Một trong số các nguyên nhân dẫn đến giá đất tăng trong năm qua là bởi tình trạng đầu cơ, thổi giá của giới đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều khu vực được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, có nhiều dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng cũng đã tác động đến giá nhà đất trong khu vực.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng tại báo cáo thị trường 2020 được công bố gần đây, cho thấy mức giá bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện trong năm 2020 chỉ khoảng 3-5%.
Nhưng tại một số địa phương, khu vực theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường lại có biên độ tăng giá cao hơn rất nhiều mức bình quân, xảy ra cục bộ ở một số dự án BĐS được đầu tư bài bản, đồng bộ về mặt hạ tầng; thậm chí có nơi giá đất tăng 50% so với năm 2019. Nhiều khu vực “nóng” cục bộ, giá đất tăng gấp đôi so với cách đây 1 năm.
Dưới đây là một số nơi được ghi nhận có mức giá nhà đất tăng cao nhất trong năm vừa qua:
Khu vực các quận/huyện Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên thuộc Hà Nội có mức tăng trung bình khoảng 20-30% so với 2019.
Ghi nhận thực tế thị trường từ một số đơn vị môi giới bất động sản cho thấy, giá đất ở một số khu vực trung tâm huyện Gia Lâm hiện tăng khá cao so với năm ngoái, thậm chí có khu vực trung tâm đô thị mới gần xung quanh dự án Vinhomes Ocean Park có giá dao động từ 60-100 triệu đồng/m2 tại các trục đường lớn; Khu vực đất đấu giá dao động từ 20-40 triệu đồng/m2 tùy vị trí, khu vực.
Khu vực phía Tây như Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Sơn Tây thuộc Hà Nội mức giá đất tăng khoảng 50% so với 2019. Mức trung bình khoảng 25-30 triệu đồng/m2.
Ghi nhận thực tế cho thấy giá đất dự án đô thị, đất thổ cư ở khu vực một số quận huyện vùng ven phía Tây Thủ đô những tháng gần đây cũng đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn khu vực Hoài Đức giá nhà đất trong các dự án đô thị có nơi tăng 50-60% so với năm ngoái, thậm chí trục đường lớn như Lê Trọng Tấn giá nhà đất đạt ngưỡng trên 100 triệu đồng/m2, một số trục đường lớn khu vực này như đường 3,5, đường nối Lê Trọng Tấn với Nam An Khánh dao động từ 50-60 triệu đồng/m2; Khu vực Hòa Lạc giá đất dao động từ 12-20 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ sau thông tin thành phố sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này cũng liên tục tăng nhiều đợt.
Đơn cử như trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam,… quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2; tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70-90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.
Khu vực Long Thành, Nam Biên Hòa thuộc Đồng Nai cũng đang là khu vực “nóng” của thị trường BĐS khi có hàng loạt dự án lớn, dự án giao thông trọng điểm đang triển khai cũng ghi nhận giá đất tăng mạnh kể từ 2019 đến nay. Đơn cử như khu Long Thành năm 2019 giá đất trung bình khoảng 12-14 triệu đồng/m2 nay tăng lên trên 22 triệu đồng/m2, đáng chú ý ở thị trấn Long Thành có nơi giá đất tăng phi mã lên 100 triệu đồng/m2.
Còn tại Cần Thơ, các dự án gần trung tâm thành phố, gần đường lớn có mức giá bình quân từ 40-60 triệu đồng/m2; dự án nằm tiếp giáp đường nhỏ có mức giá từ 20-30 triệu đồng/m2 – mức giá này tăng khoảng 7% so với năm 2019.
Bên cạnh các nguyên nhân về đầu tư hạ tầng, thì một trong những nguyên nhân đáng chú ý khác khiến giá đất tăng cao ở những khu vực này theo Bộ Xây dựng là bởi yếu tố đầu cơ. Lợi dụng các thông tin về quy hoạch đô thị, xây dựng công trình hạ tầng, thông tin lên quận, mở rộng đô thị…giới đầu cơ đã “thổi giá” đất nhằm thu lợi, gây bất ổn cho thị trường.
“Cùng với sự tăng giá do có sự đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để ‘thổi giá’ nhằm thu lợi bất chính,” báo cáo của Bộ Xây dựng ghi nhận.
Còn theo báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, năm 2020 thị trường bất động sản nóng lên, sốt đất bùng phát ở một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận. “Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau”, VARs chỉ rõ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính Savills Hà Nội, cho rằng không ít các dự án đang dần phát triển tại các khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận, với cơ sở hạ tầng tốt hơn, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư với đất nền. Do đó, khi thị trường đất nền ghi nhận có nhiều mức giá. Vì thế, nhà đầu tư cần có khả năng so sánh, định giá và đánh giá đúng giá trị của lô đất nền trước khi “xuống tiền” đầu tư.