Nguồn lực đất đai bị “tắc nghẽn”
Trong số hàng nghìn ha đất dự án bỏ hoang ở Hà Nội, chỉ riêng huyện Mê Linh đã có hơn 2.000ha. Tính theo số dự án, Mê Linh cũng có tới hơn 60 dự án chậm tiến độ trên 10 năm, chiếm 10% số dự án chậm triển khai của Hà Nội.
Đáng chú ý, thực trạng này đã tồn tại âm ỉ hơn chục năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, phải đến thời gian gần đây mới “sục sôi” trở lại khi UBND huyện Mê Linh rà soát đánh giá 64 dự án chậm triển khai trên địa bàn và kiên quyết kiến nghị thu hồi gần 1.000ha đất của 14 dự án “treo” lên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Báo cáo gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hồi cuối tháng 2/2023 của UBND huyện Mê Linh cho biết, qua kiểm tra, rà soát 64 dự án trên địa bàn huyện có 49 dự án là đô thị, nhà ở và 15 dự án là sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp và bệnh viện.
Đây đều là các dự án được hình thành từ trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội (năm 2008) và thuộc loại chậm triển khai từ trên 10 năm nay. Nguyên nhân các dự án chậm triển khai về khách quan là do điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, chênh lệch giá đất bồi thường hỗ trợ giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc, đặc biệt là chính sách đất dịch vụ không kịp thời được tháo gỡ. Về nguyên nhân chủ quan là do năng lực các nhà đầu tư còn yếu kém, nhiều chủ đầu tư ôm đất “xí phần”nhưng không thực hiện dự án theo đúng quy định.
Cần phải nói thêm rằng, giai đoạn năm 2008 là thời điểm bất động sản Mê Linh sốt nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư do thông tin được hợp nhất về Hà Nội, cùng lợi thế là huyện ngoại thành sát trung tâm thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi. Sau khi được phê duyệt dự án, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền, huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng.
Tuy nhiên, cơn sốt đất kéo dài không lâu thì thị trường bất động sản đóng băng, giá đất tại Mê Linh giảm mạnh “không phanh”, nhiều dự án rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Điều này càng làm trầm trọng thêm thực trạng dự án bỏ hoang tại Mê Linh.
Các dự án chậm tiến độ tại huyện Mê Linh, phần lớn đã huy động vốn từ khi chưa giải phóng mặt bằng. Có nhiều dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất nhưng chưa thực hiện mà bỏ hoang suốt nhiều năm qua.
Trong khi đất đai là tiềm lực rất lớn để phát triển kinh tế cho các địa phương thì những dự án này đã gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đất đai. Đơn cử như tại Hưng yên, thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2022 của địa phương này đạt kỷ lục hơn 44.000 tỷ đồng, trong đó có các khoản thu về nhà đất tăng cao trên 2.200% do nguồn thu thuế từ hai dự án đại đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, thu nội địa của Hưng Yên đạt trên 41.000 tỷ đồng, vươn lên xếp thứ ba cả nước chỉ sau TP. HCM và Hà Nội. Còn tính theo tổng thu ngân sách Nhà nước, Hưng Yên đứng ở vị trí số 6 (xếp sau TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương).
Nguồn thu thuế từ hai dự án đại đô thị Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup trong 8 tháng đầu năm 2022 đã nộp tổng cộng 34.867 tỷ đồng vào ngân sách, chiếm gần 80% số tiền sử dụng đất tỉnh Hưng Yên thu được.
Được biết, hai dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 293ha và 486ha, gần tương đương so với gần 1.000ha đất của 14 dự án “treo” tại Mê Linh được kiến nghị thu hồi. Những con số biết nói này đã cho thấy sự đáng tiếc rất lớn của Mê Linh khi để bỏ hoang một diện tích đất đai rất lớn không được đưa vào phát triển kinh tế cho địa phương.
Cần quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai
Không chỉ nhà nước không thu được thuế, dự án không được xây dựng để đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, các dự án chậm triển khai còn khiến Mê Linh bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khi nhiều doanh nghiệp khác muốn đầu tư nhưng cũng không còn quỹ đất.
Điều này đã càng làm chậm quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tạo ra bức xúc lớn trong dư luận. Đáng chú ý, thực trạng dự án bỏ hoang đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Năm 2019, câu chuyện thu hồi các dự án đắp chiếu tại Mê Linh đã từng gây dậy sóng dư luận, tuy nhiên sau đó, mọi việc vẫn không có giải pháp xử lý dứt điểm, phải đến thời gian gần đây mới có những động thái “mạnh tay” hơn từ phía chính quyền địa phương và UBND TP. Hà Nội.
Được biết, đối với các dự án đô thị chậm triển khai, vấn đề này chủ yếu thẩm quyền thuộc thành phố, tuy nhiên, huyện Mê Linh đã rất chủ động làm việc với từng doanh nghiệp để kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án. Với những dự án mà chủ đầu tư chây ỳ, cố tình không thực hiện thì kiên quyết đề xuất thu hồi”. Điều này cho thấy sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền huyện Mê Linh trong việc quyết tâm hồi sinh các dự án “treo” trên địa bàn nhiều năm qua.
Với 44 dự án tiếp tục được triển khai, UBND huyện Mê Linh đề xuất thành phố chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành liên quan sớm thực hiện điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư và bàn giao đất cho doanh nghiệp khởi công dự án. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu các doanh nghiệp có văn bản cam kết về năng lực tài chính, con người, máy móc để khẩn trương thực hiện dự án.
Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư dự án nếu không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa sẽ được cho phép gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi.
Song, trong thực tế, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không quyết tâm có giải pháp triệt để, có lẽ các dự án này vẫn tiếp tục còn “đắp chiếu” thêm nhiều năm nữa. Kéo theo đó là sự đáng tiếc khi Mê Linh vẫn chìm trong “giấc ngủ đông kéo dài”, chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng về vị trí và nguồn lực.