Airbnb chính thức cấm tổ chức tất cả các bữa tiệc tại nhà

Airbnb đang cố khắc phục các mặt hạn chế trước đợt IPO vào năm 2020.

Airbnb đang cố khắc phục các mặt hạn chế trước đợt IPO vào năm 2020.

Airbnb tuyên bố ban hành lệnh cấm toàn cầu đối với bất kỳ sự kiện nào được khách thuê tổ chức, chẳng hạn như các cuộc gặp mặt để tiếp thị trên các mạng xã hội. Phó chủ tịch ủy thác của Airbnb, Margaret Richardson nói thêm rằng, bất cứ ai cố gắng phá vỡ lệnh cấm sẽ phải chịu “hậu quả”, bao gồm cả việc đình chỉ hoặc xóa tài khoản khỏi nền tảng.

Bên cạnh quy định trên, Airbnb cũng đưa ra các quy định rõ ràng về mức độ tiếng ồn, các hành vi vi phạm về khách trái phép, đậu xe trái phép, hút thuốc.

Airbnb cũng đang mở một đường dây nóng dành riêng cho các thị trưởng và các quan chức thành phố. Trong thời gian qua, nền tảng chia sẻ này đã vấp phải khá nhiều chỉ trích từ các chính quyền địa phương, do các vấn đề liên quan an ninh, giá nhà đất tăng cao, các đơn vị cho thuê nhà dài hạn sụt giảm, thay vào đó là phổ biến cho thuê ngắn hạn, gây mất cân bằng cung – cầu v.v…

Tháng trước, Airbnb đã hứa sẽ xác minh độ chính xác của các thông tin về ảnh, địa chỉ, chi tiết danh sách, mức độ an toàn và hơn thế nữa. Sắp tới, Airbnb sẽ hoàn lại tiền hoặc đặt lại phòng cho những khách hàng không hài lòng với chất lượng dịch vụ như quảng cáo của chủ nhà.

Những thay đổi này xảy ra sau vụ nổ súng tại một bữa tiệc lớn tại nhà gần San Francisco, khiến năm người chết và các vấn đề an toàn nghiêm trọng khác. Đây là một trong những động thái mạnh tay của Airbnb không chỉ dừng ở việc bảo về quyền lợi cho khách hàng, mà đằng sau còn là việc làm mới hình ảnh trước đợt IPO vào năm 2020.

Đến thời điểm hiện tại, ứng dụng Airbnb đã được phổ biến rộng rãi tại hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về lượng người truy cập ứng dụng này.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Công ty chủ quản Airbnb (tại thung lũng Silicon Valley, bang California, Hoa Kỳ), nếu như vào năm 2012, sau 5 năm thành lập, lượng sử dụng ứng dụng này khoảng 10 triệu lượt, thì đến hết năm 2018 đã tăng lên trên 60 triệu lượt người truy cập, Airbnb đã có mặt tại trên 34.000 thành phố lớn nhỏ trên toàn thế giới.

Nhiều thành phố, bao gồm Paris, Los Angeles và New York, đã ban hành lệnh cấm một phần hoặc các quy tắc nghiêm ngặt quản lý nền tảng này.

Mới đây tại Boston (Mỹ), Airbnb đã phải chấp nhận quy định mới của thành phố bằng việc yêu cầu chủ nhà đăng ký phòng cho thuê với thành phố.

Quy định này nhằm tránh tình trạng khan hiếm nhà ở, khi mà các chủ căn hộ sở hữu tài sản đáng ra để ở nhưng lại phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê. Hành động này khiến giá thị trường nhà đất lên cao và buộc cư dân lâu năm phải chuyển đi.

Quy định mới của Boston yêu cầu chủ nhà muốn cho thuê phòng vài sống ở đây ít nhất 9 tháng mỗi năm. Họ cũng bị giới hạn chỉ cho thuê một phòng/căn hộ và chủ hộ phải đăng ký với thành phố hàng năm cũng như trả phí thường niên. Các lượt cho thuê phòng hợp lệ sẽ hiển thị mã số ngay phía trên mục chính sách hủy phòng.

 

Còn tại Việt Nam, Airbnb đã có mặt được 4 năm và có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” của Outbox Consulting thống kê từ năm 2015 đến 2019, số lượng phòng Airbnb ở Việt Nam đã lên đến 40.804 cơ sở.

Như vậy, từ khi vào Việt Nam từ năm 2015, chỉ sau 4 năm từ con số 1.000 phòng (2015), số lượng phòng cho thuê đã tăng hơn 40 lần. Báo cáo đánh giá mức tăng trưởng ấn tượng này cho thấy dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú (home-sharing) ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 18.230 chủ nhà cho thuê các cơ sở lưu trú trên nền tảng này và có đến 69% số căn hộ/phòng ngủ cho thuê trên nền tảng Airbnb tại Việt Nam là multi-listing host, tức là những người chủ có nhiều hơn 1 căn hộ/phòng nghỉ cho thuê cùng lúc.

Tuy nhiên, trái với tốc độ phát triển nhanh của Airbnb, Việt Nam lại chưa có hành lang pháp lý để quản lý nền tảng kinh tế chia sẻ mới này. Điều này dẫn tới cạnh tranh thiếu lành mạnh với các cơ sở kinh doanh lưu trú, khi họ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ pháp lý từ thuế, đăng ký kinh doanh, báo cáo tạm trú … trong khi ngược lại các chủ hộ cho thuê qua Airbnb hoàn toàn không phải thực hiện những nghĩa vụ này. Điều này dẫn đến việc nhà nước thất thu thuế, không đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ…

Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng của các ngành du lịch, thuế, quản lý thị trường, bất động sản… cần nhanh chóng có những nghiên cứu, thống kê, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản lý cụ thể đối với mô hình kinh doanh này, bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tôn trọng luật pháp, cạnh tranh lành mạnh.

Nguyễn Long

Tin liên quan