Cùng nhìn lại các dự án BT hạ tầng tại Hà Nội

Thời gian gần đây, hàng loạt dự án BT (xây dựng – chuyển giao) với hàng trăm ha đất nội đô trên địa bàn TP. Hà Nội được đổi làm đường, đã bộc lộ rõ sai phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 7/2017, Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó tập trung kiểm tra các dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, gồm: đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội. TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm từ khâu lựa chọn nhà đầu tư cho đến việc phê duyệt làm các dự án đội vốn.

Hàng loạt dự án sai phạm

Trong số hàng loạt dự án được thanh kiểm tra, điển hình phải kể đến các dự án sau:

Tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông – Hà Nội với chiều dài hơn 5km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường xây dựng, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 197ha để nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng là Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội).

Với việc tham gia dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, tập đoàn Nam Cường tiếp tục làm giàu quỹ đất với diện tích 46,1ha (tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Khu đất này được Nam Cường phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang với các chức năng chính như Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp.

Cùng nhìn lại các dự án BT hạ tầng tại Hà Nội 1

Dự án tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An

Năm 2014, dự án tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư theo hình thức BT. Dự án gồm phần tuyến đường (bao gồm tuyến số 1, tuyến số 5) và nút giao tuyến số 1 & đường 70 với tổng mức đầu tư dự án là 1.475 tỷ đồng. Đổi lại, khoản vốn này, Bitexco được UBND TP. Hà Nội thanh toán khu đất phía nam đường vành đai 3 (thuộc phường Đại Kim – quận Hoàng Mai và phường Thanh Liệt – huyện Thanh Trì). Đây là khu đất rộng khoảng 90ha. Nếu tính cả hồ nước xung quanh có thể lên đến gần 200ha.

Tại quận Hoàng Mai, Công ty Gamuda Land Việt Nam xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở (tổng số vốn khoảng 1,1 tỷ USD). Đổi lại, Gamuda Land được nhận khu đất gần 500 ha ngay cạnh công viên. Hiện tại khu đất đã được hình thành khu đô thị Gamuda City.

Sau khi nhận đất, Gamuda rót 5 tỷ USD đầu tư khu đô thị Gamuda City với nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại… Đáng chú ý, khu đô thị trên lại được thừa hưởng tiện ích là chính công viên mới xây dựng và hồ Yên Sở sau khi nạo vét.

Tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên với tổng vốn đầu tư 1.373 tỷ đồng. Tuyến đường dài hơn 1,6km, mặt cắt 40-47,5m, được thực hiện từ quý IV/2017 đến quý II/2019. Hà Nội giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản) đầu tư và thanh toán bằng gần 60ha đất tại nhiều vị trí đắc địa tại quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai với tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng, theo hình thức BT với nhà đầu tư dự kiến được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư Louis Group (Louis Group). Được biết, do tính cấp thiết của việc đầu tư Dự án và kế thừa từ việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư Dự án từ 7 – 8 năm trước, nên UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để triển khai thực hiện

Gần đây nhất, dự án đường dài 2,85km, mặt cắt 30m từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 vừa được UBND TP Hà Nội đồng ý triển khai. Số vốn đầu tư dự kiến là 1.404 tỷ đồng. Chủ đầu tư là liên danh Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, buôn bán máy móc, thiết bị y tế) và Công ty CP Phát triển nhân lực LOD (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, thương mại, du lịch, bất động sản, phát triển nguồn nhân lực). Dự án thực hiện trong giai đoạn 2018-2020. Chủ đầu tư được thanh toán bằng 39,8ha đất tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Ngoài các dự án trên, trong nhiều năm qua toàn TP. Hà Nội có khoảng 70 dự án BT đã ký hợp đồng. Các dự án này hầu hết đều là chỉ định thầu. Rất nhiều dự án đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.

Gây thất thoát ngân sách Nhà nước

Được biết, tại Kết luận của TTCP đã chỉ rõ, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc không tuân thủ quy định dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Kết luận thanh tra nêu nhiều nhà đầu tư được lựa chọn “có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo.

Cũng theo Báo cáo kiểm toán Nhà nước năm 2016, kết quả kiểm toán năm 2017 tại 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) đã lộ ra hàng loạt sai phạm.

Báo cáo Kiểm toán chỉ rõ, hầu hết dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Tại TP. Hà Nội, 5/5 dự án BT được kiểm toán là chỉ định thầu. Tại TP. Đà Nẵng là 3/4 dự án. Tại Bắc Ninh và Hà Nam là 2/2 dự án…

Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách.

Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Việc thanh toán trước trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn VAT do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế VAT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách“, báo cáo nêu.

Chưa kể, vốn đầu tư các dự án BT chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

Cơ quan kiểm toán cho rằng điều này cho thấy việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách.

                                                                                                                                                                                                             Hồng Hương

Tin liên quan