Trước thực trạng kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp, chỉ tăng trưởng 0,7% so cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thẳng thắn đánh giá tăng trưởng của TP.HCM lần đầu tiên xấu đến mức báo động kể từ năm 1982 đến nay.
Cụ thể, 9 ngành dịch vụ được xác định trọng yếu thì có đến 4 ngành tăng trưởng âm. Trong đó kinh doanh bất động sản là ngành có tỷ trọng tăng trưởng âm lớn nhất với 16%, kế đến là y tế và hoạt động cứu trợ xã hội 4,8%, vận tải kho bãi 0,6%, thông tin và truyền thông giảm 2,7%.
Tại cuộc họp tình hình kinh tế xã hội quý 1 diễn ra ngày 1/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo đối với thị trường bất động sản, không để tình trạng đùn đẩy văn bản sở này qua sở kia hoặc im lặng.
Tập trung gỡ vướng cho 40 dự án trong quý II và rà lại danh sách để xác định nhóm 138 dự án mà Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) báo cáo để giải quyết triệt để.
Ông Mãi đề nghị giải quyết công việc theo ba nhóm. Đối với nhóm có thể giải quyết được ngay, cần giải quyết trong thời hạn quy định.
Nhóm việc cần có sự phối hợp với các cơ quan khác thì chủ động phối hợp, đeo bám và cơ quan nào không có ý kiến là coi như không đồng ý, không phải chờ trả lời. Cuối cùng là nhóm các công việc còn vướng mắc phải báo cáo UBND thành phố để có ý kiến xử lý.
Từng dẫn đầu cả nước về cả nguồn cung và cầu nhưng thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM gặp nhiều khó khăn.
Số liệu tổng hợp từ HoREA, cho thấy giai đoạn từ 2018-2021, số tiền sử dụng đất TP.HCM thu được bị sụt giảm mạnh.
Cụ thể, số thu tiền sử dụng đất năm 2021 chỉ đạt 7.560 tỷ đồng, gần bằng số thu năm 2020 là 7.634 tỷ đồng, bằng một nửa số thu năm 2019 và chỉ bằng 1/3 số thu tiền sử dụng đất năm 2017.