Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, hiện có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành.
Chính điều này đã gây vướng mắc rất lớn cho việc thi hành luật, gây lãng phí nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Không phủ nhận việc Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, bộ luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hải cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến các vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ.
Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật với 11 nhóm chính sách lớn. Đây là dự án luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ.
Ông Hải cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần được thực hiện đồng bộ, toàn diện nhằm đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…cũng cần được quy định rõ ràng nhằm phát huy nguồn lực đất đai và giúp thị trường bất động sản phát triển.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai.
Ông Mẫn đề nghị ban soạn thảo cần xem xét để có sự tương xứng giữa 2 chủ thể giữa nhà nước và công dân. Thống nhất nhận thức đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu, tuy nhiên cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng đất được nhà nước giao với tư cách là người sử dụng tài sản công.
Đây là tài sản đặc biệt có khả năng sinh lời rất cao, nếu chuyển mục đích sử dụng sang thương mại, dịch vụ, thực tế vừa qua có nhiều nơi sai phạm về vấn đề này.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho ý kiến cụ thể về Điều 65 dự thảo Luật quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy định bỏ khung giá đất,…
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Ông Thanh đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (các nội dung cụ thể đã trình bày trong báo cáo đầy đủ).
Về người sử dụng đất, có ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo luật.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm phân biệt rõ với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đồng thời, rà soát quy định về đấu giá quyền sử dụng đất tại dự thảo luật, tránh mâu thuẫn, có cách thức xử lý tranh chấp khi nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng người sử dụng đất vẫn không chịu di dời.
“Việc cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo về đất đai, do đó, cần được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Về giá đất cụ thể quy định tại điều 134 dự thảo luật, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, cơ quan thẩm tra cho rằng cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, thành viên Hội đồng Thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể.
Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng chưa làm rõ các khái niệm và cách xác định “vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”, do đó, các cơ quan có trách nhiệm xây dựng hồ sơ giá đất cho từng vùng giá trị đất và đến từng thửa đất tại điều 134 dự thảo luật..
Với việc sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Đồng thời lưu ý những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án luật sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.
Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.
Đây cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Trung ương, trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật, ông Huệ nhấn mạnh.