[Doanh nghiệp địa ốc bắt “trend” Smart city]: Sớm chuẩn hóa khái niệm

Được xem là xu thế tất yếu của thời đại 4.0 nhưng Smart city hay dự án thông minh được đánh giá là cuộc chơi dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc cả về tài chính lẫn quản trị.

[Doanh nghiệp địa ốc bắt “trend” Smart city]: Sớm chuẩn hóa khái niệm 1

Dự án thông minh đang được nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam đặc biệt quan tâm (Ảnh: Dự án Saigon Intela)

Ở góc độ một chủ đầu tư đã có định hướng rất sớm về việc phát triển các dự án xanh, thông minh, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings cho rằng dự án sẽ có được nhiều khách hàng quan tâm do sự khác biệt và mới lạ.

Sớm chuẩn hóa khái niệm

Theo ông Tuấn, khách hàng ngày nay rất coi trọng đến sức khỏe, an ninh và sự tiện lợi trong cuộc sống. Nếu dự án được triển khai một cách bài bản thì tính thanh khoản và giá sẽ cao hơn các dự án thông thường. Đặc biệt, dự án còn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ các đối tác nước ngoài trong quá trình triển khai.

Lấy dẫn chứng từ dự án dự án The Zei do doanh nghiệp ông triển khai tại Mỹ Đình, HD Mon Holdings đã nhận được sự đồng hành của nhiều đơn vị phát triển bất động sản uy tín quốc tế như: Tư vấn chiến lược: Indochina Capital (Mỹ), quản lý dự án: Artelia Group (Pháp), thiết kế cảnh quan: West Green (Canada)…

Về căn hộ, khách hàng có thể kiểm soát được các chỉ số về khói, bụi, độ ẩm, nhiệt độ trong phòng. Trong việc phòng cháy, tại dự án có thể xác định chính xác vị trí cháy và sẽ có giải pháp để xử lý một cách nhanh chóng.

“Trước ngày mở bán, dự án The Zei không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong nước mà còn có rất đông khách nước ngoài. Sau ngày mở bán, dự án đã không còn “room” cho người nước ngoài mua mặc dù số lượng quan tâm còn rất lớn” – đơn vị mở bán dự án tiết lộ.

Ông Tuấn cũng thừa nhận, bên cạnh những lợi thế khá hấp dẫn có thể nhận được thì trong thực tế khi theo đuổi phương án phát triển dự án thông minh các chủ đầu tư cũng phải đối mặt và vượt qua không ít thách thức. Trong đó, chi phí đầu tư và vận hành lớn cũng như việc triển khai dự án cũng không đơn giản, yêu cầu sự chuyên nghiệp của nhân sự và quản trị.

Để hướng tới nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh thì việc khuyến khích phát triển các dự án tòa nhà/khu đô thị thông minh là một chiến lược được xem là tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” khi những chủ đầu tư thực sự đầu tư vào hạ tầng và thiết bị thông minh thì cũng có những dự án “ăn theo” chỉ gắn yếu tố thông minh để đánh bóng dự án.

Một báo cáo của CBRE cho thấy sự xuất hiện của căn hộ thông minh tại Việt Nam đến từ sức ép của người tiêu dùng, đòi hỏi các dự án căn hộ phải theo kịp xu hướng thế giới nếu muốn gia tăng giá trị trong dài hạn.

Nguyên nhân bởi nguồn cung nhà ở ngày càng dồi dào và giá trung bình căn hộ bán đã tăng khá cao, các chủ đầu tư nếu muốn đạt mức giá cao hơn cho sản phẩm của mình thì phải tìm cách gia tăng những điểm khác biệt cho dự án.

Cùng quan điểm, Tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) chỉ rõ, công nghệ nhà thông minh ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khá sơ khai, căn hộ đúng chuẩn smarthome không nhiều, với khoảng 5 dự án đang được chào bán giới thiệu mô hình công nghệ thông minh.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng cần sớm chuẩn hóa, quy định rõ khái niệm thế nào là một tòa nhà/dự án thông minh hay xanh.

Theo ông Thanh, nên áp dụng quy chuẩn đó vào công tác nghiệm thu công trình và các cơ quan chức năng sẽ đánh giá, cấp giấy chứng nhận về mức độ thông minh hay xanh của dự án để người dân có căn cứ đánh giá. “Việc này cũng có thể tham khảo từ công tác xếp hạng sao cho khách sạn hiện nay” – ông Thanh cho biết.

Cần đòn bẩy từ chính sách

Là doanh nghiệp trực tiếp triển khai dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HD Mon nhấn mạnh để có thể khuyến khích sự phát triển các dự án đô thị xanh và thông minh, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ thông thoáng về pháp lý cũng như những ưu đãi để doanh nghiệp yên tâm triển khai.

Đặc biệt, hiện nay phần lớn các công trình, khu nhà đạt tiêu chí xanh và thông minh thuộc phân khúc nhà ở thương mại tiêu chuẩn cao cấp, biệt thự cho những gia đình có thu nhập cao. Ông Tuấn đề xuất nhà nước cần sớm có chính sách vận động và hỗ trợ phát triển dự án xanh, thông minh một cách rộng rãi tới các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại các đô thị.

“Các chính sách có thể tính đến như hỗ trợ về thuế cũng như ưu đãi trong việc vốn vay thì chắc chắn các chủ đầu tư rất chú trọng và quan tâm đến mô hình này” – ông Tuấn khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Nhỏ – Phó Tổng giám đốc Sunshine Group đưa ra 3 kiến nghị góp phần xây dựng bộ mặt hoàn toàn mới cho đô thị thông minh Việt Nam trong kỷ nguyên số công nghệ 4.0 gồm:

Thứ nhất, Chính phủ sớm ban hành các quy định hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp bất động sản áp dụng công nghệ 4.0 trong việc phát triển các dự án bất động sản để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp xu hướng dự án thông minh, thành phố thông minh trên thế giới.

Thứ hai, Bộ Xây dựng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các dự án bất động sản từ đó kết nối với Chính phủ điện tử. Điều này giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu các cơ hội đầu tư. Đặc biệt, với bộ cơ sở dữ liệu cho các dự án bất động sản, các cơ quan quản lý sẽ quản lý minh bạch chống đầu cơ, thổi giá trên thị trường.

Thứ ba, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, số lượng người nước ngoài mua sản phẩm bất động sản ở Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng, cùng với việc kiểm soát người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Chính phủ cũng cần có những chính sách để thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

“Giải pháp là điều chỉnh tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại một dự án không nhất thiết phải dưới 30%, và kiểm soát theo từng khu vực cụ thể” – ông Lê Nhỏ đề xuất.

LÊ SÁNG

 

Tin liên quan