GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 32: Nhiệt điện than và cung đường sắt nhức nhối

Ngày 22/11, tỉnh Quảng Trị long trọng làm lễ khởi công nhà máy nhiệt điện than trị giá 55 ngàn tỷ đồng do công ty ETIGA Thái Lan làm chủ đầu tư. Dự án được cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên Môi trường “quảng cáo” là “sử dụng công nghệ hiện đại nhất châu Âu”.

Tuy nhiên, ít ai biết, công nghệ đã hoàn toàn…bó tay trước “nhược điểm quá lớn” của nhiệt điện than, nhiên liệu mới là quan trọng nhất. Hãy xem thế giới ứng xử ra sao với loại hình sản xuất điện từ than.

Tại Hoa Kỳ, nhiệt điện than đã giảm từ 50% năm 2006 xuống dưới 30% năm 2016. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, 100 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 64GW đã trong tình trạng đình trệ thi công.

Trên toàn châu Âu, nhiệt điện than không còn được hoan nghênh, tại Đức điện than chỉ chiếm 1/3 tổng sản lượng điện, ở Anh chỉ còn lại 8 nhà máy nhiệt điện than nhưng không còn chạy thường xuyên.

Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, nếu muốn giảm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng hơn 2oC thì điều kiện bắt buộc là không một nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng.

Chính phủ Việt Nam trong Hội nghị COP21 cũng cam kết giảm phát khí thải nhà kính 8% đến năm 2030 và con số này có thể lên đến 25% nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Sau những bê bối tại nhiệt điện Vĩnh Tân, dư luận rõ ràng có lý do để quan ngại môi trường bị tàn phá, biển cũng chết vì tro xỉ, nguy hơn là chúng ta bị biến thành bãi rác thải công nghệ cho một ai đó!

GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 32: Nhiệt điện than và cung đường sắt nhức nhối 1

Với nhiệt điện, lãnh đạo tỉnh Long An đã làm được một việc rất có trách nhiệm với hậu thế, nếu không sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng để sản xuất điện thì xóa quy hoạch nhiệt điện chạy than.

Đã đến lúc chúng ta cần tỏ rõ quan điểm với các vấn đề đã “hai năm rõ mười” như thế. Vốn đầu tư, dĩ nhiên là cần; cơ sở hạ tầng, cũng rất cần; tạo đột phá cho vùng đất nghèo, cũng rất khẩn thiết…

Nhưng chúng ta đã tưởng tượng viễn cảnh đến lúc nào đó khói bụng mịt mùng, biển không còn xanh, lòng người bất ổn, bệnh tật, chết chóc…hậu quả này có được cam kết lãnh trách nhiệm?

Nói không quá, nhiệt điện than lúc này giống như “quả bom hẹn giờ” đặt sẵn, nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Tình cờ, tôi thấy hai tấm bản đồ vẽ mạng lưới cao tốc phía Bắc và phía Nam nằm đối ngẫu như một sự so sánh đối chiếu. Thật sự không khỏi cảm giác khó hiểu!

Cả miền Nam rộng lớn chỉ có 54,72km cao tốc TPHCM – Long Thành đang vận hành, tuyến Trung Lương – Cần Thơ 92km làm hoài làm mãi chẳng thấy xong.

Phía Bắc, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt từ Hà Nội tỏa đi muôn hướng, nhiều cũng tốt, nhưng nhiều quá mà không sử dụng hết lại là chuyện khác.

Mới đây, Bộ GTVT trình làng dự án đường sắt nối 8 tỉnh phía Bắc với Trung Quốc trị giá 100.000 tỷ đồng (4,3 tỷ USD). Đây là một siêu dự án và tính chất đặc biệt vì kết nối xuyên biên giới.

Tuyến đường sắt này chạy 15 chuyến mỗi ngày, Việt Nam lấy đâu ra người và hàng để lấp đầy? Trong khi đó, ở Quảng Ninh, ga Cái Lân khánh thành từ năm 2014 nhưng chỉ đón duy nhất 1 chuyến hàng rồi nằm im ắng!?

Song hành với nó là tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân quăng mấy ngàn tỷ đồng phơi mưa phơi nắng! Kể cả tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam vẫn chưa thể giải nổi bài toán khối lượng vận tải sao cho phù hợp với công suất thiết kế.

GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 32: Nhiệt điện than và cung đường sắt nhức nhối 2

Nhưng thôi, chuyện “vung tay quá trán” chẳng lạ gì ở nước ta! Hãy quan tâm chuyện khác quan trọng hơn.

Trong 100.000 tỷ đồng đó, Trung Quốc “viện trợ không hoàn lại” 33 tỷ đồng, đây là con số cần hết sức lưu tâm, nó không nhiều, lại hợp lý trong bối cảnh hai nước muốn “thắt chặt bang giao”!

Nhưng cha ông ta nói rồi, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, người Tây phương còn trực diện “chỉ có miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột là miễn phí”. 33 tỷ đồng có phải là tình hữu nghị trong sáng hay vì một lý do nào đó…trong tối?

Trương Khắc Trà

Tin liên quan