Cụ thể, ngày 19/7/2022, Công ty CP Flamingo Holding Group báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên và sở ngành, địa phương liên quan về tình hình thực hiện và chủ động xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc (tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ).
Từ đề xuất của Công ty CP Flamingo Holding Group (chủ đầu tư dự án) và đề nghị của Sở Kế hoạch đầu tư, ngày 30/8/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyết định chủ trương đầu tư 3868/QĐ-UBND ngày 3/12/2020 về dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc.
Với diện tích gần 23ha, dự án hướng tới mục tiêu xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gồm: khu biệt thự nghỉ dưỡng, tổ hợp thương mại, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch chăm sóc sức khỏe – Spa, khu dịch vụ đảo. Theo quyết định chủ trương, dự án có tiến độ thực hiện từ quý IV/2020 đến quý II/2024, tổng vốn đầu tư khoảng 2.540 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Flamingo cho biết đã thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư với số tiền khoảng 12,7 tỷ đồng.
Vướng mắc, tồn tại chính trong quá trình thực hiện dự án là vấn đề giải phóng mặt bằng, thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cụ thể, tại dự án xuất hiện một số cá nhân không cư trú tại địa phương thực hiện mua gom đất của người dân để đầu cơ, xây dựng trái phép trên các thửa đất nông nghiệp. Diện tích đất thuộc sở hữu của các cá nhân này chiếm phần lớn diện tích đất của dự án nên rất khó khăn trong thỏa thuận.
Nhà đầu tư cho biết đã rất cố gắng, thiện chí trong thỏa thuận giá trị chuyển nhượng cũng như các ưu đãi khác để mong muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cá nhân này nhưng không đạt được kết quả. Lý do là các cá nhân này yêu cầu đơn giá đền bù rất bất hợp lý (có trường hợp yêu cầu giá trị đền bù tăng 5-10 lần so với giá trị đền bù theo phương án).
Theo Flamingo Holding Group, việc người dân địa phương khác mua gom đất để đầu cơ, đón đầu dự án sẽ làm tiền lệ xấu trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trong quá trình thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai dự án, các hộ dân (là cư dân địa phương) đều có nhu cầu được sinh sống, lưu trú tại địa phương đã gắn bó lâu năm nên việc thỏa thuận chuyển nhượng mà không có đất tái định cư cho các hộ dân là không khả thi.
Đây cũng là khó khăn lớn nhất trong quá trình bồi thương, giải phóng mặt bằng của dự án nói riêng và các dự án trên địa bàn huyện Đại Từ, Flamingo Holding Group nhấn mạnh.
Với tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh Thái Nguyên luôn có tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Trên chặng đường phát triển của tỉnh với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở của lãnh đạo, ngành du lịch đang từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế nòng cốt quan trọng.
Trong giai đoạn này, Flamingo cho biết vẫn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các dự án khác tại Thái Nguyên dưới sự cho phép của chính quyền tỉnh, đồng hành cùng địa phương phát triển về kinh tế trong tương lai.
Chia sẻ với TheLEADER, đại diện Flamingo Holding Group cho biết, việc một số nhà đầu tư, phát triển bất động sản lớn chủ động xin ‘rút’ khỏi dự án (dù đã đảm bảo thủ tục chủ trương đầu tư, cũng như đang trong thời gian triển khai dự án) tại một số địa phương (như Quảng Ninh, Khánh Hòa…) là điều không ngạc nhiên.
Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến chủ đầu tư ‘cài số lùi’ là vấn đề gian nan, vướng mắc trong thỏa thuận đền bù với người dân sở tại. Theo đó, giá đền bù bất hợp lý (cao từ 5-10 lần so với giá đền bù theo phương án) và việc không có quỹ đất tái định cư tại chỗ cho cư dân địa phương là yếu tố khiến quá trình thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (để triển khai dự án) trở nên bất khả thi.
Đồng thời, nhà đầu tư khuyến nghị, việc chủ động xin dừng đầu tư dự án là điều ‘cực chẳng đã’, do phải cân đối giữa kế hoạch và phương án tài chính kinh doanh.
Theo đại diện truyền thông của Flamingo, một trong những giải pháp ở đây, nên chăng là cách vận dụng linh hoạt các chính sách liên quan của nhà chức trách nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở các công đoạn thủ tục sau khi cấp chủ trương đầu tư (như phối hợp thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng). Nếu hài hòa được mục tiêu tạo động lực thu hút các nguồn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội chung của địa phương với kế hoạch, phương án đầu tư của doanh nghiệp thì chẳng nhà đầu tư nào xin rút khỏi dự án như vậy.