Nhân ngày 20/11, chuyên gia Nguyễn Phi Vân thắc mắc: Nhà trường chưa bao giờ dạy ta môn “mục đích sống”

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia… 

Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, và “Con đường ngắn để bước ra thế giới”.

Nữ chuyên gia thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học bản thân từng kinh qua để gửi gắm độc giả về cuộc sống cá nhân cũng như công việc thường ngày. Những bài chia sẻ tuy ngắn nhưng đem lại hiệu quả đích thực dành cho thế hệ đi sau. Mới đây, nhân dịp 20/11 – suy nghĩ về sự dạy và sự học, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đã chia sẻ về một bộ môn ít ai ngờ tới:

“Nhà trường chưa bao giờ dạy môn gọi là “mục đích sống”. Chúng ta đi qua đời, nhỏ thì bị nhồi nhét kiến thức đủ các kiểu. Lớn thì bị đời dạy cho cách làm giàu, hơn thua, lưu manh, sát phạt nhau. Và chúng ta trôi, trôi trong mới đùn đẩy của cuộc sống mà chẳng hiểu vì sao mình ở đó.

Một năm qua, tin nhắn qua Facebok đến với tôi có vài lời cám ơn, đôi tiếng tri ân, nhưng phần lớn là chia sẻ những nỗi niềm đắng cay của hoàn cảnh, chia sẻ sự hoang mang, lạc lõng, bế tắc, cô đơn giữa những đại lộ đông người. 

Có lẽ, kiến thức ta học không giúp đối mặt được với hành trình cảm xúc trong cuộc sống này. 

Có lẽ, sự hơn thua trong đời chỉ làm cho con người ta quỵ xuống, đớn đau, mỏi mệt. 

Nhân ngày 20/11, chuyên gia Nguyễn Phi Vân thắc mắc: Nhà trường chưa bao giờ dạy ta môn mục đích sống - Ảnh 1.

Nhưng ta vẫn trôi. Và con cái chúng ta vẫn cứ lặp lại hành trình người lớn đã đi qua. Biết sai, nhưng không ai đủ dũng cảm để làm khác đi, dạy khác đi, sống khác đi. Vì khác, có nghĩa là nhận lãnh sự chỉ trích, sự dèm pha, sự quay lưng của cả vũ trụ này?

Ngày 20/11, tôi nghĩ về sự dạy và sự học. Tôi nghĩ về những lỗi lầm mình đã mắc phải, những con đường sai trái mình đã đi qua, những đớn đau khi nhận ra mình hoang phí thời gian vì những thứ chẳng có ý nghĩa trong đời, và tự hỏi, tại sao không ai dạy cho mình về mục đích sống từ những ngày còn thơ ấu? 

Tôi may mắn, vì đã tình cờ vấp phải bài này trên hành trình cuộc sống, khi nhận ra bản thân không hề hạnh phúc, dù học rất nhiều, làm rất nhiều, thành công vật chất và danh tiếng theo thang quánh gía của người đời là đủ cả. Tôi đã từng không hạnh phúc, cho đến khi hiểu ra mục đích cuộc đời mình.

Từ lúc hiểu ra, tôi làm nhiều hơn, cực hơn, xông pha hơn, và làm vì những điều lớn hơn cái tôi bé nhỏ của bản thân, làm vì một vũ trụ thênh thang hơn vài sự thoả mãn vị kỷ của phần con pha mấy phần người. Điều đó làm cho tôi hạnh phúc. 

Vậy, tại sao không ai dạy về mục đích sống? Vậy, sao không ai chỉ ra cho chúng ta một con đường thênh thang hơn những ganh ghét thiệt hơn? Nếu nền tảng là hạnh phúc, là mục đích sống mà nhân loại chúng ta vươn đến, phải chăng cách chúng ta sống, cách chúng ta dạy và học, cách chúng ta kiến tạo môi trường giáo dục sẽ không giống chút nào với những gì chúng ta đang bị buộc vào?

Bạn đã học môn “mục đích sống” như thế nào?”


PV

Tin liên quan