Những ngày Tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với người Việt Nam và cả một số người nước ngoài chúng tôi. Dịp này giống như kỳ nghỉ gộp của lễ Giáng sinh, Năm mới và Kỳ nghỉ mùa xuân của trường đại học. Chính vì vậy, năm mới của người Mỹ chỉ là một, hai ngày nhưng Năm mới của người Việt kéo dài nhiều tuần lễ.
Tặng phong bao lì xì trong những ngày đầu năm mới là một phong tục tuyệt vời. Tôi thích được tự tay lì xì cho tất cả những người đã giúp cuộc sống của tôi dễ chịu hơn trong năm qua.
Đó là cô gái có biệt danh Maruko, nhân viên mẫn cán nhất của cửa hiệu Café Starbucks ngay sát toà nhà của chúng tôi trong nhiều năm qua. Bước chân vào quán, chỉ cần nhìn thấy cô ấy với nụ cười tươi tắn là khách hàng nào cũng sẽ cảm thấy phấn chấn hơn.
Một người nữa là cô gái tên Hạnh của cửa hàng tạp phẩm L’s Place trong trung tâm thương mại gần nhà. Với cô ấy, mọi khách hàng đều quan trọng và cô luôn dành một sự chăm chút đặc biệt cho gia đình chúng tôi: sẵn sàng gọi điện đến các cửa hàng khác cùng chuỗi để tìm cho chúng tôi một sản phẩm không có sẵn, giữ hàng chờ chúng tôi sang lấy, gọi điện báo khi hàng về…
Rồi tiếp đó là đội ngũ nhân viên của phòng tập nơi tôi thường lui tới – họ rất biết cách để khiến bạn phấn khởi đến mức bạn cảm thấy như mình có thể trở thành nhà vô địch Olympic.
Tất nhiên không thể không nói đến các nhân viên phục vụ ở chung cư của chúng tôi, những người thực sự có một không hai. Đó là chàng trai trẻ tên Tuân, nhân viên kỹ thuật của toà nhà. Đây là người làm nghề giỏi nhất mà tôi từng gặp trên khắp thế giới. Cậu ấy có thể giải quyết được tất cả mọi rắc rối – tôi tin rằng nếu ở đây có lò phản ứng hạt nhân hay tàu ngầm thì cậu ấy cũng xử lý được hết. Đội ngũ lễ tân toà nhà cũng thực sự ấn tượng: họ khiến bạn thấy thật vui khi trở về nhà. Rồi cả đội dọn dẹp vệ sinh cũng đều là những con người tuyệt vời không kém.
Với tất cả những người này, một phong bao lì xì dịp năm mới chính là một lời cảm ơn không nói bằng lời.
Và việc mừng tuổi bao lì xì thực sự thú vị hết sức khi chúng tôi gặp gỡ các gia đình bạn bè có trẻ nhỏ. Chúng tôi tặng con họ bao lì xì và họ lại tặng lại trẻ nhà chúng tôi những bao lì xì khác. Nói như vậy sẽ có người cho rằng vậy sao phải lì xì – không tặng thì đơn giản mà, nhưng như vậy thì đâu còn vui nữa.
Dĩ nhiên rồi, việc gửi quà tặng và nhận quà từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người quen biết trong công việc khiến những ngày giáp Tết trở nên đặc biệt sôi động. Những ngày này, quà tặng được gửi đến trên những chuyến xe ôm xuyên thành phố. Ngày nào cũng vậy, hôm thì là một chậu cây – thường là một cây quất hay chậu hoa trưng bày ngày Tết; lúc lại là lương thực, thực phẩm, mà phần nhiều là thực phẩm gửi từ quê ra; rồi rượu vang hoặc rượu whisky; hay đôi khi là một vài thứ đồ gốm hoặc hộp bánh quy xuất hiện tại quầy lễ tân của toà nhà.
Và năm nào cũng vậy, những món ăn ngày Tết được chuyển lên nhà chúng tôi từ tầng 15 của toà nhà – đó là những món quà đầy tình cảm của Thuỷ, cô bạn thời học sinh của vợ tôi đang sống ở đó. Tôi thực sự thấy như mình đang có một gia đình lớn ở đất nước này.
Hãy tưởng tượng bạn đang sống ở Hà Nội mà vẫn được thưởng thức những món ăn đặc sản của mọi miền đất nước trong khi không cần bước chân khỏi nhà – điều đó chỉ có thể có được nhờ văn hóa sẻ chia của người Việt.
Tôi đặc biệt thích thú các cuộc thăm hỏi của người quen trong dịp lễ Tết. Khách đến nhà chúng tôi có cả những sinh viên cũ đã theo học tại Đại học Carnegie Mellon — Adelaide, Australia, có lúc họ đi cùng với cha mẹ để chia sẻ với chúng tôi về tình hình của họ. Các sinh viên này đều đang có một sự nghiệp tiến triển tốt đẹp. Thật tuyệt khi thấy cha mẹ họ tự hào như thế nào về thành tích của con mình.
Một số người bạn là phóng viên, là đại diện của các tờ báo tôi hợp tác cũng đến chúc Tết. Hà Nội thật rộng lớn nhưng cũng thật bé nhỏ. Các phóng viên dù làm cho các tờ báo khác nhau nhưng đều quen biết nhau cả. Tết là dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi câu chuyện thân tình bên chén trà.
Chúng tôi đặc biệt rất thích ghé thăm gia đình có cửa hiệu kính gần khu nhà. Cả gia đình tôi đều kiểm tra mắt và làm kính ở đây. Họ có một người con rể là người Nhật Bản và cặp vợ chồng trẻ đã có một em bé – chúng tôi biết em bé từ lúc mới sinh, đến giờ bé đã đi học mẫu giáo. Em bé vô cùng xinh xắn, đáng yêu khiến mỗi khi đi ngang cửa hàng là không ai bảo ai chúng tôi cùng ngó vào rồi thốt lên: “Hãy nhìn xem em bé Nhật Bản đâu rồi!”
Năm mới, nhất định tôi không thể quên nhắc đến gia đình bác xe ôm, người có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi. Suốt cả năm, trong suýt soát 10 năm qua, bất kỳ giờ nào trong ngày, bất kể trời nắng, mưa hay ngập lụt, gia đình bác xe ôm luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi – có lúc chở hai con chúng tôi đi học, lúc lại vận chuyển đồ ăn, đồ dùng, nói chung là không thiếu thứ gì, đến mọi ngóc ngách của thành phố. Họ không chỉ đơn thuần là những người đi xe ôm, họ là những người bạn của gia đình chúng tôi. Con gái tôi còn được họ dạy đi xe máy.
Một điều khiến tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vời là mỗi dịp Tết đến vợ tôi lại gặp gỡ những người bạn học cũ, không chỉ bạn thời đại học mà cả những người bạn từ thời phổ thông. Rồi cả các thầy cô giáo cũ. Còn với tôi, thực sự là tôi còn chẳng thể nhớ nổi lúc tôi đi học là năm nào nữa chứ đừng nói đến việc nhớ được bạn học hay thầy cô giáo cũ.
Tục lệ thăm hỏi nhau khi Tết đến xuân về khiến tôi chợt nhớ ra rằng Việt Nam là một “xã hội kết nối”. Chỉ cần vài cuộc điện thoại là bạn có thể tìm thấy bất kỳ người nào, bất kỳ địa điểm nào, bất kỳ dịch vụ nào giúp bạn thoát khỏi tình huống khó khăn.
Tục lệ đốt vàng mã quả là một di sản thú vị. Tôi thích nhất là ngày tiễn Ông Táo về trời. Năm nào tôi cũng thích thú xem vợ tôi chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo, đặc biệt sau khi tôi được nghe sự tích về tục lệ này. Nhưng tôi yêu thích ông Táo còn vì một lý do đặc biệt nữa: ông thần bếp rất ưu ái vợ tôi. Cô ấy là đầu bếp giỏi nhất tôi biết từ trước đến giờ – cả món Việt và cả món Âu, món nào qua tay cô ấy cũng thật ngon. Tôi chắc chắn điều này vì bạn bè, người thân và cả vài sinh viên cũ vẫn thỉnh thoảng đến nhà chúng tôi dùng bữa cô ấy nấu.
Có nhiều cách để người Việt thể hiện cái tâm với tổ tiên của mình trong dịp Tết. Nhiều người gửi tình cảm của mình đến người quá cố qua việc đốt vàng mã – dưới sân chung cư nào cũng có một nơi đốt vàng mã cho các hộ gia đình. Còn nhớ lần đầu tiên chứng kiến người ta đốt những tờ tiền mã giống như tờ 100 đô la, tôi đã bị sốc. Tôi còn nghĩ liệu mình có nên lao vào trong cái lò đốt mã khổng lồ kia để lấy lại số tiền đang bị đốt cháy hay không.
Gia đình chúng tôi không đốt vàng mã mà dùng số tiền sắm mã để tặng cho những người nghèo, những người đôi khi bị lãng quên trong dịp Tết. Chúng tôi dùng khá nhiều thực phẩm nhập khẩu bởi nhiều khi tôi muốn ăn các món nấu kiểu Tây nhưng vẫn luôn thích mua hàng từ những người bán hàng rong. Trong mắt tôi, họ thực sự là những anh hùng – tự xoay sở cuộc sống theo cách riêng của mình với đồng vốn vô cùng ít ỏi và không có mấy sự trợ giúp. Họ rất có lòng tự trọng, không cần ai từ thiện cho mình, nhưng có thể mua một ít hàng của họ thì thực sự sẽ khiến cả hai bên cùng vui.
Ba ngày đầu của năm mới thực sự là thời gian thú vị nhất đối với tôi. Những con phố vốn nhộn nhịp, chật chội như nêm với nào là người đi bộ, người bán hàng rong, xe máy, ô tô giành nhau từng khoảng trống cả trên vỉa hè thì giờ cả người và xe bỗng nhiên biến mất, không để lại một chút dấu hiệu nào của sự sống. Tết đến bạn mới có dịp được nhìn thấy con phố trước cửa nhà mình thực sự trông thế nào.
Nhưng phố xá có tĩnh lặng đến đâu thì bạn cũng không cảm thấy cô đơn hay sợ hãi. Những khách bộ hành bạn gặp lác đác trên đường luôn mỉm cười và nói chúc mừng năm mới với bạn.
Tôi nhớ có một năm trên đường sang quán café chiều mùng 1, chúng tôi gặp chiếc xe buýt đưa nhóm trẻ em đến thăm Hà Nội dịp năm mới ở Trung tâm thương mại. Bọn trẻ ào đến vây quanh tôi và chúng tôi cùng chụp rất nhiều ảnh. Rồi chúng hét vang “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Anh còn tôi thì nói bằng tiếng Việt. Tôi thấy hãnh diện và hạnh phúc khi được chia sẻ khoảnh khắc năm mới với bọn nhỏ. Tôi chỉ hy vọng chúng đừng nhầm lẫn tôi với một ngôi sao nhạc Rock nổi tiếng nào đó.
Năm nay, vì Covid, tôi phải đón Tết “ảo” từ Mỹ trong khi gia đình tôi đang ở Hà Nội. Tôi nhớ da diết không khí Tết trên đường phố Việt Nam và tinh thần Tết tràn ngập căn phòng khách ở nhà với rất nhiều hoa, cành đào, cây quất.
Tôi nhớ cách đây 10 năm khi tôi vừa sang Việt Nam – tôi thức dậy vào sáng mùng 1 Tết, bước ra phòng khách và ngước mắt lên bàn thờ treo trên tường. Trên đó đang ngạo nghễ một một con gà luộc, miệng ngậm bông hoa hồng – trời ơi, nó nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi sốc, thực sự sốc. Và ánh mắt chằm chằm của con gà luộc cho đến bây giờ vẫn ám ảnh tôi. Chỉ có điều, đến lúc này tôi mới hiểu rõ là mình nhớ con gà đó đến mức nào. Tết năm nay, tôi chỉ hy vọng một điều tốt lành nhất: được trở về nhà.
(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Doanh nghiệp & tiếp thị