[Hàn Quốc xoay trục] Bài I: Nam tiến thượng sách

Rất nhiều học giả, nhà khoa học đang đặt ra câu hỏi: Một trong những đặc trưng văn hóa Đông phương (Nho giáo) liệu còn dư địa để các cường quốc “đồng văn” khai thác vận dụng xây dựng nền kinh tế?

Một phần lớn câu hỏi này đã được trả lời vào cuối thế kỷ XIX khi Nhật hoàng làm cuộc cải cách tên “Minh Trị Thiên Hoàng”. Đây là cuộc cách mạng có tầm vóc rất lớn nhưng chung quy lại là “tiếp thu văn minh kỹ trị phương Tây để khai phóng tư duy người Nhật Bổn”.

Lạ ở chổ, cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo và văn hóa Trung Hoa nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore phát triển vượt bậc, trái lại Việt Nam bị các nước “đồng chủng, đồng văn” bỏ lại rất xa!

Vị trí địa lý đặc biệt buộc Hàn Quốc chỉ còn duy nhất một con đường thuận lợi là tiến về phía Nam

Vị trí địa lý đặc biệt buộc Hàn Quốc chỉ còn duy nhất một con đường thuận lợi là tiến về phía Nam

Phải chăng, Văn hóa Nho giáo ở Việt Nam khác với phần còn lại ở Đông Á? Chắc chắn có khác, nhưng có điều, nếu xét theo mốc thời gian dứt bỏ ảnh hưởng của Nho giáo thì các nước nói trên cũng đi trước chúng ta.

Cũng giống Nhật Bản, Hàn Quốc từ những năm 60 của thế kỷ trước đã sở hữu những nhà kỹ trị kiểu phương Tây như Park Chung hee, nói không với nạn tham nhũng, coi trọng ngành công nghiệp giàu chất xám.

Đường lối tư bản triệt để, hình thành các chaebol, chuyển chiến lược của nền kinh tế từ công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu.

Sau cuộc chiến tranh liên triều, Hàn Quốc hướng Tây rõ rệt. Năm 2009, Tổng thống Obama nói tại G20 London rằng “Hàn Quốc là một trong những đồng minh thân cận và tuyệt vời nhất của Mỹ”. Đồng nghĩa với việc dòng bạc xanh ồ ạt chảy về phía Nam bán đảo, giúp nền kinh tế cất cánh.

Dĩ nhiên, xã hội Hàn Quốc những năm 60 trở đi đã rất “mở”, nhiều giá trị Nho giáo cổ hủ bị bãi bỏ. Thậm chí ở xứ sở Kim chi, từ “Nho giáo” từ lâu đã bị coi là đồng nghĩa với “lỗi thời”.

Từ chổ suy tôn Nho giáo, thì vài thập kỷ qua, nhiều người Hàn Quốc đã đấu tranh để giải phóng bản thân khỏi những quan điểm hà khắc của truyền thống Nho giáo.

Họ đổ lỗi cho nền văn hóa phân chia thứ bậc trong xã hội cũng như các định kiến trọng nam khinh nữ tồn tại hàng thế kỷ nay đã dẫn đến nạn nạo phá thai nếu giới tính thai nhi là nữ…có nghĩa rằng, cách đây nửa thế kỷ Hàn Quốc đã thực hiện cuộc “ly bắc – hướng Tây” lần thứ nhất để có cơ đồ như hôm nay.

Thoát Nho sớm là một trong những tiền đề để Hàn Quốc bứt phá về kinh tế

Thoát Nho sớm là một trong những tiền đề để Hàn Quốc bứt phá về kinh tế

Ngoài Nhật Bản đã hướng Tây từ hơn trăm năm trước, thì nay Hàn Quốc tiếp tục làm cuộc “ly bắc” lần thứ 2, nhưng không phải hướng Tây mà là hướng Nam…Vì sao như vậy?

Thứ nhất, hãy nhìn vào vị trí địa lý của Hàn Quốc, án ngữ ngay trên “đầu” là người anh em thất thường Triều Tiên; phía Đông là láng giềng Nhật Bản “vây” bởi một vòng cung – lại đang rục rịch đổi thay quan điểm về mối bang giao với chính phủ ông Moon Jae in

Phía Tây là vùng biển Hoàng Hải lạnh giá, nghèo tài nguyên, bên kia bờ là gã khổng lồ Trung Quốc ngày đêm hăm he “dọn đường” để tiến xuống Biển Đông.

Muốn ra biển lớn – Thái Bình Dương, Seoul đang vấp phải sự cạnh tranh tả Nhật Bản, hữu Trung Quốc. Đó cũng là một phần lý do khiến nước này thân Mỹ, sử dụng quân đội Mỹ trên lãnh thổ để đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia.

Tây tiến không xong, hướng Đông không ổn, giẫm chân tại chổ sẽ tụt hậu. Hàn Quốc chỉ còn một con đường địa lý là băng qua biển Hoa Đông xuống Đông Nam Á và vươn ra Thái Bình Dương rộng lớn.

Thứ hai, láng giềng Nhật Bản góp công không nhỏ để Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong 4 con hổ châu Á. Người hàn gắn quan hệ Nhật – Hàn chính là tướng Park Chung hee.

Lao động giá rẻ ở trong nước kết hợp với vốn và công nghệ của Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Hàn Quốc, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Sau khi giành được độc lập, người Hàn đã học hỏi được rất nhiều điều từ người Nhật về những gì mà một quốc gia không thuộc phương Tây có thể làm để công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công.

Một người Hàn Quốc đã mô tả chính sách của cộng đồng doanh nghiệp nước này là “Làm hệt như những gì người Nhật đã làm, nhưng làm điều đó một cách nhanh hơn, hiệu quả và ít tốn kém hơn”.

Kể cả ngày nay, nếu không tận hưởng công nghệ bán dẫn của Nhật Bản thì nền công nghiệp điện tử (Samsung, LG…) của Hàn Quốc khó huy hoàng.

Nhưng gần 1 thập kỷ trở lại đây, quá khứ bang giao không mấy tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bị xới xáo lên, mâu thuẫn lịch sử trỗi dậy. Tokyo và Seoul lôi nhau vào tranh chấp lãnh thổ, thương mại, và cả niềm tự hào lịch sử.

Đó cũng là một trong những lý do để chính phủ ông Moon muốn tiến sâu hơn về phía Nam, bang giao mạnh mẽ hơn với ASEAN, tìm kiếm đối tác mới, đồng minh mới thay thế láng giềng đầy quyền lực.

Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược

Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược “hướng Nam mới” của Hàn Quốc

Thứ ba, chắc chắn, thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á, trong đó Đông Nam Á là trọng điểm, khu vực này không chỉ hấp dẫn Hàn Quốc mà cả Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và EU.

Vậy, các nước này tìm kiếm gì ở Đông Nam Á? Đó là các thị trường đầy tiềm năng mới nổi ở Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào; sau thị trường là cơn “khát” vốn để công nghiệp hóa, xây dựng hạ tầng, năng lượng; sau vốn là nhu cầu về khoa học, công nghệ…

Với một quốc gia tầm cỡ như Hàn Quốc, mấy nhu cầu bức bách ở Đông Nam Á hoàn toàn trong tầm tay!

Thứ 4, chính các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Trung Quốc đang gặp phải vấn đề lớn trong nội bộ, đó là tới hạn mô hình tăng trưởng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khả năng sáng tạo chững lại…

Hàn Quốc tuy chưa phải “giáp lá cà” với vấn nạn trên nhưng Nhật Bản, EU, Trung Quốc đã là điển hình. Vậy tại sao không dùng kinh nghiệm về công nghệ và vốn để khai thác nguyên liệu thô ở các nước đang phát triển? Hàn Quốc đang trả lời câu hỏi này.

Thứ 5, mặc dù Hàn – Nhật đang mâu thuẫn cực độ nhưng có một điều bất di bất dịch đó là họ “cùng chiếu” với Mỹ trong chiến lược “Xoay trục châu Á”, thu nạp thêm đồng minh và tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc!

Hàn Quốc đóng vai trò là sứ giả con thoi trong cả hai cuộc thượng đỉnh Mỹ – Triều, là đồn trú quan trọng của quân đội Mỹ ngay sát nách Trung Quốc. Trùng hợp thay, khi Trung Quốc hiện diện tại ASEAN thì Seoul cũng tuyên bố chính sách “hướng Nam mới”!

Vốn Trung Quốc đổ vào Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar thì ngay lập tức từ năm ngoái đến nay Tổng thống Moon Jae in công du một loạt nước ASEAN và ký kết hàng tá văn kiện hợp tác trị giá hàng chục tỷ USD!

Bài II: Long tranh hổ đấu ở Đông Nam Á

Trương Khắc Trà

Tin liên quan