Ranh giới nhạy cảm khiến số hoá bất động sản mãi ì ạch

Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý và quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin với công chúng. Ranh giới giữa khai thác dữ liệu số và quyền riêng tư của các giao dịch bất động sản chưa rõ ràng.

Ngoài các dữ liệu cá nhân cơ bản, Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân nêu rõ, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân như thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, thông tin về tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về giao dịch… Các dữ liệu này không được mua, bán dưới mọi hình thức.

Các dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu cơ bản làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử, cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, nhưng không được bán trái phép. 

Tuy nhiên, vì chưa có quy định cụ thể về khai thác, lưu trữ, công bố thông tin về thị trường bất động sản với đối tượng là doanh nghiệp, nên ranh giới giữa được phép và không được phép rất mong manh.

Dữ liệu số hoàn toàn có thể trở thành đối tượng chiếm hữu, sử dụng, trao đổi, mang lại giá trị và có thể quy đổi được thành tiền. 

Nếu dữ liệu số là tài sản, doanh nghiệp có quyền lưu trữ, sử dụng tài sản của mình vào mục đích thương mại hoặc phi thương mại và không có quyền xâm phạm đến tài sản tư hữu của người khác và tài sản công. Nhưng việc xác định dữ liệu số có phải là tài sản của doanh nghiệp khai thác, lưu trữ dữ liệu hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Ví dụ, dữ liệu về căn nhà mà anh A đang sở hữu được cung cấp cho sàn giao dịch bất động sản X để đăng bán. Như vậy, cả anh A và sàn X cùng được biết và lưu trữ dữ liệu về căn nhà của anh như một loại tài sản. 

Tuy nhiên, nếu xác định dữ liệu về căn nhà là tài sản của sàn X, thì sẽ làm sai lệch ý nghĩa của tài sản và ngầm cho phép sàn X có thể sử dụng dữ liệu đó với mục đích thương mại. 

Bởi vì anh A là người sở hữu dữ liệu về căn nhà, nên sàn X phải bị giới hạn kiểm soát dữ liệu đó. Nghĩa là, sàn X chỉ có thể lưu trữ dữ liệu đó trong thời gian nhất định với sự cho phép của anh A, và không được biến dữ liệu đó thành tài sản tư hữu. 

Trong khâu lưu trữ dữ liệu số, doanh nghiệp có thể lưu trữ thông tin được cung cấp trong thời gian nhất định với sự cho phép của chủ thể, nhưng không được lưu trữ lâu dài và biến dữ liệu thành tài sản tư hữu.

Tương tự, đối với việc khai thác dữ liệu đầu ra từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng có thể khai thác dữ liệu mở, nhưng không được bán, sử dụng với mục đích thương mại.

Như vậy, giới hạn của doanh nghiệp trong các khâu khai thác dữ liệu đầu vào, lưu trữ và công bố dữ liệu đầu ra trong số hóa bất động sản là rất lớn, cản trở quá trình phát triển của số hoá. Hoạt động này của doanh nghiệp cần được đặt trong sự ràng buộc với 2 chủ thể còn lại là nhà nước và người dân. 

Cần luật hoá việc xây dựng cơ sở dữ liệu bất động sản

Trong khi đó, theo TS. Trần Xuân Lượng, giảng viên chuyên ngành bất động sản, trường Đại học Kinh tế quốc dân, số hóa dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với thị trường bất động sản bởi quá trình giao dịch hàng hóa bất động sản thực chất là giao dịch thông tin bất động sản. 

Việc chào bán các loại hàng hóa khác là người bán mang sản phẩm đến cho người mua, ngược lại, với bất động sản, người bán mang khách hàng đến với sản phẩm, nghĩa là giao dịch dựa trên thông tin của bất động sản.

Giá trị của bất động sản được xác định dựa trên những lợi ích mà người sở hữu nhận được ở hiện tại và trong tương lai. Nó được xác định phụ thuộc vào thông tin về bất động sản và những yếu tố xung quanh như quy hoạch, hạ tầng, tình hình phát triển kinh tế tại địa phương.

Do đó, nếu thông tin về bất động sản không minh bạch thì giao dịch bất động sản cũng không dựa trên giá trị thực.

Lấy ví dụ trong khâu định giá đất, ông Lượng cho rằng, việc thiếu cơ sở dữ liệu thị trường, dẫn đến việc định giá thiếu chính xác, không sát với giá đất thị trường. 

Điều đó dẫn đến tình trạng thị trường quyền sử dụng đất chưa minh bạch; thông tin dữ liệu đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất thiếu chính xác, thiếu độ tin cậy. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phản ánh đúng giá giao dịch thực tế do người dân kê khai giá đất trong hợp đồng chuyển nhượng thấp để giảm thuế thu nhập.

Mặt khác, các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn chủ yếu bằng tiền mặt; nhiều loại đất, khu vực không có thông tin hoặc khó thu thập thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến việc thất thoát nguồn thu ngân sách từ thuế, phí. 

Vì vậy, việc số hóa dữ liệu không chỉ có ý nghĩa lâu dài với thị trường bất động sản, mà còn là giải pháp tháo gỡ những tồn tại, khó khăn đến từ sự thiếu minh bạch của thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản rơi vào 'ngõ cụt'

Đề xuất giải pháp quản lý hoạt động của doanh nghiệp tham gia số hóa và công bố dữ liệu về thị trường bất động sản, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần luật hóa quy trình số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản

Tin liên quan