>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 “Bản lĩnh tiên phong”.
Nó là một vụ án liên quan tới… đất.
Theo một tờ báo tường thuật thì “Theo bản án có hiệu lực pháp luật, đầu năm 2008, UBND Đắk Nông giao hơn 1.000 hecta đất rừng để Công ty Long Sơn làm dự án. Đến tháng 6/2013, dự án được nhượng cho Nguyễn Xuân Thiên Sửu, Phó giám đốc Công ty Long Sơn. Sửu và một số hộ dân xâm canh (trong đó có gia đình Hiến) xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp đất nhưng chính quyền không giải quyết dứt điểm.
Ngày 23/10/2016, Sửu gọi Phạm Công Thiện huy động khoảng 30 công nhân, bảo vệ mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà Hiến và hai hộ dân khác. Hiến lấy súng săn chạy ra chặn lại và bắn chỉ thiên, bị hàng chục người của Công ty Long Sơn ném đá”. Kết quả của cuộc ẩu đả tranh chấp đất đai này là 3 người chết, 16 người bị thương. Và với tội ác ấy, án tử hình với Hiến là đương nhiên.
Nhưng, cái chữ nhưng này mới quan trọng, rằng Hiến mang trọng tội, rất nặng, nhưng cả gia đình Hiến, các luật sư và rất đông người dân, lại đứng về phía Hiến, bảo vệ Hiến, xin tha tội cho Hiến, và kết quả, Chủ tịch nước đã ân giảm mức án cho Hiến. Chứng tỏ, Hiến phần nào… có lý.
***
Chuyện đất đai ở nước ta là chuyện rất… loằng ngoằng. Hồi tôi mới lên Gia Lai nhận công tác, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, bà con người dân tộc bản địa Tây Nguyên lập làng ở khắp nơi mà họ thấy thuận lợi cho cuộc sống của họ. Ngay trong nội ô thị xã Kon Tum và Pleiku, rồi dọc đường 14, đường 25 nhà sàn san sát. Rồi chả biết tự khi nào, họ cứ bị đẩy vào trong núi. Nhưng mà nào đã yên, bởi tới một lúc, họ nhận ra, núi (tức rừng) mà họ đang tựa lưng vào bây giờ là tài nguyên quốc gia, đất đai trước mặt họ giờ là của công nông lâm trường xí nghiệp và… người Kinh. Họ hết đất làm ăn, trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình, đất cha ông họ có từng hàng vài trăm năm nay (là tính sơ bộ thế, chứ họ mới chính là chủ nhân của đất này từ hàng ngàn năm).
Tôi nhớ có 2 câu chuyện về đất.
* Câu chuyện thứ nhất: Cái thời người ta có kế hoạch chuyển đổi 50 ngàn héc ta rừng nghèo sang trồng cao su. Trống giong cờ mở, quyết định lên xuống, họp hành quán triệt… kết quả, đa phần cao su chết.
Đời sống người Tây Nguyên luôn gắn với rừng. Dẫu là rừng nghèo thì nó vẫn có niên đại rừng, ký ức rừng, lớp lang rừng, tâm hồn rừng, văn hóa rừng. Người Tây Nguyên lấy rừng làm chuẩn, để sống trong mối quan hệ tương hỗ với rừng. Hệ thống luật tục của họ cũng lấy rừng làm cái gốc để mọi vấn đề xoay quanh nó.
Một thế giới rừng hết sức bao la, hết sức phong phú, hết sức nhân văn, hết sức bao dung, hết sức bí ẩn… để người Tây Nguyên dựa vào, sống, và mơ, và khám phá, và tin ở ngày mai.
Tây Nguyên có một số vùng, có tới hàng trăm ngàn héc ta, phía dưới chủ yếu là đá, chả rừng nào sống được, trừ rừng… khộp. Rằng phải có nó để giữ đất, giữ nước cho Tây Nguyên và cả đồng bằng. Nó như cái thùng tố nô khổng lồ chứa nước mùa khô và giữ nước mùa mưa. Chưa hết, nhìn thế chứ nó hết sức đa dạng sinh học. Rằng các loại thú quý như mang, hoẵng, hổ, bò tót, rùa, thỏ… chỉ sống ở rừng bị coi là nghèo này, lấy rừng khộp làm nơi kiếm ăn và sinh sản.
Người ta quan niệm rừng khộp là rừng nghèo, và chuyển đổi nó, để trồng cây công nghiệp.
Cao su chỉ là cây công nghiệp, còn rừng là cả hệ sinh thái, có văn hóa rừng, có đời sống, có tâm hồn. Rừng bao giờ cũng gồm nhiều tầng nấc, nhiều loại cây và là nơi sinh sống tổng hợp của nhiều động thực vật, dẫu là rừng khộp, bị coi là rừng nghèo, chứ thực ra, vẫn có rừng khộp giàu. Chúng dựa vào nhau mà sống và tồn tại, tưởng là hoang dã nhưng chính chúng tạo nên một đời sống hết sức tinh tế, tương hỗ nhau, làm nên một thế giới rừng vừa bí ẩn vừa rạch ròi, vừa vững bền lại cũng mong manh khoảnh khắc. Đến mấy chủ tịch tỉnh ở Tây Nguyên đã bị kỷ luật vì liên quan đến việc phá rừng “nghèo” trồng cao su.
Tất nhiên cao su cũng là quý, làm ra tiền ngay, có thể đảm bảo đời sống lập tức cho hàng vạn đồng bào. Nhưng rừng hơn thế, nó đảm bảo cho sự sống của cả trái đất này, đất nước này. Đã rất nhiều bài học máu xương cho việc phá rừng. Phá từ rừng nguyên sinh, cổ thụ tiến đến rừng nghèo. Nhưng thực ra, nghèo là cách họ tự đặt ra để dễ… phá, chứ rừng khộp chưa bao giờ là rừng nghèo. Có lẽ người ta gọi nó là rừng nghèo là bởi không trồng… lúa trên đấy được? Mà đúng là có thời chúng ta đã rất hăm hở phá hàng ngàn hecta rừng để… trồng sắn đấy, chả phải chỉ trong chiến tranh đâu, hòa bình rồi vẫn thế.
Đất Tây Nguyên đã bị tiêu hoang như thế.
Mới nhất là việc gần 200 héc ta rừng thông tuyệt đẹp ở Đắk Đoa, Gia Lai bị “gán” cho một doanh nghiệp định làm sân golf khiến chủ tịch tỉnh Gia Lai bị cách chức và hàng loạt lãnh đạo khác bị kỷ luật. Ngay cả thông ở đây, tưởng chỉ thông, tức cũng rừng nghèo, nhưng nó cũng có hệ sinh thái của nó, mà minh chứng là, tới mùa, những cây cỏ hồng nằm im lìm đâu đấy trong đất, bật lên, đẹp mê hồn, khiến người ta gọi đấy là đồi cỏ hồng. Nó là một môi trường hết sức dân chủ, là nơi để tất cả mọi người có thể đến chơi, nhưng khi giao cho doanh nghiệp, nó trở nên một khu “đặc biệt” giành cho những người “đặc biệt” mới được vào.
* Chuyện thứ 2.
Một anh bạn tôi, kỹ sư nông nghiệp kiêm nhà văn. Cái thời bao cấp khó khăn ấy, anh ở trong một căn phòng của khu tập thể. Một đêm, anh cứ nghe văng vẳng tiếng gọi như có nhắc tới tên mình. Dậy mở cửa thì tiếng kêu mất hút. Một tiếng đồng hồ sau tiếng kêu lại quay lại cái hẻm nhà anh. Mở cửa lần nữa, trời ạ, mấy ông và con ở quê, 5 ông tất cả, 5 cái xe đạp, mỗi xe phía sau có một cái thùng gỗ, phía trên thùng gỗ là con dao và cái cưa.
Mở cửa mời vào, hối vợ dậy nấu cơm mời các “bác ở quê vô” rồi nghe các bác kể chuyện nguồn cơn. Thì ra là hôm trước, mấy bác ngồi rượu nhạt, rồi mới tính, đất ở quê (Nghệ An) ít quá, mà con cái thì nở ra, cứ rượu vặt thế này (vì không có việc làm) thì rồi chết cả nút. Một ông chợt à lên, tôi có chú em mần cán bộ trong Gia Lai, nghe nói trong ấy đất nhiều, ta vô coi thử ra răng. Nói là làm, mỗi ông về hét vợ lận lưng ít bạc vụn, quần áo vài bộ cho vào cái rương gỗ, thứ bắt buộc phải có là rựa và cưa, xong cột lên xe đạp, ra đường đón xe. Tới bến xe Pleiku, thời ấy điện đóm lù mù như đom đóm, các bác cứ vừa đạp xe vừa gọi tên ông em, thế mà rồi sau 2 vòng đạp quanh thị xã, cũng gặp.
Ông bạn chết khiếp, mà khiếp nhất là mới 2 giờ sáng mà các bác cứ nói oang oang như ở quê. Các bác cứ nằng nặc, sáng mai chú chỉ cho chúng tôi chỗ hạ trại, chúng tôi phải “mở cõi” để cứu vợ con chứ cứ như ri chết mất.
Sáng mai, sau khi nghiên cứu khó khăn thuận lợi, tình hình chung các cái, ông em khuyên các bác nên sang… Đắk Lắk, chỗ ấy chỗ ấy, các bác xuống rồi như thế như thế…
Thế là sáng sớm, ông em lại đãi các bác bữa ăn sáng, biếu 5 cái vé xe, đợi các bác lên xe chú mới quay về nhà… thở phào.
5 năm sau gặp lại, các bác hể hả xoa tay: Ơn chú chỉ đường, bọn tôi giờ đã ổn định, đã đưa cả gia đình vào, giờ có nhà cửa, có của ăn của để, các cháu đi học cả…
Té ra là thế này, các bác ngồi xe đò tới chỗ đã hẹn, rồi xuống, đạp xe luồn rừng, tới chỗ thấy ưng bụng thì hạ trại, và ở lỳ đấy, phát rừng trồng lương thực, ngắn dài xen kẽ để vừa có ăn ngay vừa có để dành. Cứ thế mà giờ chỗ ấy giờ thành làng, các bác về đưa vợ con vào, rồi nhiều người trong làng cũng vào theo…
Mới nhất năm vừa rồi, ông bạn tôi nhận được giấy mời đám cưới. Là cái đứa sinh ra khi ông bố chui lủi trong rừng cả năm, thu hoạch đợt đầu, bán một ít lấy tiền lộ phí về thăm nhà và đưa gia đình vào ấy, cái hôm gặp nhau sau một năm hun hút ấy, bố mẹ nó hoài thai ra nó…
Chuyện đất Tây Nguyên còn nhiều, nhưng tạm 2 chuyện như thế…