Ngày 25/5/2020 – có lẽ chưa bao giờ là ngày mà George Floyd nghĩ rằng mình sẽ chết.
George Floyd, năm nay 46 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Bắc Carolina, được bạn bè và người thân gọi bằng cái tên “Big Floyd” do chiều cao vượt bậc . Floyd là cha của 1 bé gái 6 tuổi (hiện đang ở với mẹ), công việc là một tài xế xe tải và bảo vệ tại một nhà hàng ở Minneapolis. Anh vừa mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Buổi tối định mệnh ngày 25/5, Floyd bước vào cửa hàng tạp hoá để mua một bao thuốc lá.
Floyd khi đó, hẳn không biết rằng mọi chuyện xảy ra khi anh rời cửa hàng sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình, và làm rung chuyển cả nước Mỹ những ngày sau đó. Ai trong chúng ta sau khi mua một bao thuốc lá có thể nghĩ được rằng: Mình sẽ chết bởi bị cảnh sát ghì chặt vào cổ, ép xuống mặt đường ngay bây giờ? Ai trong chúng ta nghĩ được rằng, mình sẽ bước ra đường ngày hôm nay và không bao giờ tỉnh dậy nữa, chỉ vì bị một lời nói vu vơ đã tiêu 1 tờ 20 đô giả? Trong một thế giới hiện đại, tự do và văn minh, ai có thể nghĩ đến một kịch bản tàn bạo và vô lý đến như vậy cho cái chết của mình?
Mỉa mai thay, giữa một đất nước đề cao sự giàu có, công bằng và tự do, kịch bản đó lại là thứ mà hàng triệu người Mỹ da màu đang phải đối mặt và sống chung. Những cái chết bất thình lình, vô cớ và nhuốm màu bạo lực với hung thủ là cảnh sát, là những kẻ da trắng cực đoan, với lý do như: Nghi ngờ tiêu tiền giả sau khi đi mua thuốc lá (George Floyd), đi mua kẹo Skittles và trà chanh (Trayvon Martin),… bên cạnh những cuộc đàn áp bạo lực diễn ra như cơm bữa mỗi ngày ở bất cứ đâu. Cuộc sống của người Mỹ gốc Phi trên chính nước Mỹ chưa bao giờ dễ dàng.
Trong những đoạn băng được người đi đường ghi lại, George Floyd bị khoá cứng cổ, giãy giụa để thoát ra nhưng không được, gương mặt anh sau đó tái dần, thoi thóp những lời cuối: “Tôi không thở được”, và cuối cùng là bất động. Anh qua đời trong bệnh viện sau đó vài chục phút. Điều làm người ta phẫn nộ nữa, là trong suốt khoảng thời gian tiếp xúc với cảnh sát, George không hề có dấu hiệu phản kháng nặng nề mà chỉ tìm cách thoát thân. Thế nhưng, 4 gã cảnh sát vẫn một mực kéo anh vào xe, và ghì chặt anh xuống đất bằng cú đòn hiểm.
Cuộc sống của những mạng người da đen “không-đáng-giá”
Năm 2018, nghệ sĩ hiphop Childish Gambino tung ra MV có tên “This is America” – Đây là nước Mỹ – để kể lại một câu chuyện trần trụi của một nước Mỹ đương đại. Trong MV đó, dưới một nhà kho điêu tàn, người da đen vô tư nhảy nhót, hát hò trên nền là sự loạn lạc của một xã hội với những vụ thảm sát, bạo lực và vũ khí. MV châm biếm câu chuyện về cuộc sống của người Mỹ gốc Phi hiện tại, họ bị buộc phải sống, phải chấp nhận sự đè nén và những bất công, xung đột, sự kỳ thị như một phần của đời thường.
Cuộc xung đột sắc tộc giữa người da trắng và người da đen trên mảnh đất rộng lớn này vẫn luôn âm ỉ cháy và chỉ chực chờ những mồi lửa để được thổi bùng lên, và đào sâu thêm khoảng cách chủng tộc một cách đầy nghiệt ngã. Lần này, mồi lửa nhóm lên chuỗi ngày bạo loạn của người Mỹ, chính là cái chết của George Floyd.
Xuyên suốt hàng chục, hàng trăm năm, sự đàn áp và thói phân biệt chủng tộc trên trở thành một câu chuyện quen thuộc, thậm chí là một trạng thái cực kỳ “bình thường” của xã hội Mỹ. Người Mỹ gốc Phi phải sống trong sự bất bình đẳng về việc làm, về lương và song song với đó là sự đàn áp mạnh tay về bạo lực. Theo một số liệu từ báo chí của Mỹ, mỗi năm nước Mỹ có 1000 – 1200 người thiệt mạng vì các hoạt động của cảnh sát, trong đó 25% là người da màu. Trong khi đó, số người da đen chỉ chiếm 13% dân số Mỹ. Bên cạnh đó, người ta cũng chỉ ra rằng nguy cơ đàn ông da đen bị cảnh sát giết là 1:1000, và 99% cảnh sát không phải chịu cáo buộc sau khi giết người.
Chính sự bất công trong thể chế đã tạo ra một lỗ hổng quá lớn trong xã hội Mỹ, và lấp đầy lỗ hổng đó chính là cái chết oan của những người da đen. Những cái chết của Trayvon Martin, cái chết của Michael Brown, Ahmaud Arbery, Eric Garner…. và gần đây nhất là George Floyd là đại diện cho hàng thập kỷ sống trong nỗi sợ sẽ bị giết, sẽ bị đánh đập mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Hoặc thậm chí, chẳng cần ra khỏi nhà – thì cảnh sát cũng có “lệnh khám nhà không cần gõ cửa”. Như trường hợp của Breonna Taylor, người qua đời do bị cảnh sát ập vào, bắn 8 phát vào người khi đang ngủ ở nhà cùng bạn trai, do bị tình nghi nhận ma tuý (Dù 2 đối tượng cảnh sát nhắm tới lại sống ở cách đó 10 dặm).
Khoét sâu xung đột chủng tộc
Tính đến thời điểm hiện tại, những cuộc bạo động diễn ra sau cái chết của George Floyd đã lan rộng toàn nước Mỹ. Có ít nhất 40 thành phố, bao gồm cả thủ đô Washington phải áp lệnh giới nghiêm, 5.000 thành viên Lực lượng Vệ binh quốc gia đã được kích hoạt tại 17 bang. 2.500 người biểu tình đã bị bắt giữ. Theo NewYork Times, đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ có nhiều thị trưởng công bố lệnh giới nghiêm cùng lúc như vậy. Giới truyền thông Mỹ đánh giá, kể từ cuộc ám sát Martin Luther King vào năm 1968 thì đây chính là phong trào biểu tình, bạo loạn nghiêm trọng nhất.
Có nhiều yếu tố dẫn đến sự bùng phát như một quả bom của phong trào biểu tình lần này. Sự tàn phá của Covid-19 đến đởi sống người Mỹ, đặc biệt là người da đen đã đẩy cộng đồng này vào tình cảnh khốn cùng trong suốt nhiều tháng qua. Nỗi lo sợ về một tương lai u ám hậu Covid khi nền kinh tế đóng băng, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt mà người da đen chính là đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất. Giữa nghịch cảnh, người ta nhận ra khoảng cách giàu – nghèo và sự phân biệt đối xử màu da trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Bản thân George Floyd cũng là một nạn nhân điển hình của đại dịch: Một người đàn ông trung niên bị mất việc.
Nước Mỹ chưa có một đêm nào yên giấc kể từ cái ngày hình ảnh George Floyd thều thào: “Tôi không thể thở” được viral khắp nơi. Không chỉ dừng lại ở những buổi tuần hành phản đối trong ôn hoà, mà mọi chuyện bắt đầu tệ đi với những màn cướp bóc, đập phá và bạo lực leo thang. Một người biểu tình đã bị kẻ lạ mặt bắn chết ở Detroit, và 1 cảnh sát cũng thiệt mạng ở Oakland. Khu Mahattan của NewYork – biểu tượng của sự giàu sang và phồn hoa nước Mỹ, trở thành mục tiêu bị tàn phá nặng nề khi đoàn biểu tình đi qua. Những cửa hàng của các thương hiệu lớn nhất thế giới ở Soho, hay những bách hoá nổi tiếng… đều bị cướp phá, hôi của nặng nề, để lại một đống hoang tàn giữa hỗn loạn. Nếu ai đó cắt một phân cảnh chụp màn hình trong một bộ phim hành động siêu anh hùng của Mỹ, hẳn cũng sẽ thấy ít nhiều điểm tương đồng. Duy chỉ có điều, vẫn chưa có siêu anh hùng nào có thể cứu người Mỹ ra khỏi thảm hoạ này. Thảm hoạ của những bất công nghiệt ngã và sự đè nén con người có thể đẩy mọi chuyện đi xa ra sao.
Chúng ta đều giống nhau
Sẽ có nhiều luồng ý kiến phản biện lại về lý do người da đen lại trở thành đối tượng bị đàn áp tại Mỹ, cũng như sự khác biệt giữa những chủng tộc trong xã hội. Thế nhưng, đứng trước lằn ranh sinh tử, dù bạn là người da màu, da đen hay da trắng,… thì bên trong bạn cũng có một trái tim, một khối óc, một hơi thở. Không một ai có quyền tước đi những điều ấy từ bạn, hay đàn áp bạn chỉ vì những khác biệt bên ngoài.
Trong cảnh cuối của This is America, Childish Gambino cùng những người da đen khác chạy hết tốc lực với gương mặt hoảng loạn trong một đường hầm tối đen như mực, giống như cách người da đen đang sợ hãi chạy trốn khỏi những gì số phận dành cho. Nhưng, hàng triệu người Mỹ da đen đang từ chối chạy trốn, họ lựa chọn đương đầu và giành lại công lý cho chính mình và đồng bào.
Giữa bạo loạn, chúng ta lại được nhìn thấy những hình ảnh rất đẹp về tình người, về lòng mưu cầu sự tự do, công bằng trong yêu thương. Đó là bức ảnh hàng loạt cảnh sát Mỹ, từ bỏ dùi cui, quỳ gối, đọc tên từng người Mỹ da màu từng thiệt mạng. Họ quyết định đồng hành cùng người biểu tình bằng một hành động hoà bình, ấm áp và đầy trân trọng. Xung quanh, đám đông hò reo rồi cùng tiến đến ôm chặt họ trong vòng tay. Sự đoàn kết và thấu hiểu mới thực sự là ý nghĩa mà mọi cuộc biểu tình, mọi phong trào cùng hướng đến, chứ không phải súng nổ, sự thù ghét, sự chia rẽ để leo thang thành bạo lực và cái chết.
Hình ảnh các sỹ quan cảnh sát quỳ gối thể hiện sự trân trọng và đoàn kết.
Giữa bạo loạn, chúng ta được thấy những cánh tay chìa ra từ khắp nơi trên thế giới. Dù là ở Mỹ hay Anh, dù là xuống đường cùng tuần hành hay post 1 tấm ảnh kêu gọi sự chú ý từ bạn bè khắp nơi, tất cả đều là những cử chỉ của tình yêu thương, của lòng nhân ái và khát khao chúng ta, rồi đây sẽ xoá bỏ những lằn ranh của phân biệt màu da, phân biệt chủng tộc. Mới đây nhất, các nghệ sĩ, công ty âm nhạc và cư dân mạng thế giới đồng loạt treo một tấm ảnh màu đen trên khắp các nền tảng MXH, với lý giải đây là Black out Tuesday. Toàn bộ các show diễn ca nhạc diễn ra trong ngày hôm nay sẽ được tạm ngưng, và không có ca khúc hay album nào được phát hành. Tất cả các sự kiện âm nhạc, họp fan… cũng không được tổ chức. Tất cả để dành tiếng nói và sự lắng nghe cho những thông tin của phong trào biểu tình Black Lives Matter.
Black Out Tuesday – Phong trào mới trên MXH đang được các ngôi sao lẫn người dùng Internet nhiệt tình hưởng ứng.
Justin Timberlake, Selena Gomez… và rất rất nhiều cái tên nữa cũng đang cùng đứng lên, đồng hành và hoà tiếng nói với những người anh em da màu.
Và cuối cùng, từ lòng yêu thương, chúng ta sẽ lại thắp lên một ánh sáng hy vọng rực rỡ: Rằng sẽ không còn thêm một George Floyd nào nữa, không thêm 1 Michael Brown nào nữa, không thêm một Trayvon Martin nào nữa,…
Vì sinh mạng tất cả chúng ta đều đáng giá giống nhau.