Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 10% xuống còn 13.290 tỷ nhân dân tệ (1.980 tỷ USD) vào năm 2022, mức thấp chưa từng có đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Ngoài ra, doanh số bán đất cũng giảm 48,4% xuống 916,6 tỷ nhân dân tệ so với năm 2021. Diện tích nhà mới đã bán giảm 26,8% còn diện tích đất nền đã bán cũng giảm 53,4%.
Tháng 12/2022, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách mới và được hiểu ngầm là “Ba lằn ranh đỏ” không còn được áp dụng nữa. Các ngân hàng (chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước) đã tung ra gói tín dụng 460 tỷ đô la Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản. Song, trước những tác động quá lớn của chính sách này trước đó, thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi.
Cần tránh sự đổ vỡ cho thị trường bất động sản Việt Nam
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản của Việt Nam chưa cao như ở Trung Quốc, tuy nhiên tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam khá tương đồng với doanh nghiệp Trung Quốc (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu 0,6 – 0,7 lần).
Cả hai thị trường đều có chung hiện tượng đầu cơ và thổi giá lên rất cao. Các dự án cao cấp (người mua ít, đầu cơ mạnh, thanh khoản thấp) chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng tăng cao trong khi các dự án giá phù hợp chiếm tỷ lệ thấp, gần như không xuất hiện tại khu vực trung tâm các thành phố lớn.
Theo thông tin được chia sẻ từ ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup. Nếu áp dụng bộ tiêu chí “3 lằn ranh đỏ” của Trung Quốc vào 69 công ty bất động sản đang niêm yết của Việt Nam, 77% sẽ vi phạm một tiêu chí (số liệu này không bao gồm Vingroup, vì đã tính Vinhomes).
Từ giữa tháng 5 năm 2022, chính sách thắt chặt tín dụng khiến thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức hơn 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Doanh thu sụt giảm, chi phí tăng cao do chi phí tiếp cận tài chính tăng, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng,… khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án.
Đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp đã thông báo chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu với cùng lý do “chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán”. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép trái chủ thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản sẽ giúp gỡ nghẽn cho doanh nghiệp ở thời điểm này.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc định giá chính xác bất động sản để đàm phán với trái chủ lại là bài toán “đau đầu”. Nếu doanh nghiệp không có thêm các phương án giải quyết kịp thời, con số này chắc chắn sẽ tăng thêm hơn nữa trong bối cảnh áp lực đáo hạn ngày càng tăng cao.
Trong số tổng dư nợ 12 triệu tỷ đồng ở hệ thống ngân hàng, khoảng 75% giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản. Giá đất giảm, giá trị khối bất động sản đang thế chấp ở ngân hàng cũng trượt theo. Nếu những người vay tiền ngân hàng thế chấp bằng bất động sản không nộp bổ sung tiền, tài sản khác. Ngân hàng sẽ phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu tăng cao gây hệ lụy xấu cho nền kinh tế.
Việc áp dụng các chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá là một chính sách rất đúng đắn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài, không có sự chọn lọc và phân loại, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, kéo theo đó là những ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.