Bối cảnh mới của thị trường du lịch
Các điểm đến du lịch quen thuộc, đáp ứng nhu cầu “bề nổi” như ăn – ngủ – nghỉ – check in dần trở nên nhàm chán, khách du lịch có xu hướng tìm đến những vùng đất mới lạ, mang đậm giá trị văn hoá lịch sử.
Khảo sát do Tripadvisor thực hiện tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy, trải nghiệm du lịch văn hóa – lịch sử là một trong những tiêu chí cốt lõi tạo nên xu hướng du lịch năm 2022. Cụ thể, có đến 60% du khách Singapore cho rằng điều quan trọng trước mỗi chuyến đi là tìm hiểu về văn hoá và lịch sử của điểm đến. Con số này ở du khách Nhật Bản là 51%. 44% du khách Singapore, 34% du khách Mỹ và Anh đồng ý rằng nhu cầu “đắm mình trong trải nghiệm địa phương đích thực” trở nên quan trọng với họ hơn so với thời gian trước khi xảy ra đại dịch.
Nghiên cứu của Booking.com thực hiện cũng công bố kết quả tương tự với 84% du khách Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa của nơi mà họ đi du lịch. 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng.
Đồng thời, một số chuyên gia cũng nhận định tích cực về sự phát triển của du lịch gắn liền với văn hoá – lịch sử, đặc biệt là ở những khu di sản giá trị. Nhiều quốc gia châu Âu và châu Á thậm chí đã nâng cấp những tòa nhà di sản trở thành điểm tham quan kết hợp mua sắm ấn tượng.
Dorothy Chow, lãnh đạo công ty bất động sản Colliers khu vực châu Á cho biết: “Một khu di sản thường là một nơi đặc biệt với nhiều người. Những nơi này mang đậm yếu tố lịch sử và văn hóa địa phương. Ngày nay, người dân có nhận thức rõ ràng hơn về các yếu tố văn hóa, lịch sử, do đó xu hướng bảo tồn những di sản đang nổi lên. Việc bảo tồn các di sản cũng tạo ra cơ hội kinh doanh bởi những nơi này có thể trở thành một điểm bán hàng tốt, thu hút khách du lịch”.
Hướng đầu tư bất động sản mới
Sau những biến động của đại dịch, du lịch đang đứng trước những yêu cầu mới khi du khách tìm kiếm nhiều hơn từ những chuyến đi, kỳ nghỉ. Điều này đòi hỏi sự cải tiến và thay đổi về sản phẩm, chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng của ngành du lịch. Đây được xem là yếu tố ngầm thúc đẩy sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng gắn với văn hoá – lịch sử. Mô hình này không chỉ đáp ứng thị hiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế, nâng tầm điểm đến, phát huy giá trị đặc trưng của từng địa phương mà còn góp phần kiến tạo nên bản sắc của ngành công nghiệp không khói.
Sở hữu danh sách các di tích, danh lam thắng cảnh, hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn nghệ dân gian, bảo tàng… trải dài khắp đất nước, song, việc khai thác mô hình nghỉ dưỡng gắn với yếu tố văn hóa – lịch sử vẫn còn là một thách thức lớn tại Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, thị trường sẽ cần những chủ đầu tư có tâm, có tầm, phát triển bất động sản dựa trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa việc thu hút du khách và giữ gìn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương. Với những nền tảng và câu chuyện sẵn có, du lịch gắn với yếu tố văn hóa – lịch sử có thể không quá khó để khai thác, nhưng cũng không dễ dàng để tạo được ấn tượng và thành công. Sự am hiểu sâu rộng về “tinh thần bản địa” của toàn bộ đội ngũ, từ đơn vị thiết kế, phát triển, xây dựng dự án, cho đến nhân sự quản lý vận hành là một trong những yếu tố cốt lõi, thiết yếu quan trọng cần được quan tâm.
Là thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng đầu Việt Nam với hệ thống hơn 300 giải thưởng danh giá, tháng 10/2022, Flamingo Holding Group bất ngờ công bố xây dựng dự án 25ha giữa lòng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Dự án mang tên Flamingo Tân Trào, được kỳ vọng sẽ đón đầu xu hướng du lịch gắn liền với văn hoá – lịch sử, trở thành một điểm đến thu hút du khách đến lưu trú, trải nghiệm và mua sắm trong tương lai, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư mới với dư địa phát triển dồi dào, khả năng khai thác hứa hẹn trong bối cảnh những sản phẩm nghỉ dưỡng ven biển thông thường đã quá quen thuộc, nền giá bị đẩy lên cao như hiện nay.