Tình người với du học sinh Việt ở Úc

Mấy ngày qua, một số bài báo dịch tiếng Việt chưa rõ ý, gây lo ngại khi cho rằng chính phủ Úc “mời” sinh viên và người lao động nước ngoài, trong đó có sinh viên Việt, nếu không đủ điều kiện trang trải thì nên về nước trong thời điểm dịch Covid-19 .

Trên thực tế, chính phủ Úc ngày 4-4 đã công bố quyết định cho phép lao động người nước ngoài kéo dài thời gian lưu trú trong đại dịch vì trên thực tế, việc các hãng hàng không ngưng vận chuyển những chuyến bay từ Úc vào Việt Nam hoặc ngược lại vẫn còn hiệu lệnh. Theo báo chí và truyền hình được phát tại Melbourne, Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud của Úc đã cho biết những lao động người nước ngoài làm việc kết hợp kỳ nghỉ và làm việc theo thời vụ sẽ được kéo dài thời gian lưu trú thêm nhiều nhất là một năm tại Úc.

Chính phủ Úc tạo mọi điều kiện nếu họ đang làm việc cho các cơ quan nghiên cứu, gieo trồng nông nghiệp, ưu tiên nhất là ngành y tá, chăm sóc sức khỏe. Bà con kiều bào ở đây quan tâm vì trước đại dịch, rất nhiều gia đình bảo lãnh cha mẹ là người lớn tuổi sang Úc du lịch, chăm nom con cháu, không lẽ bây giờ “đuổi” họ về gấp.

Do vậy, chính phủ Úc ưu tiên cho người cao tuổi mong muốn ở lại để giúp con cháu. Còn với người lao động làm những ngành đang cần như: xây dựng, y tế, chế biến thực phẩm, bào chế thuốc, dụng cụ y khoa… sẽ được miễn trừ với quy định không được làm cho cùng một chủ trong thời gian quá 6 tháng. Thông báo còn ghi rõ khi hết thời hạn làm việc theo chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ, nếu người lao động nước ngoài không thể trở về nước, họ sẽ được hỗ trợ để làm một công việc mới trong ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, bất kỳ người lao động nào chuyển đến làm việc tại một khu vực mới đều phải tự cách ly trong 14 ngày trước khi bắt đầu công việc để tránh lây lan bệnh dịch. Đồng thời, chủ lao động và chính quyền địa phương cần bố trí nơi cách ly và nơi ở phù hợp cho họ.

Chính phủ Úc cũng cảnh báo những người lao động nước ngoài bị phát hiện vi phạm các quy tắc cách ly xã hội sẽ bị hủy thị thực và trục xuất về nước. Sáng nay, vợ chồng tôi cũng đã xem tivi và biết rằng Bộ Di trú của Úc cho biết những người lao động nước ngoài có tay nghề bị mất việc làm nhưng không phải bị sa thải, có thể được gia hạn thị thực theo các quy định chung, trong khi các doanh nghiệp có thể giảm giờ làm của những lao động này mà không bị coi là vi phạm các điều kiện quy định.

Nói chung, trong bối cảnh đại dịch khiến hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế, trong đó có người Việt, ở Úc gặp nhiều khó khăn, rất nhiều sinh viên mất việc làm thêm mà không nhận được các khoản hỗ trợ phúc lợi. Bà con kiều bào ở Úc rất nhân ái, nhiều gia đình đã không tính tiền thuê nhà trong 2 tháng, có nơi phát cơm cho các sinh viên.

Trên nguyên tắc, khi được cấp visa du học, các gia đình người Việt đều cam kết sẽ có đủ tài chính để lo cho con em mình. Vợ chồng tôi cũng đã hướng dẫn nhiều du học sinh cách thức thông tin đến Đại sứ quán Việt Nam hoặc các trường các em đang học để nhờ tư vấn. Thực tế, nhiều sinh viên đã ở Úc hơn một năm và có việc làm thêm, các em sẽ được phép rút tiền từ tài khoản lương của mình để chi tiêu.

Trong khi đó, đối với sinh viên năm thứ nhất, trong đơn xin thị thực, các sinh viên này đã phải chứng minh việc tự trang trải cuộc sống trong năm đầu tiên đi học. Chính phủ Úc trước đó thông báo những người nước ngoài đang tạm trú và có giấy phép làm việc tại Úc sẽ được phép rút tối đa 10.000 AUD (6.500 USD) từ quỹ lương (nếu có) trong năm tài chính hiện nay để có tiền trang trải cuộc sống.

Biện pháp này cũng đang được áp dụng với công dân Úc và người thường trú tại nước này. Xin nhắc lại, ngày 3-4, Thủ tướng Úc Scott Morrison cảnh báo bất kỳ người nào không có nguồn tài chính bảo đảm nên rời khỏi Úc chính là vậy. Còn ai có đủ nguồn tài chính vẫn an tâm không bị trục xuất như tin đồn mấy ngày qua.

 Tình người với du học sinh Việt ở Úc - Ảnh 1.


Theo Nghệ sĩ Hoài Thanh – Đỗ Quyên (từ Melbourne)

Tin liên quan