Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đáng đầu tư

Mặc dù nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý và những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa qua, song ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vẫn cho rằng, đây là một thị trường đầy tiềm năng. 

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay. Khách hàng hiện có nhiều lựa chọn để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt ở những vùng có tiềm năng du lịch. 

Tuy nhiên, ông Đính lưu ý rằng, một số nơi bất động sản du lịch đã phát triển ổn định, khai thác kinh doanh tốt thì mặt bằng giá tương đối cao, dư địa tăng giá không nhiều.

Trong khi đó, ở các khu vực đang phát triển như Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận,… mức giá vẫn còn khá thấp, tiềm năng tăng giá là rất lớn. Nếu đợi các thị trường này phát triển và đến khi pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng được hoàn thiện, khi đó, nhà đầu tư có thể sẽ không còn cơ hội.

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Nếu đợi "chuẩn chỉ" sẽ không còn cơ hội?
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Lấy ví dụ tại Bình Thuận, vị chuyên gia này cho rằng, đầu năm 2000, khi tham gia tìm hiểu tiềm năng và đầu tư vào các tỉnh phía Nam, Mũi Né, Bình Thuận chính là địa chỉ sáng nhất khu vực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, giao thông đi lại rất khó khăn, máy bay không có, nơi đó còn rất hẻo lánh khiến các dự án khó phát triển.

Nhưng hiện nay, Bình Thuận đã có quy hoạch sân bay, cao tốc. Phan Thiết sẽ phát triển tương tự như Quảng Ninh trong tương lai không xa. Do đó, Phan Thiết còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chắc chắn bất động sản nghỉ dưỡng của Phan Thiết sẽ là điểm sáng của bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam.

Minh chứng là thời gian vừa qua, xu hướng tăng giá của bất động sản ở Phan Thiết rất ấn tượng. Trước đây, cụ thể là năm 2015, giá bất động sản Phan Thiết chỉ vài ba triệu đồng cho một mét vuông. 

Song, sau khi có sự bùng nổ của các dự án, đặc biệt, việc triển khai sân bay, cao tốc vào năm 2019 – 2020 đã khiến giá bất động sản Phan Thiết thay đổi chóng mặt, hiện đang ở mức khoảng 30 triệu đồng/m2, tương đương với tốc độ tăng giá 10 lần chỉ trong 5 năm. 

Đến năm 2022, giá bình quân của bất động sản Phan Thiết đã tăng gấp đôi, lên trên 50 triệu đồng/m2. Phan Thiết đang được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, trong vài năm tới, nơi đây sẽ không thua kém Đà Nẵng hay Nha Trang trong việc phát triển du lịch cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đính khẳng định.

Không chỉ Phan Thiết, Bình Thuận, vị chuyên gia này cho rằng, các thị trường nghỉ dưỡng mới nổi, mức giá còn rẻ cũng là những địa phương rất tiềm năng để đầu tư.

Cách đây 5 – 7 năm, bất động sản Thanh Hóa, Bình Định chưa có gì nhưng thời gian vừa qua đều đã “sốt nóng”. Tại Thanh Hóa, có những khu vực trước đây 50 triệu đồng/ha nhưng bây giờ 50 triệu đồng/m2.

Vùng Duyên hải Nam Bộ, Nam Trung Bộ, trước đây có Đà Nẵng thời sơ khai (năm 2010) giá hơn 10 triệu đồng/m2 ở khu vực cảng biển, nhưng bây giờ cả Đà Nẵng đã phát triển rất nhanh chóng, nhiều khu vực đắc địa, giá bất động sản đã lên đến 300 triệu đồng, không hề thua kém Hà Nội hay TP. HCM.

Tại tọa đàm “Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay” do Reatimes tổ chức, ông Đính chỉ ra 4 nguyên nhân khiến những vùng đất mới của bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu tiềm năng tăng giá lớn.

Thứ nhất là do vướng mắc về nguồn cung. Khi nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư tăng mạnh đã khiến giá bất động sản tăng theo.

Thứ hai, giá trị bất động sản trên thị trường đang được gia tăng bởi đầu tư công. Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, tạo kết nối các vùng kinh tế, liên vùng kinh tế, công nghệ, kinh doanh… đã giúp tạo giá trị cho bất động sản.

Thứ ba là do giá bất động sản tại những địa phương này còn thấp, dư địa tăng giá còn lớn. Vùng nào đang ở thời điểm sơ khai chuẩn bị đầu tư, sắp đầu tư thì mặt bằng giá thấp, tốc độ tăng giá tỷ lệ thuận với tốc độ đầu tư, có những nơi tăng mạnh hơn vì khả năng khai thác tạo ra lợi nhuận.

Thứ tư là do sự xuất hiện của những “đại bàng”, “cá mập” vào “làm tổ”, tạo ra giá trị, động lực lan tỏa, lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp, thứ phát vào thị trường khiến sức hút đầu tư mạnh, làm thay đổi hẳn diện mạo địa phương và tăng giá trị bất động sản.

Những địa phương đang có bước khởi điểm tốt, giá bất động sản đang ở mức thấp, dư địa còn lớn được đầu tư bài bản bởi các chủ đầu tư uy tín là những điểm đến đầu tư hấp dẫn, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đặc biệt ở những địa phương có thiên nhiên ưu đãi, điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch và các dự án được phát triển đồng bộ, bởi các chủ đầu tư có năng lực. 

Theo ông Hà, các dự án phải đủ lớn, đủ tầm cỡ, phát triển đầy đủ cả khu vui chơi giải trí nữa mới thu hút được du khách, giá trị bất động sản mới lớn được. 

Tại những dự án đó, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vừa có thể cho thuê, vừa có thể tăng giá trị bất động sản trong tương lai, đó mới là kỳ vọng thực sự của họ. Giá trị bất động sản chỉ có thể tăng ở các dự án sở hữu đầy đủ điều kiện để phát triển.

Còn nói về rủi ro, điều cần lưu ý đối với bất động sản là tính pháp lý. Vị chuyên gia này cho rằng, hệ thống pháp luật cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tạo điều kiện cho thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững. 

Trong thời gian chờ khung pháp luật hoàn chỉnh, những thỏa thuận hợp đồng giữa chủ đầu tư và người mua phải rõ ràng, hợp lý. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng nghiên cứu kỹ tính pháp lý của dự án để tránh rủi ro trước khi xuống tiền.

Tin liên quan