Báo cáo Thị trường bất động sản quý III/2022 với chủ đề “Đầu tư thận trọng – Củng cố nền tảng” của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã cho thấy những dấu hiệu trầm lắng rõ rệt của thị trường bất động sản.
Theo đó, nguồn cung trên thị trường thiếu và yếu về chất, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Tổng cung 9 tháng đầu năm 2022 đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 77,9% so với 2021 và 24% so với 2018.
Đáng chú ý, tỷ lệ hấp thụ trung bình 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 43%. Riêng quý III, tỷ lệ hấp thụ đã giảm mạnh so với quý I và II, chỉ đạt 33,5%.
Về biến động giá trên thị trường, giá bất động sản trong quý III cũng đang có dấu hiệu chững lại. Tại nhiều dự án xuất hiện nhiều hình thức khuyến mại, tặng quà, chiết khấu… để thu hút khách hàng. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.
Mặc dù thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm mạnh, song ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, thị trường chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm nhu cầu vẫn ở mức cao.
Lực cầu trên thị trường hiện đang rất mạnh nhưng tỷ lệ hấp thụ không cao bởi có ít sản phẩm phù hợp với thu nhập và nhu cầu thực của người mua nhà. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.
Mặt khác, với mức giá bất động sản đã tăng quá cao như hiện nay, các nhà đầu tư cũng dè dặt hơn trong việc xuống tiền do hoài nghi về khả năng tiếp tục tăng giá trong tương lai.
Một yếu tố khác khiến thanh khoản bất động sản giảm sút là do dòng vốn vào thị trường gặp khó và lãi suất tăng cao khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định xuống tiền.
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, cân nhắc kỹ trước những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực.
Dự báo thị trường bất động sản quý IV/2022, ông Đính cho rằng, nguồn cung nhà ở nhiều khả năng sẽ tiếp tục khan hiếm, tỷ lệ hấp thụ của thị trường có thể sẽ tăng nhưng không mạnh. Đặc biệt, giá bất động sản sẽ không tăng.
Áp lực lạm phát lãi suất ngân hàng tăng mạnh, nguồn vốn vào thị trường chưa được tháo gỡ cộng với rào cản pháp lý sẽ tiếp tục là những thách thức lớn mà thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 được các tổ chức quốc tế dự báo sẽ hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022 bởi xung đột quân sự địa chính trị ở một số khu vực; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu u và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ và nguy cơ suy thoái toàn cầu;… cũng sẽ tác động đến kinh tế trong nước và thị trường bất động sản.
Mặc dù thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Đính, thời gian tới thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước sử dụng hiệu quả những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung-cầu bất động sản như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính… hoặc thu hút đầu tư.
Mặt khác, một điều đáng mừng là kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang được giữ ổn định. Nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua.
Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả khả quan nhờ Chính phủ triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó, nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị,…kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng. dịch vụ, văn phòng,… đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới. Đây là cơ hội rất lớn cho thị trường bất động sản phát triển.