầu có năng lực thi công, uy tín triển khai dự án là một trong các yếu tố quyết định thành công của dự án, do đó luôn quán triệt và chỉ đạo ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát cập nhật, nghiên cứu các quy định pháp lý có liên quan để kịp thời xây dựng và ban hành các quy định trong công tác điều hành, quản lý dự án; hồ sơ mời thầu quy định chặt chẽ về năng lực, kinh nghiệm, tài chính.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã cụ thể hóa các điều khoản trong hợp đồng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, về xử lý vi phạm tiến độ, chất lượng và thưởng, phạt hợp đồng làm cơ sở kiểm tra, giám sát, quản lý hợp đồng; công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, đồng thời tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm các tồn tại, hạn chế.

Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ GTVT cho biết đã tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán theo quy định làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo quy định pháp luật, việc lựa chọn nhà thầu đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan tham mưu căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu (nếu có), chất lượng, tiến độ của nhà đầu tư theo quy định trong quá trình triển khai dự án. 

“Các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông được tổ chức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc quản lý hợp đồng, xử lý vi phạm về chất lượng, tiến độ (nếu có) sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định của nhà tài trợ nước ngoài”, Bộ GTVT khẳng định.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết sẽ chủ động thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. (Xem thêm)

Bình Định xin Trung ương hỗ trợ gần 7.600 tỷ hoàn thiện tuyến đường ven biển

UBND tỉnh Bình Định vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dự án đường ven biển đi qua tỉnh.

Theo quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam tại Quyết định số 129 ngày 18/1/2010, đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 117,96km, được chia thành các đoạn tuyến để đầu tư theo từng giai đoạn.

Hiện nay, 4 đoạn tuyến (Cát Tiến – Đề Gi, Đề Gi – Mỹ Thành, Lại Giang – Thiện Chánh và đoạn đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân) đã được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần, kết hợp với ngân sách tỉnh triển khai đầu tư.

5 đoạn tuyến còn lại (Quốc lộ 1D – Quốc lộ 19, Diêm Vân – Gò Bồi, Cát Tiến – Gò Bồi, Mỹ Thành – Lại Giang và Thiện Chánh – Tam Quan) đang được tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để đề xuất trung ương hỗ trợ từ vốn ngân sách trung ương, vốn đầu tư nước ngoài và ngân sách tỉnh.

Bình Định đã bố trí vốn để triển khai 4 đoạn tuyến là 921 tỷ đồng (ngân sách địa phương 237 tỷ đồng và ngân sách trung ương hỗ trợ 684 tỷ đồng).

UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách trung ương hoặc vốn đầu tư nước ngoài 7.593 tỷ đồng để hoàn thiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đẩy nhanh tiến độ 4 đoạn tuyến đã triển khai thi công là 1.970 tỷ đồng và triển khai xây dựng 5 đoạn tuyến còn lại là 5.623 tỷ đồng. (Xem thêm)

Cần 800-900 tỷ đồng để chuyển sang hệ thống thu phí tự động cho các dự án của VEC

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa chủ trì cuộc họp về đôn đốc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết để thực hiện thu phí không dừng tại các dự án của VEC, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch thu phí không dừng.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện không đáp ứng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ các tồn tại vướng mắc.

Theo tính toán sơ bộ của VEC, để đầu tư và chuyển đổi toàn bộ hệ thống thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng đồng bộ cho tất cả các dự án (tổng số còn 395 làn), cần nguồn vốn đầu tư khoảng từ 800-900 tỷ đồng.

Ngoài các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn nêu trên, còn có vướng mắc trong quá trình tổ chức điều hành thực hiện, như việc đầu tư thu phí tự động không dừng là hình thức mới, phức tạp cả về công nghệ và thủ tục pháp lý trong khi các chủ thể tham gia thực hiện, quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt đối với các dự án có tính chất đặc thù như của VEC.

Được biết, hiện VEC đang quản lý 5 dự án cao tốc. Các dự án này không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mà được hợp vốn từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước (Chính phủ vay ODA và cấp phát, vốn đối ứng), vốn do VEC vay lại cộng với vốn chủ sở hữu.

Trong đó, VEC đang tổ chức vận hành, khai thác và thu phí 4 dự án, còn lại dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đang thi công.

Kết luận tại buổi họp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định việc áp dụng thu phí thủ công đã ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây ùn tắc tại các trạm thu phí, chưa công khai và minh bạch nguồn thu phí này với nhân dân. (Xem thêm)

Tin liên quan