Xuất khẩu nông sản nhiều nhưng sao nông dân chưa giàu?

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 kể từ cuộc đối thoại đầu tiên của Thủ tướng với nông dân tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.

Ngoài 2.000 câu hỏi đã được gửi đến Ban tổ chức, tại hội nghị đã có 23 nông dân trực tiếp nêu hơn 50 câu hỏi với Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; tích tụ đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gain hàng trưng bày tại hội nghị.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội nghị.

Đối với nhóm vấn đề thứ nhất, nông dân Trần Công Danh, huyện Thới Lai – TP.Cần Thơ nêu câu hỏi: Vì sao trong lần đối thoại trước Thủ tướng có chỉ đạo Bộ NN&PTNN công bố giá cả, dự báo cung cầu thị trường nhưng tới nay vẫn chưa khắc phục được điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Xuất khẩu gạo Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa chỉ hơn 70.000 đồng/ngày, vậy Thủ tướng đã có chỉ đạo gì để nâng cao thu nhập cho nông dân?.

Trong khi đó, nông dân Trần Văn Thắng quan tâm về hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân Quách Thanh Sử, tỉnh Cà Mau cho rằng giá cả vật tư đầu vào để nuôi tôm quá cao nên lợi nhuận người nuôi không còn được bao nhiêu. Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 như mục tiêu Chính phủ thì cần phải có chiến lược hợp lý.

Nông dân Phạm Văn Thế huyện Kế Sách – Sóc Trăng cho biết, chủ trương liên kết chuỗi giá trị là đúng đắn tuy nhiên, thời gian qua liên kết 6 nhà: Nhà nước, nông dân, nhà phân phối, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng chưa chặt chẽ. Vậy Chính phủ đã có có giải pháp gì để thắc chặt mối liên kết này?

Tham gia trả lời các câu hỏi của nông dân đặt ra: Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa, 3,3 triệu tấn thịt heo, 1,3 triệu tấn thịt gà, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn…

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD. Cùng với đó, đời sống người nông dân cũng được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, bắt đầu xuất hiện nhiều “tỷ phú nông dân” với những điển hình tiêu biểu về sản xuất giỏi.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, năm 2019 cũng được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Đặc biệt là biến động về thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu kết luận phiên đối thoại thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cầm chiếc Smartphone đưa lên và đặt câu hỏi với Bộ KH-CN: “Thế giới đã bước sang kỷ nguyên số, công nghệ 4.0, vậy tại sao chúng ta chưa khai thác hết thành tựu khoa học đó để đưa và sản xuất, dự báo về thị trường và xúc tiến thương mại”?.

Trên cơ sở đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng yêu cầu các bô, ngành, địa phương sau hội nghị lần này phải có chương trình hành động cụ thể và đề xuất chính sách tăng cường hỗ trợ nông dân làm sao nâng cao được chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đồng thời Thủ tướng cũng lưu ý bản thân người nông dân cũng phải có khát vọng vươn lên làm giàu từ mãnh vườn thửa ruộng của mình, tự cứu mình không nên ỷ lại trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tin liên quan