Ngày 13/6/1995, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về quyết định của Wong Kwai-yung – vốn một người làm nội trợ ở đặc khu kinh tế Hong Kong (Trung Quốc), khi cô chọn đi bơi vào lúc sáng sớm tại bãi biển thuộc vịnh Clear Water Bay ở quận Sai Kung. Chính bởi quyết định ấy, Wong đã vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh Mặt trời được nữa.
Sự khó hiểu ở đây là vì trước đó 2 tuần, vùng nước này đã có 2 người thiệt mạng vì bị cá mập tấn công, trên tổng số 7 nạn nhân trong vòng 4 năm qua. Sự việc ấy đã khiến nỗi sợ bao trùm lên người dân xung quanh bãi biển, chẳng ai dám mạo hiểm nữa.
Nhưng Wong, suốt nhiều năm qua đã duy trì thói quen tắm biển vào lúc sáng sớm, cùng với một hội bơi lội gồm 50 người. Bản thân Wong cũng cảnh báo những người đồng hành phải thật cảnh giác, chỉ bơi ở sát bờ thôi.
Thế rồi, một tiếng thét vang lên…
Vùng biển nhuộm máu
Nhân chứng kể lại, họ nghe thấy tiếng hét thất thanh của Wong vào khoảng 8h sáng.
“Tôi mới hỏi cô ấy khi nào thì nên lên bờ. Wong bảo tôi cứ lên đi, cô sẽ lên sau. Khi mới vào bờ, tôi quay lại và trông thấy Wong đang nổi lên trên, nước xung quanh đầy máu,” – một người bạn của Wong trả lời phỏng vấn.
Lúc cứu hộ kéo Wong lên thuyền, chân trái của cô đã bị xé nát từ phần hông, trong khi cánh tay trái thì không còn nữa. Các bác sĩ sau đó nghi ngờ thủ phạm là nhiều hơn 1 con cá mập, bởi có 7 dấu răng trên phần bụng của Wong cùng 2 dấu khác ở phần đùi phải. Tất cả vết răng có độ rộng từ 3 – 8cm.
Tấm bảng cảnh báo cá mập trên bờ biển Sai Kung
25 năm trôi qua, Wong là nạn nhân cuối cùng tử vong vì cá mập được ghi nhận chính thức tại Hong Kong. Thảm kịch ấy cũng khép lại một chương đẫm máu trong lịch sử của đặc khu kinh tế này, ở thời điểm Hong Kong có số nạn nhân thiệt mạng vì cá mập nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên hành tinh.
Giai đoạn 1991 – 1995, ranh giới giữa thực tế và hư cấu cũng dần phai nhạt, khi những thảm kịch chủ yếu được người dân truyền miệng. Các tin đồn về việc trông thấy cá mập, nhiều thuyết âm mưu điên rồ được đặt ra. Có điều, cách nhà chức trách xử lý cá mập đã một thời trở thành tâm điểm của truyền thông.
Tiến sĩ Andy Cornish – một người lớn lên tại Hong Kong, nay đang quản lý chương trình khôi phục và bảo tồn cá mập của WWF (Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã), đã từng phải tự ngâm mình trong làn nước biển ở Sai Kung và trải nghiệm cảm giác cực kỳ căng thẳng với lằn ranh sống chết.
“Khi đó tôi đang làm đồ án về cá san hô tại đảo Sharp, chỉ cách vùng biển vịnh Clear Water một chút xíu, và đó cũng là thời điểm các vụ tấn công đang xảy ra liên tục.” – Cornish chia sẻ.
“Thực sự căng thẳng. Tôi có nghe nói người ta (nhà chức trách) dùng gà làm mồi dụ cá mập ở gần đó.”
Vic Hislop – một thợ săn cá mập khét tiếng tại Úc đã có mặt tại Hong Kong vào năm 1993, không lâu sau 2 vụ cá mập tấn công. Nhiệm vụ của Hislop là diệt bớt cá mập, giúp các vùng nước của Hong Kong trở nên an toàn hơn. Nhưng rốt cục thì chẳng săn được con nào, mà bản thân ông thì bị cảm lạnh, cộng thêm ngộ độc thức ăn.
Có tin đồn cho rằng Hislop nhanh chóng bị bí ý tưởng, bèn đề xuất việc buộc xúc xích vào một đàn vịt, lùa chúng ra biển để nhử cá mập, nhưng cũng chẳng thành công. Sau 2 tuần, Hislop chán nản và khăn gói bỏ đi.
Nhà chức trách cũng dần bó tay. Đã có lúc, người ta còn nghĩ đến việc lái trực thăng, thả… lựu đạn xuống nước nhưng không được thông qua. Một đài truyền hình tài trợ 100.000 đô Hong Kong (khoảng 500 triệu đồng hiện tại, tính cả lạm phát) để chế tạo lồng cá mập cho thợ lặn bảo vệ mình khi xuống săn cá. Nguồn tài trợ ấy cũng cạn kiệt sau khoảng 50 chuyến lặn, và cũng chẳng thấy con cá nào.
Thợ săn cá mập Vic Hislop (phải)
Trả lại thanh danh cho cá mập
Ngày nay, có thể gần như chắc chắn rằng trong 3 nạn nhân cuối cùng – vào giai đoạn 31/5 và 13/6 năm 1995, thủ phạm là một đôi cá mập hổ (tiger shark), dựa trên dấu răng trên thi thể của Wong và các báo cáo từ nhân chứng.
“Chúng ta đã biết nhiều hơn về cá mập hổ,” – Cornish chia sẻ. “Một chiến lược săn mồi phổ biến của chúng là săn đơn lẻ: mò đến nơi không có đối thủ cạnh tranh, đột ngột xuất hiện, tấn công và lại tiếp tục di chuyển. Có vẻ cặp cá mập ở Hong Kong đã làm như vậy.”
“Nhưng ở thời điểm đó hay lúc này cũng vậy, không có nhiều con mồi lớn. Chúng chỉ thử tìm một nguồn thức ăn khác bằng cách… cắn đại, và không may nạn nhân là chúng ta. Đó cũng là lý do vì sao có rất ít nạn nhân thực sự bị ăn thịt. Chúng chỉ cắn, cảm thấy không thích, rồi bỏ đi.”
Theo Yvonne Sadovy – một chuyên gia hải dương từ ĐH Hong Kong, thực ra các báo cáo về cá mập trước kia là rất ít. Chúng đến theo mùa, và mọi người thường quên rằng cá mập có tồn tại ở đó.
Nhưng qua thời gian, mọi chuyện thay đổi một cách chóng mặt. Đã 25 năm trôi qua, không có bất kỳ nạn nhân nào thiệt mạng vì cá mập nữa. Âu cũng bởi, việc đánh bắt quá mức đã khiến trữ lượng cá tại Hong Kong giảm mạnh trong 5 thập kỷ qua, bao gồm cả số lượng cá mập nữa.
Theo bản báo cáo công bố năm 2010 mà Sadovy là đồng tác giả, việc săn cá mập tại các vùng biển phía đông và nam Trung Quốc đã có từ 3000 năm trước. Trong giai đoạn thập niên 1950 – 1960, số cá mập đánh bắt còn tăng mạnh, rơi vào khoảng “9.000 đến 12.000 tấn mỗi năm.” Và đến giai đoạn 1970 – 1990, “gần như ngành đánh bắt cá mập trong khu vực đã sụp đổ.”
“Trong tổng cộng 109 loài cá mập từng xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có 18 loài còn được ghi nhận qua khảo sát, với 65% chưa trưởng thành,” – trích trong bản báo cáo.
“Các loài cá lớn đã biến mất. Tình hình vào năm 1970 thật sự tệ. Tôi có thể lặn khoảng 850 chuyến mới thấy 1 con cá mập. Trong vòng 10 năm, chẳng có báo cáo đáng tin cậy nào cả, vậy mà chúng vẫn có danh tiếng rất tệ. Cần biết rằng mỗi năm rắn giết chết 20.000 – 50.000 người, trong khi cá mập chỉ là 6.”
Tấm lưới được cho là thân thiện với môi trường hơn, dùng để chặn cá mập trên các vùng biển Hong Kong
Nhà chức trách vẫn quyết định lắp đặt những tấm lưới săn cá mập ở ít nhất 40 bãi biển. Họ sử dụng những tấm lưới có kích cỡ mắt khoảng 2,5cm – trong khi ở nhiều quốc gia khác là 18cm – kích cỡ được đánh giá là khá ổn đối với môi trường.
Nguồn: SCMP