Báo cáo tổng hợp kinh tế châu Á 2019/2020 của ADB chỉ ra rằng, già hóa dân số chính là lực cản tăng trưởng kinh tế. Vậy, xung lực nào sẽ phá vỡ trở lực này?
Công nghệ không phải “cây đũa thần”
Thay đổi tính chất nhân khẩu học là bài toán phổ biến ở mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị. Nắm được xu hướng tất yếu này, nhiều chính phủ đã tận dụng hết công suất của thời kỳ dân số trẻ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ để tạo nội lực cho đất nước.
Theo ADB, nếu các chính phủ áp dụng những chính sách công nghệ phù hợp thì có thể thúc đẩy năng suất của các nền kinh tế đang già hóa, lúc đó dân số già hóa có thể là một lợi ích đối với các nền kinh tế.
Tuy nhiên, Nhật Bản hiện nay mặc dù công nghệ phát triển hàng đầu thế giới nhưng vẫn loay hoay với tình trạng già hóa dân số, kinh tế tăng trưởng ì ạch, các mảnh vỡ của xã hội công nghiệp cao độ ngày một rõ rệt hơn. Liệu công nghệ có đủ sức giúp Nhật Bản trở lại thời kỳ vàng son?
Khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất chủ đạo từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, trong tương lai vẫn như thế. Logic mà báo cáo của ADB là công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc có thể biến dân số già hóa thành lợi thế…
Đi sâu vào tính ưu việt công nghệ, có thể giảm chi phí sức lao động, giảm nhân công trong nhà máy, tăng năng suất, thậm chí ở Nhật Bản hiện nay đã xuất hiện thiết bị thông minh sử dụng AI phục vụ tối đa nhu cầu con người từ nội trợ, dọn dẹp, làm vườn đến chăm sóc sức khỏe.
Không nghi ngờ gì việc công nghệ sẽ kéo dài thời gian làm việc của con người, khi đó “tuổi nghỉ hưu” là khái niệm thuộc về mặt chính sách, còn thực tế người già vẫn tham gia vào chuỗi lợi ích toàn cầu.
Những quốc gia có tỉ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn cung lao động thấp đối với công việc thường nhật.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà báo cáo của ADB chưa đề cập đến, đó là khi dân số già hóa, ai mới là chủ thể sáng tạo ra công nghệ? Hay nói cách khác nguồn lực con người để tạo ra phát minh mới, ứng dụng cho ra đời công nghệ mới?
Trong khi đó, xu hướng sáng tạo, phát minh ngày một có xu hướng trẻ hóa, và tuổi đời công nghệ ngày một rút ngắn xuống, vài ngày thậm chí vài phút đã lạc hậu! Chưa kể, khoản phúc lợi, quỹ lương hưu ngày một phình ra khiến các chính phủ nhức đầu giải bài toán cân đối ngân sách. Ví dụ ở Pháp, Italy, Đức…
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí nổi tiếng Science Alert, con người thông minh nhất khi 20 tuổi và trước 30 tuổi là giai đoạn trí thông minh con người phát triển cao nhất.
Kể cả trong quan điểm Nho giáo, tuổi 50 là “tri thiên mệnh” tức là biết được số mệnh, cũng là lúc đa số người đạt đến thời kỳ đỉnh cao và bắt đầu xuống dốc sau tuổi này.
Việt Nam còn khoảng 20 năm!
Theo dự báo của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đặc biệt là nghịch cảnh “chưa giàu đã già”. Thời kỳ dân số “vàng” ước tính còn kéo dài đến khoảng cuối thập kỷ thứ 4 của thế kỷ này.
Khoảng 20 năm nữa cho nỗ lực thoát khỏi nước thu nhập trung bình, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, trở nên hùng cường. Đối sánh với báo cáo của ADB, Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng…an toàn!
Cố nhiên, đó là khi dân số còn đủ trẻ để làm đẹp chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ nền kinh tế gia công vốn cần nhiều lao động. Nhưng để thoát lạc hậu không còn cách nào khác phải cậy nhờ vào công nghệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ.
Giữa kinh tế và dân số học có mối quan hệ “đặc biệt” mà công nghệ đôi khi không xen vào được. Cách tốt nhất để giữ được một kết cấu dân số ổn định là tăng tỷ lệ sinh sản tự nhiên.
Trương Khắc Trà