Hành động của cô gái nghèo
Ngày xưa, có một ngọn núi nổi tiếng tên là Trú Ám Sơn, bởi vì có rất nhiều bậc thánh hiền và chúng tăng sống ẩn dật trên núi nên người dân khắp nơi đều tìm đến để đến cúng tế cầu phước.
Một ngày nọ, du khách tứ phương kéo đến đông nghịt, mang theo lễ vật lên núi, xếp hàng dài dằng dặc khiến một cô gái ăn xin bên lề đường ngạc nhiên và không ngừng ngưỡng mộ.
Cô thầm nghĩ: “Những người này sẽ đem lễ dâng lên các nhà sư, mình có thể nhân tiện xin đồ ăn!” Nghĩ vậy, cô gái đi theo mọi người và cũng đến được Trú Ám Sơn.
Khi khách thập phương đem sơn hào hải vị dâng lên các nhà sư, cô gái nghèo lặng lẽ đứng bên cạnh quan sát, cảm thấy buồn và khóc:
“Những vị trưởng lão ưu tú ở kiếp trước tích phúc, kiếp này nhận lại công đức, có phúc lại càng thêm phúc. Còn mình, thấp hèn khốn đốn, kiếp trước không tu luyện, kiếp này lại không thể tích phúc, kiếp sau có lẽ càng thêm bần cùng thấp hèn… Đúng rồi! Lần trước ta chẳng phải mình nhặt được hai đồng xu sao? Để phòng khi không xin được đồ ăn nên mình vẫn luôn cất giữ hai đồng xu này cẩn thận. Chi bằng mình đem dâng lên các chúng tăng, dù bị đói một hai ngày cũng không đến nỗi chết đói!”
Cô gái nghèo đã đưa ra quyết định của mình và vào lúc các nhà sư ngừng nhận lễ, cô cầm trong tay chỉ vẻn vẹn hai đồng tiền của mình đem dâng lên một cách cung kính. Số tiền nhỏ dường như không đáng kể, nhưng lại là tất cả những gì mà cô gái có.
Ảnh minh họa.
Ở Trú Ám Sơn, sau khi các tín đồ dâng lễ lên, sẽ có 1 nhà sư (được gọi là Duy Na) đứng ra cầu chúc cho họ. Thế nhưng khi cô gái nghèo dâng lên hai đồng xu đã mòn, vị cao tăng ngồi bên trên đã ra hiệu cho sư Duy Na rằng ông sẽ đích thân cầu chúc cho vị thí chủ này.
Các nhà sư còn lại không ngừng thắc mắc: “Những người giàu có thường dâng lên món đồ quý giá, cũng chỉ được sư Duy Na cầu chúc, còn cô gái nghèo này chỉ dâng lên hai đồng xu ít ỏi, vì sao vị cao tăng lại đích thân cầu chúc cho cô ấy? Thật kì lạ!”
Kết thúc lễ cầu nguyện, vị cao tăng có chủ ý để lại nửa bát cơm chia cho cô gái nghèo.
Mọi người thấy vị cao tăng cư xử như vậy với cô gái nghèo nên cũng thi nhau làm theo, chia đồ ăn thức uống của mình cho cô.
Lát sau cô gái nghèo nhận được rất nhiều món ngon, vui mừng khôn xiết và cho rằng phước lành này là do chút công đức khi nãy của mình đem lại, cô vô cùng biết ơn và trong lòng tràn đầy niềm tin.
Sau đó, cô đem đồ ăn thức uống được cho rời khỏi Trú Ám Sơn, dừng chân dưới bóng cây bên con đường lớn dẫn đến đô thành, mãn nguyện chìm vào giấc ngủ.
Vào lúc này, từ xa vọng lại tiếng vó ngựa, vị chiêm tinh của hoàng gia cùng một đoàn sứ giả tuân theo mệnh lệnh của nhà vua tìm kiếm người phù hợp với ngôi hoàng hậu, tình cờ đi qua nơi này.
Nhìn từ xa thấy nơi đây được bao phủ bởi những đám mây màu vàng, vị chiêm tinh nghĩ rằng ắt phải có người tài, liền dẫn mọi người đến chỗ cây đại thụ.
Dưới bóng cây yên tĩnh, ánh sáng ban nãy vẫn ở đó không dịch chuyển, như đang bảo vệ một cô gái xinh đẹp và tốt bụng dưới gốc cây.
Vị chiêm tinh ngay lập tức tuyên bố với các sứ giả: “Cô gái này có đủ phúc đức và rất xứng với ngôi hoàng hậu!”
Khi cô gái nghèo tỉnh giấc, thấy các thị nữ vây quanh hầu hạ, tắm gội thơm tho cho cô, khoác trang phục thật đẹp lên người cô, sau đó cô lên xe ngựa đến cung điện.
Sau khi vào cung điện, hoàng hậu mới đã được nhà vua vô cùng yêu mến. Cô luôn nghĩ: “Vinh hoa phú quý, tình yêu và danh dự ngày hôm nay, có được là nhờ hai đồng tiền đã dâng lên các nhà sư. Các tu sĩ ở Trú Ám Sơn thực sự là ân nhân vĩ đại của ta!”
Nghĩ vậy, nàng nói với nhà vua: “Thân phận của thiếp vốn bé nhỏ thấp hèn, chính người là người sủng ái cất nhắc đưa thiếp lên, thiếp mới có được địa vị, danh dự như hôm nay, liệu ngài có đồng ý cho thiếp trả ơn ân đức của các hiền nhân và tu sĩ ở vùng núi Trú Ám Sơn không?”
Quốc vương vui vẻ đồng ý.
Hoàng hậu sau đó dẫn theo đoàn người và xe, chở đầy châu báu và thực phẩm, để dâng lên các nhà sư.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, lần này khi nhà sư Duy Na cầu chúc như thường lệ, vị cao tăng ngồi bên trên chỉ im lặng lắng nghe mà không có bất kì biểu hiện nào.
Những nhà sư còn lại lại lần lượt ngạc nhiên: “Lạ quá! Cô gái nghèo dâng lên hai đồng xu trước kia được cao tăng đích thân cầu chúc; lần này hoàng hậu dâng lên những báu vật quý hiếm, dường như cao tăng lại không thấy không nghe!”
Sau đó, hoàng hậu thắc mắc hỏi: “Xưa kia khi ta nghèo hèn, đã dâng lên hai đồng xu tầm thường, được cao tăng đích thân cầu chúc cho ta, tại sao hôm nay ta đến đây để dâng lên những báu vật quý hiếm, ngài lại chẳng ban cho ta một lời nào?”
“Điều mà Phật pháp coi trọng không phải là châu báu, mà là sự thành tâm của lòng tốt. Mặc dù trước đây Hoàng hậu chỉ dâng lên hai đồng xu nhưng vô cùng chân thành, tấm lòng vô cùng lương thiện. Còn hôm nay tuy Người dâng lên châu báu nhưng trong lòng không để tâm, không được chân thành như trước, vì vậy bần tăng không đích thân cầu chúc cho Người.”
Sau đó, ông lại tiếp tục quay sang các nhà sư trẻ và nói: “Các con cũng nên tự hiểu rõ tâm niệm này của người xuất gia mới phải!”
Tất cả các nhà sư có mặt đều nghe thấy điều này, họ cảm thấy xấu hổ, thành tâm thành ý sám hối.
Còn hoàng hậu sau khi nghe lời bày tỏ của vị cao tăng, một mặt cảm thấy xấu hổ, mặt khác lại tràn đầy niềm vui vì đã biết ý nghĩa thực sự của việc cho đi.
Lời bình
Khi chúng ta cho đi, điều đáng quý nhất nằm ở sự chân thành và tôn trọng, chứ không nằm ở giá trị vật chất được cho đi đó nhiều hay ít.
Sự chân thành và tôn trọng trong việc cho đi có thể giúp cho con người giảm nghiệp chướng, tăng phúc đức và trí tuệ. Bằng cách cho đi, vứt bỏ lòng tham, sống vì người khác với trái tim thuần khiết, chúng ta sẽ nhận lại được vô vàn phúc đức.