Theo dữ liệu và phân tích của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu JLL, vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản thương mại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt tổng cộng 129 tỷ USD trong cả năm 2022. Con số này đã sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong quý IV, hoạt động đầu tư trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sụt giảm 41% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, khoản vốn đầu tư trị giá 30,7 tỷ USD được triển khai từ tháng 10 đến tháng 12 tương đương với mức tăng 12% so với quý trước đã củng cố niềm tin của JLL cho rằng nhiều khả năng, hoạt động trì trệ sẽ được cải thiện vào năm 2023.
Trong năm 2022, phân khúc bất động sản văn phòng đã kết thúc năm với giá trị vốn đầu tư đạt 60,5 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà đầu tư có xu hướng kén chọn hơn khi hoạt động phân chia giữa tài sản sơ cấp và tài sản thứ cấp tiếp tục diễn ra.
Giao dịch hậu cần và công nghiệp cũng giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái với khoản vốn đầu tư trị giá 25,9 tỷ USD đã được triển khai. Vào năm 2022, doanh số bất động sản bán lẻ trong khu vực đạt 23 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lĩnh vực khách sạn là loại bất động sản hoạt động hiệu quả nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương so với năm trước. Nhờ nối lại hoạt động lữ hành và kinh doanh du lịch, thị trường này đã thu hút 10,1 tỷ USD vốn đầu tư, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia của JLL cho rằng, chu kỳ lãi suất thắt chặt và bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của các nhà đầu tư bất động sản.
Còn theo nhận định từ Savills Việt Nam, bước vào năm 2023, thị trường bất động sản Châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức tại khu vực cũng như quy mô toàn cầu. Đầu tiên là vấn đề về lạm phát trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 cũng như xung đột Nga-Ukraine. Lạm phát và động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đã hạn chế triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.
Khó khăn tiếp theo liên quan đến việc các phát triển công nghệ đã thay đổi phương thức làm việc và mua sắm của tất cả mọi người, phá bỏ những khái niệm cũ về bất động sản. Tuy vậy, sự thay đổi tạo ra từ các phát triển công nghệ được cho là ảnh hưởng ít sâu sắc hơn tại thị trường Châu Á. Các mô hình về làm việc linh hoạt, bán lẻ trực tuyến tại đây mặc dù đạt được sức hút nhất định nhưng vẫn chưa thực sự đạt được mức phát triển như tại Châu Âu và Hoa Kỳ.
Khó khăn thứ ba tới từ Trung Quốc – nền kinh tế đứng đầu khu vực, chiếm 53% GDP toàn khu vực và một phần ba tổng giá trị sản xuất. Việc Trung Quốc hủy bỏ chính sách Zero Covid và mở cửa biên giới đã mang lại những tia hy vọng mới cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiến trình mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng được các chuyên gia dự báo sẽ là một chặng đường gập ghềnh, đặc biệt trong những tháng đầu tiên của năm 2023.
Một số thị trường nổi bật của khu vực này được JLL chỉ ra như Singapore là thị trường có hiệu suất hoạt động cao nhất khu vực vào năm 2022 với tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thương mại tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Singapore thu hút 14,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nhờ thị trường văn phòng hoạt động mạnh mẽ vào nửa đầu năm và giao dịch danh mục đầu tư bán lẻ một lần khá lớn vào tháng 12.
Thị trường Hồng Kông cũng ngày càng hấp dẫn sau khi nới lỏng các biện pháp giới hạn do Covid-19. Tuy nhiên, với khoản vốn đầu tư cả năm đạt 7,7 tỷ USD, thị trường đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, mặc dù sụt giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Hàn Quốc vẫn là thị trường đầu tư sôi động nhất với giá trị giao dịch đạt 26,2 tỷ USD. Nhờ gia tăng hoạt động trong quý IV, Trung Quốc đã thu hút 24,8 tỷ USD vốn đầu tư, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhờ phục hồi vững chắc trong quý IV, doanh số bán hàng tại Nhật Bản tăng 24,7 tỷ USD trong năm, giảm 40% so với năm 2021. Vật lộn với sự mất kết nối giữa kỳ vọng của người mua và người bán, thị trường Úc giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái đạt vớitổng số vốn đầu tư là 20,9 tỷ USD.
Kỳ vọng vào năm 2023
Bà Pamela Ambler, Trưởng khối thông tin và chiến lược nhà đầu tư, thị trường vốn, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, JLL cho rằng, hy vọng năm 2023 dòng giao dịch sẽ được cải thiện nhờ những điểm sáng của các yếu tố cốt lõi vững chắc trên thị trường bất động sản văn phòng chọn lọc, hoạt động bán lẻ giá trị gia tăng, hoạt động mua bán theo chu kỳ và cơ hội tại các thị trường lớn hơn trong khu vực.
Còn theo ông Stuart Crow, Tổng giám đốc thị trường vốn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong năm 2022, mặc dù các nhà đầu tư xây dựng lại chiến lược triển khai ngắn hạn nhưng vẫn cam kết tuân thủ triển vọng dài hạn hơn của thị trường bất động sản Châu Á – Thái Bình Dương.
Xác lập giá sẽ tiếp tục là chủ đề chính của các nhà đầu tư vào năm 2023 và sẽ ảnh hưởng đến các chiến lược triển khai trong nửa đầu năm 2023 khi siết chặt mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Tuy nhiên, các yếu tố tích cực bao gồm việc Trung Quốc mở cửa trở lại, sự phục hồi dự kiến ở Nhật Bản và niềm tin cho rằng Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất bởi bất kỳ sự suy thoái kinh tế toàn cầu nào báo hiệu sự khả quan về hoạt động mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2023, ông Stuart Crow nhận định.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư bất động sản trong năm 2023, Savills cũng cho rằng, các nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư để lựa chọn được phân khúc phù hợp.
Thứ nhất là đầu tư dựa trên yếu tố cốt lõi. Theo đó, các văn phòng hạng A tập trung tại các khu vực trọng điểm như Úc, Nhật Bản, Singapore, Seoul, TP.HCM, Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ sức hút với các nhà đầu tư.
Nhu cầu dành cho văn phòng xanh vẫn ở mức cao. Giá thuê văn phòng hạng A tại một số thị trường được dự đoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng, do áp lực lạm phát và nguồn cung hạng A hạn chế.
Thêm vào đó, lĩnh vực logistics tại các thị trường với giá trị thương mại điện tử lớn như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Seoul vẫn là ưu tiên đối với nhà đầu tư.
Thứ hai, đầu tư các giá trị gia tăng. Savills cho rằng các phân khúc vẫn hấp dẫn đầu tư là việc cải tạo lại các tòa nhà văn phòng cũ để có thể đạt được tiêu chuẩn xanh tại Úc, Nhật Bản, Singapore, Seoul và Ấn Độ; mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm tại Úc, TP.HCM, Nhật Bản, Seoul và bất động sản công nghiệp tại Trung Quốc, Ấn Độ.