Doanh nghiệp than phát triển nhà ở xã hội ‘khó đủ đường’

Thiếu vốn, thiếu quỹ đất và thủ tục hành chính kéo dài khiến doanh nghiệp không mặn mà với phát triển nhà ở xã hội. 

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng, thẳng thắn chỉ ra bảy vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Đầu tiên là việc định danh nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Hiện nay, các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà với mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng khi bán lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100. Ông kiến nghị nên gọi chung là nhà ở xã hội, không nên phân biệt là nhà ở công nhân. 

Vướng mắc tiếp theo là quy định bắt buộc dành ra 20% số căn hộ để cho thuê trong khi lợi nhuận nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội chỉ khống chế ở mức 10%. Ông Hoàn cho rằng quy định này bất hợp lý, quá lãng phí, làm khó cho doanh nghiệp và đề nghị nên sửa đổi điều kiện này chỉ khoảng 3-5% số căn hộ trong dự án nhà ở xã hội để cho thuê.

Thứ ba là thủ tục mua bán nhà ở xã hội. Doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì mới được ký hợp đồng mua bán. “Như vậy rất mất thời gian và không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà”.

“Hiện nay, tôi được biết là đang có khoảng 1.800 hồ sơ xin kiểm tra. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ số hồ sơ này mới được phê duyệt xong. Hệ quả là doanh nghiệp chưa bán được nhà, có khi đến 2-3 năm cũng không xong gây chậm thu hồi vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Toàn than.

Ông đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng với khách hàng và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, doanh nghiệp sẽ gửi danh sách khách hàng đã ký hợp đồng lên Sở Xây dựng để thực hiện công tác hậu kiểm. 

Doanh nghiệp kiến nghị loạt giải pháp gỡ khó cho phát triển nhà ở xã hội
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng

Vướng mắc tiếp theo là chính sách vay vốn cho người mua nhà. Luật Nhà ở quy định, đối tượng người nghèo, lao động tự do ở nông thôn không được vay vốn mua nhà ở xã hội. Điều này đã tạo ra sự mất công bằng, không đồng đều giữa các đối tượng người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ năm, theo ông Toàn, việc miễn tiền sử dụng đất cho nhà ở xã hội cần đưa thành quy định chứ không bắt doanh nghiệp phải đi làm thủ tục để được miễn. Hiện doanh nghiệp đang rất chật vật để làm các thủ tục này. 

Thời gian để hoàn thành một hồ sơ miễn tiền sử dụng đất mất hai năm, chưa kể nhiều dự án làm hồ sơ xong vẫn không miễn được do hồ sơ đưa về cục thuế không được ký.

Thứ sáu, ông Toàn kiến nghị bỏ quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội với lý do có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án; nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án. 

Chính vì vậy, việc quy định chung cho các dự án là không hợp lý. Thay vào đó, các cơ quan quản lý cần có giải pháp linh hoạt, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa hài hoà lợi ích của người dân, xã hội.

Cuối cùng, ông Toàn thúc giục quy trình phê duyệt các dự án nhà ở xã hội cần được đẩy nhanh. Thực tế, có những trường hợp dự án nhiều năm không xong thủ tục, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đây là phân khúc đáp ứng nhu cầu rất lớn của người mua nhà, cần được tạo điều kiện để phát triển.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn; 401 dự án đang tiếp tục triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn.

Tin liên quan